Phá băng thị trường ngoại hối
Có một thực tế mà nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) thừa nhận là xu hướng tích trữ USD của các ngân hàng trong nhiều tuần qua. Và như vậy, chỉ có doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thiết yếu mới có thể mua được ngoại tệ từ ngân hàng. Trong những tuần qua, với những thông tin có được từ cơ quan quản lý về xu hướng quản lý tỷ giá, các ngân hàng đều tin rằng, tỷ giá sẽ tăng lên, có thể là việc nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá hiện vẫn giữ ở mức +/-3% hoặc tăng tỷ giá liên ngân hàng lên cao hơn. Trạng thái ngoại hối của nhiều ngân hàng được giữ ở mức "dương" trong nhiều tuần, nghĩa là ngân hàng có nguồn ngoại tệ, nhưng thị trường thì gần như đóng băng khi đầu mối là NHTM không bán ngoại tệ ra.
Về phía NHNN, kênh cung ngoại tệ ra thị trường chủ yếu vẫn là "bơm" qua hệ thống NHTM. Nhưng thời gian gần đây, bản thân NHNN không còn bán nhiều ngoại tệ cho các NHTM vì nhiều lý do, trong đó có tính đến xu hướng tích trữ USD của ngân hàng. Bản thân nền kinh tế chưa thiếu USD, nhưng nguồn USD vẫn yên vị trong két của ngân hàng. Ý nghĩa của việc nâng tỷ giá liên ngân hàng rất mạnh chỉ qua một ngày, từ gần 16.500 VND/USD lên gần 17.000 VND/USD là ở chỗ đó. Nay điều mà NHTM chờ đợi đã tới, họ có thể bán USD với tỷ giá lên tới khoảng 17.400 VND/USD và sẽ hiện thực hoá lợi nhuận cho quá trình tích luỹ USD trong nhiều tuần qua. Khi NHTM chịu "mở két", thị trường ngoại hối sẽ hoạt động bình thường trở lại.
Hỗ trợ xuất khẩu
Thời gian gần đây, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được điều hành theo hướng lên giá đều đặn so với đồng USD dưới tác động của nguồn cung USD dồi dào từ thặng dư thương mại và luồng vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng tới nay, nguồn tin từ các hãng thông tấn quốc tế cho thấy, Trung Quốc - cường quốc xuất khẩu - có thể hạ giá trị đồng nội tệ lần đầu tiên sau nhiều năm để khuyến khích xuất khẩu.
Động thái này cho thấy, việc NHNN Việt Nam cho phép đồng tiền mất giá thêm một chút để hỗ trợ xuất khẩu cũng là hợp lý. Có giảm được nhập siêu (hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu) thì dự trữ ngoại hối mới được bảo đảm, khi mà nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế như kiều hối, đầu tư trực tiếp, gián tiếp có thể giảm đôi chút trong năm 2009.
Tỷ giá tăng tới 3% của đồng Việt Nam sau ngày hôm qua là khá lớn khi nhớ lại rằng, trong nhiều năm trước đây, mỗi năm tỷ giá VND/USD chỉ được tác động tăng trong vòng 1% để hỗ trợ xuất khẩu. Mà từ đầu năm tới nay, đồng Việt Nam đã giảm giá tới gần 10% so với USD.
Bình luận về động thái này, lãnh đạo một doanh nghiệp dược phẩm cho biết, dù chưa thể lượng hoá được lợi thế xuất khẩu sau khi tỷ giá tăng thêm 3%, nhưng chắc chắn sẽ tạo thêm lợi thế cho hàng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, chính sách nào có những phản ứng phụ không được chờ đợi. Xu hướng tiền gửi bằng ngoại tệ đã liên tục tăng cao trong những tuần gần đây, khi mà người gửi tiền nắm được xu hướng mất giá thêm của đồng Việt Nam. Chính sách tỷ giá của NHNN đã được thay đổi khá nhanh. Nếu như giữa năm nay, mục tiêu tỷ giá khi kết thúc năm 2008 chỉ là khoảng 16.800 - 16.900 VND/USD thì với động thái vừa qua, chắc chắn mục tiêu này được điều chỉnh lên trên 17.000 VND/USD.
Nhìn chung, động thái chính sách vừa qua có thể nói là được nhiều hơn mất. Nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua vẫn muốn mua thêm ngoại tệ. Thị trường ngoại hối gần như đóng băng đã khiến họ khó khăn trong việc tìm nguồn cung USD. Nay thị trường được dự báo là sôi động trở lại thì việc tìm mua ngoại tệ sẽ dễ dàng hơn. Nhưng đã là nhà đầu tư thì phải tính tới lợi nhuận, tỷ giá tăng thêm 3% có nghĩa mua USD đắt hơn trước 3% cũng là một con số có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài phải ít nhiều cân nhắc lại quyết định. Đó cũng là một điểm đáng lưu tâm trong chính sách này.