40.000 tỷ đồng và kỳ vọng giải ngân
Các ngân hàng đương nhiên kỳ vọng việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp họ giảm bớt lãi suất huy động bình quân và qua đó giảm thêm lãi suất cho vay. Bản chất của việc giảm mức dự trữ bắt buộc là các ngân hàng thương mại (NHTM) có thêm một khoản tiền để kinh doanh và theo tính toán của một chuyên gia trong ngành ngân hàng, con số này xấp xỉ 40.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo một NHTM nhà nước cho biết, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần này sẽ giúp lãi suất ngân hàng giảm bình quân 2%/năm cho tất cả các đối tượng khách hàng và qua đó, mức lãi suất cho vay sẽ chủ yếu ở mức 10,5 - 12%/năm. Mức lãi suất này sẽ ngang bằng với mức đầu năm, trước khi NHNN áp dụng một loạt biện pháp thắt chặt tiền tệ.
Trong những tuần qua, các NHTM đã và đang tích cực tiếp thị vốn tới các doanh nghiệp có tiềm năng đến mức bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng phải nhận xét là rất ấn tượng. Tuy nhiên, việc giải ngân tại phần lớn các NHTM vẫn rất chậm. Có những ngân hàng đã không tăng tổng dư nợ cho vay trong vài tuần liền và cũng có ngân hàng chỉ tăng thêm được 20 - 30 tỷ đồng mỗi ngày - một con số rất nhỏ.
Về phía các doanh nghiệp, tâm lý chờ đợi lãi suất giảm thêm mới vay vốn là lý do chính cho sự chần chừ của họ trong nhiều tuần qua. Với động thái nới lỏng chính sách tiền tệ trong tuần này, có thể thấy sự chờ đợi đó không phải là không có cơ sở. Chỉ trong sáu tuần (từ ngày 20/10), chính sách tiền tệ được nới lỏng đến 4 lần. Gần hai tuần một lần, các NHTM lại công bố những mức lãi suất cho vay mới thấp hơn. Lãi suất giảm nhanh tới mức có khách hàng "sợ", bởi vay hôm trước, hôm sau có thể thấy hớ.
Tuy nhiên, khác với những lần trước, lần nới lỏng chính sách tiền tệ này sẽ đưa mức lãi suất cho vay xuống thấp một cách thực sự. Lãi suất cho vay trên thị trường được dự kiến sẽ ở mức 10,5 - 13%/năm tuỳ ngân hàng và mức 11 - 12%/năm sẽ là phổ biến. Đây chính là mức lãi suất mà nhiều hiệp hội doanh nghiệp như nhựa, gỗ, thép từng phát biểu là mức lãi suất "vay được và trả được nợ". Đó là những thông điệp có ý nghĩa và đủ để các ngân hàng tin rằng, tình hình giải ngân từ nay tới cuối năm sẽ nhộn nhịp hơn rất nhiều.
Chỉ có ngân hàng khó
Hồi đầu năm nay, khi NHNN liên tiếp đưa ra các chính sách thắt chặt tiền tệ, tình hình cung cầu vốn trên thị trường nhiều thời điểm trở nên căng thẳng. Khi đó, lãi suất huy động - cho vay liên tiếp tăng cao khiến cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khó thì tới nay, các biện pháp nới lỏng tiền tệ liên tiếp đang gây khó khăn chỉ cho phía ngân hàng. Giám đốc một NHTM cổ phần than thở: khác với những năm trước, năm nay, kế hoạch kinh doanh của ngân hàng thay đổi từng tháng một, thậm chí trong thời gian gần đây là từng tuần một.
Dù từ tháng 7, các ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay, nhưng do lãi suất huy động - cho vay vẫn ở mức cao nên doanh nghiệp ngại vay vốn và dẫn tới kết quả là vài chục ngàn tỷ đồng dư thừa trong hệ thống ngân hàng trong những tuần gần đây. Động thái của NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm đưa lãi suất thị trường đi xuống sau khi đạt được những kết quả khả quan trong kiểm soát lạm phát là đúng đắn, nhưng cách mà NHNN nới lỏng liên tục trong một khoảng thời gian ngắn chính là lý do khiến các NHTM không thể đẩy mạnh giải ngân do doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi lãi suất giảm thêm.
Điều các NHTM hướng tới là lãi suất huy động được ở mức nào thì có thể cho vay ở mức lãi suất tương ứng, nhưng điều này đã không thể thực hiện được trong thời gian qua. Lãi suất huy động giảm đều thì vẫn có tiền gửi vào, trong khi ngân hàng không tìm được đầu ra tương ứng. Ví dụ như các ngân hàng có khoản huy động ở mức lãi suất 16 - 18%/năm hồi giữa năm và hiện nay phải cho vay ở mặt bằng lãi suất mới thấp hơn nhiều thì đương nhiên phải chịu lỗ cho món vay đó. Với mức lãi suất huy động hiện nay đã rất thấp, khoảng 10 - 13%/năm, thậm chí có ngân hàng áp dụng lãi suất huy động 9%/năm thì các khoản huy động mới sẽ hạ dần mức lãi suất huy động bình quân xuống, nhưng chắc chắn doanh thu từ lãi của nhiều ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh quá gây khó khăn đã đành, nhưng nới lỏng nhanh quá cũng khiến hệ thống ngân hàng lao đao!