Nới lỏng tiền tệ và sự kỳ vọng cho TTCK

(ĐTCK-online) Cuộc trao đổi của ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với báo giới đầu tuần này đã cho thấy nhiều nét mới. Toàn bộ nội dung trao đổi cho thấy, NHNN đang có những hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh tín dụng, chứ không hoàn toàn như một vài lời chỉ trích trước đó.
 NHNN đang thực hiện một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn - Ảnh: Hoài Nam NHNN đang thực hiện một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn - Ảnh: Hoài Nam

"Tháng 8 này, tăng trưởng dư nợ sẽ tăng nhanh", đó là lời khẳng định của ông Giàu. Nhưng chắc chắn rằng, các nhà đầu tư chứng khoán sẽ không hồ hởi nhiều, bởi nguồn vốn bơm ra thị trường đang được NHNN hướng tới khu vực ưu tiên của nền kinh tế.

Vào cuối năm ngoái khi TTCK sụt giảm mạnh, trao đổi với báo giới, ông Giàu có đề cập tới một ý là TTCK không nên kỳ vọng vào nguồn vốn ngân hàng. Điều này đã được thực hiện rốt ráo, không kể một số biện pháp kiểm soát vốn vào TTCK trước đó, Thông tư 13 của NHNN mới ban hành đang khiến nhiều ngân hàng phải thoái bớt phần chứng khoán đầu tư cũng như chặt chẽ hơn trong cho vay chứng khoán. Ngay nguồn tiền mới mà NHNN bơm ra, sẽ chưa mang hy vọng nhiều cho TTCK.

10.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho Vietinbank trong tháng 7 là nhằm hỗ trợ tín dụng cho xuất khẩu. Cũng tháng 7 vừa qua, 10.000 tỷ đồng đã được cấp cho Agribank để cho vay khu vực nông thôn.

Sự hy vọng có thể nằm ở giải pháp hạ dự trữ bắt buộc, dự kiến thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự ưu tiên vẫn dành cho các ngân hàng có tỷ trọng cho vay nông nghiệp cao, Agribank được ưu đãi nhất với mức dự trữ bắt buộc dự kiến chỉ còn 0,1% nhằm tạo thêm 4.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp; những ngân hàng có tỷ trọng cho vay nông nghiệp trên 40 - 50% tổng dư nợ cũng được hạ dự trữ bắt buộc ở mức dự kiến từ 3% xuống 2%.

Xem ra, TTCK vẫn phải tự tạo sự hấp dẫn bằng chính những cơ chế chính sách của mình để có dòng vốn mới, thay vì một sự chuyển dịch vốn có từ nguồn vốn ngân hàng.

 

Chọn một con đường!

Đà tăng của chỉ số giá đã chững lại trong hai tháng qua, đây là một cơ sở tốt để ngân hàng hạ lãi suất. Nhưng trên thực tế, lãi suất vẫn được giữ ở mức khá cao, phổ biến lãi suất cho vay từ 13 - 14%/năm.

Thực tế này khiến nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về khả năng đẩy mạnh tín dụng cho nền kinh tế phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Hai cựu thống đốc NHNN là ông Cao Sĩ Kiêm và ông Lê Đức Thúy mới đây cũng đã lên tiếng, nhấn mạnh về nhu cầu hạ lãi suất nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP.

Đối với cách nhìn của ông Giàu hiện nay, việc đẩy mạnh dư nợ không chỉ cho toàn bộ nền kinh tế nói chung, nhưng phải có sự ưu tiên. Cụ thể là việc thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ tập trung vào 3 mục tiêu chính là kích thích xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"6 tháng đầu năm, NHNN điều hành chính sách tiền tệ về tổng thể phục vụ đắc lực hai mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và không để lạm phát cao", ông Giàu cho biết.

Với biện pháp bơm tiền qua kênh tái cấp vốn trong tháng 7, hạ dự trữ bắt buộc (dự kiến), Thống đốc NHNN đang khẳng định quyết tâm tiếp tục đầu tư mạnh hơn cho những khu vực ưu tiên.

"Tháng 7, NHNN đưa ra cung tiền nhằm hạn chế tăng tín dụng ở khu vực nhập khẩu và khu vực đô thị, cung tiền của NHNN là đưa vào đầu tư cấu trúc sản xuất như xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn", ông Giàu nhấn mạnh.

Sự ưu đãi còn thể hiện cả ở chính sách lãi suất khi hiện tại lãi suất cho vay khu vực nông thôn khá thấp từ 12 -  12,5%/năm, thấp hơn cả thời kỳ ổn định 2006 - 2007, thời kỳ này lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn lên tới 13,2%/năm.

Trước những ý kiến cho rằng tín dụng năm nay tăng thấp so với kế hoạch, ông Giàu cho biết, tổng phương tiện thanh toán ước đến ngày 31/7 tăng 12,96% trên mục tiêu 20% là bình thường, dư nợ tăng 12,97% trên mục tiêu 25% không phải là thấp. NHNN vẫn điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, đảm bảo ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

"Một số chuyên gia bên ngoài đánh giá là do không hiểu hết cách điều hành của NHNN", ông Giàu nói.

 

Nới lỏng!

Chính sách tiền tệ tại các nước phát triển đảm nhiệm chức năng chính là kiềm chế lạm phát. Nhưng tại Việt Nam, chính sách tiền tệ còn phải "gánh" nhiều chức năng khác mà đáng kể tới là hỗ trợ tăng trưởng.

Việc NHNN đang sử dụng chính sách tiền tệ điều tiết nguồn vốn hướng tới các khu vực ưu tiên trong giai đoạn này là một cách làm. Độ trễ của chính sách tiền tệ chưa cho phép đưa ra những bình luận về hiệu quả của hướng đi đó, nhưng ít nhất trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng được duy trì và lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, nhập siêu giảm dần...

Nhưng đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định rằng, NHNN đang thực hiện một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sau những bước đi thận trọng từ đầu năm. Bơm tiền mạnh mẽ qua kênh tái cấp vốn, thị trường mở và đặc biệt chuẩn bị hạ dự trữ bắt buộc là những giải pháp mạnh.

Dù nguồn vốn đang được hướng tới khu vực nông nghiệp nông thôn, khu vực xuất khẩu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng khi mà chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, về lâu dài chắc chắn lãi suất sẽ hạ và cơ hội tiếp cận vốn sẽ được mở rộng hơn cho bất kỳ khu vực kinh tế nào.

Vân Anh
Vân Anh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,240.18 -4.52 -0.36% 172,142 tỷ
HNX 236.36 0.68 0.29% 1,675 tỷ
UPCOM 91.48 -0.24 -0.27% 788 tỷ