Nới lỏng định lượng "phiên bản Trung Quốc" đang nổi lên như một lựa chọn để hỗ trợ thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc suy thoái bất động sản ngày càng sâu sắc của Trung Quốc đang đẩy ngân hàng trung ương nước này hướng tới chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Nới lỏng định lượng "phiên bản Trung Quốc" đang nổi lên như một lựa chọn để hỗ trợ thị trường bất động sản

Bloomberg News đưa tin rằng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể cung cấp ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) tài trợ với chi phí thấp cho các dự án xây dựng thông qua chương trình Cho vay bổ sung có cam kết (Pledged Supplemental Lending - PSL). Theo chương trình này, ngân hàng trung ương sẽ cung cấp nguồn tiền mặt dài hạn với chi phí thấp cho các ngân hàng chính sách (bằng cách chấp nhận các khoản vay của họ làm tài sản thế chấp) để tài trợ cho các khoản cho vay đối với lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng.

Không giống như các chương trình QE do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện và các chương trình khác liên quan đến việc mua trái phiếu quy mô lớn để đẩy lợi suất xuống, phiên bản QE của Trung Quốc có mục tiêu rõ ràng hơn. PSL đã được sử dụng từ năm 2014 đến năm 2019 để giúp tài trợ cho hoạt động xây dựng nhà ở, khiến một số nhà kinh tế mô tả nó là QE phiên bản Trung Quốc, vì tạo ra tiền và mở rộng bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương.

“Sau quá nhiều chính sách nới lỏng, kích thích và cứu trợ, lĩnh vực bất động sản vẫn chưa cho thấy sự cải thiện rõ ràng nào... Khả năng sử dụng vốn ngân hàng trung ương để giải cứu các dự án nhà ở chưa hoàn thành đang gia tăng”, Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura cho biết.

Lĩnh vực bất động sản - chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc vào thời kỳ đỉnh cao - vẫn đang lao dốc, với giá nhà giảm mạnh nhất trong 8 năm vào tháng 10. Các biện pháp chính sách cho đến nay bao gồm cắt giảm lãi suất thế chấp, nới lỏng yêu cầu mua nhà và hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển bất động sản đã không thể xoay chuyển được cuộc khủng hoảng.

Các nhà phát triển bất động sản đang đối mặt với áp lực thanh khoản ngày càng tăng khi nguồn vốn từ các khoản vay và doanh số bán hàng cạn kiệt, Bloomberg Economics ước tính rằng họ cần 18.900 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023 để trả các khoản nợ ngắn hạn và hoàn thiện những ngôi nhà đã bán trước.

Những người hoài nghi về QE

PBOC từ lâu đã phản đối các chính sách QE của các ngân hàng trung ương toàn cầu và cam kết duy trì chính sách tiền tệ ở trạng thái bình thường càng lâu càng tốt.

Cựu Thống đốc PBOC Yi Gang cho biết, các ngân hàng trung ương nên cố gắng hết sức để tránh mua tài sản vì về lâu dài chúng sẽ “làm tổn hại đến chức năng thị trường, thâm hụt tài khoá gây tổn hại đến danh tiếng của ngân hàng trung ương, làm mờ ranh giới của chính sách tiền tệ và tạo ra rủi ro đạo đức”.

Trong một báo cáo chính sách hôm thứ Hai (27/11), PBOC đã thể hiện quan điểm là không mua trái phiếu chính phủ như chính sách của Fed và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Báo cáo cũng cho biết, các ngân hàng thương mại Trung Quốc nắm giữ khoảng 64% trái phiếu chính phủ dưới sự hỗ trợ tài chính từ ngân hàng trung ương, đây là mức cao hơn nhiều so với tỷ lệ nắm giữ ở Mỹ và Nhật Bản với mức dưới 7%. PBOC cho biết họ sẽ thúc đẩy nhiều công ty và người dân mua trái phiếu chính phủ hơn để đa dạng hóa danh mục đầu tư của người nắm giữ và đảm bảo việc phát hành những trái phiếu chính phủ một cách suôn sẻ.

Việc nới lỏng tiền tệ trên diện rộng không có hiệu quả trong việc phục hồi nhu cầu vay vì niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng yếu. Quốc hội đã cảnh báo về “nguồn vốn nhàn rỗi giữa các ngân hàng và doanh nghiệp lớn” trong một cuộc họp vào tháng trước.

PBOC đã hai lần cắt giảm lãi suất chính sách và tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào năm 2023, tuy nhiên quy mô khoản vay liên quan đến bất động sản vẫn đang giảm và khả năng hỗ trợ chính sách thông thường hơn đang bị thu hẹp.

Thống đốc PBOC Pan Gongsheng cũng tuyên bố sẽ cung cấp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các chính quyền địa phương nhằm ngăn ngừa rủi ro nợ địa phương. Thị trường cũng tin rằng đây có thể trở thành một công cụ khác được bổ sung vào danh sách các chính sách tiền tệ cơ cấu của ngân hàng trung ương, làm tăng thêm kỳ vọng về việc nới lỏng có mục tiêu hơn.

PSL từng được sử dụng thành công

PBOC từng sử dụng chương trình PSL trước đây để xây dựng lại các “khu dân cư tồi tàn” và đây là công cụ giúp ngăn chặn tình trạng suy thoái bất động sản trước đó.

PBOC đã cung cấp 3.600 tỷ nhân dân tệ dưới dạng khoản vay PSL cho các ngân hàng chính sách trong khoảng thời gian 5 năm. Các ngân hàng chính sách đã sử dụng tiền để giúp chính quyền địa phương và các nhà phát triển bất động sản phá bỏ những ngôi nhà cũ và bồi thường bằng tiền mặt để chủ hộ có thể mua căn hộ mới.

Điều đó đã nâng cao nhu cầu ở các thành phố nhỏ mà chương trình diễn ra và giảm tồn kho, cuối cùng dẫn đến giá nhà đất tăng vọt. Theo ước tính của JPMorgan, chương trình xây dựng lại các “khu dân cư tồi tàn” đã thu hút tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ nhân dân tệ vì nó cũng nhận được tài trợ từ các nguồn khác bao gồm các khoản vay ngân hàng và chi tiêu của chính phủ.

Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ cho biết, chương trình PSL “trông giống một hoạt động tài chính ngoài ngân sách hơn” do ngân hàng trung ương tài trợ, mặc dù PBOC gọi nó là một công cụ cơ cấu. Chương trình này “giống như việc kiếm tiền từ nợ” vì các ngân hàng chính sách là một bộ phận của chính phủ và các khoản vay của họ được PBOC lấy làm tài sản thế chấp đủ điều kiện.

Không rõ quy mô của PSL lần này sẽ có tác động lớn đến mức nào vì thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố. Các địa phương có thể thích sử dụng “phiếu mua nhà” thay vì bồi thường bằng tiền mặt cho các hộ gia đình, điều đó có nghĩa là các gia đình có thể sử dụng phiếu giảm giá do chính phủ cấp để mua căn hộ chưa bán được từ các chủ đầu tư thay vì sử dụng tiền mặt.

TARP phiên bản Trung Quốc?

Các nhà kinh tế của Macquarie Group nhận thấy rằng nên có một công cụ chính sách kiểu phương Tây khác như loại hình một quỹ có thể là người cho vay hoặc người mua cuối cùng. Điều đó sẽ tương tự như Chương trình cứu trợ tài sản gặp rắc rối (Troubled Asset Relief Program – TARP) được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho phép chính phủ Mỹ mua tài sản xấu để ổn định hệ thống tài chính khi các nhà chức trách đang giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản ở Mỹ vào năm 2008.

PBOC đã mở rộng bảng cân đối kế toán với tốc độ nhanh chóng trong những tháng gần đây để cung cấp các khoản vay cho các ngân hàng. Điều này nhằm giúp các ngân hàng hấp thụ một lượng lớn trái phiếu chính phủ được bán ra để hỗ trợ tài chính và tăng cường cho vay đối với các lĩnh vực mục tiêu, chẳng hạn như lĩnh vực xanh. Tổng tài sản của ngân hàng trung ương đã tăng 8,6% lên 43.300 tỷ nhân dân tệ trong tháng 10 so với một năm trước, tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2014.

Le Xia, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA cho biết: “Có một số điểm tương đồng giữa các hoạt động của ngân hàng trung ương Trung Quốc với QE, ở chỗ bảng cân đối kế toán của họ phải mở rộng… Đó là một lựa chọn phải được thực hiện và là lựa chọn tối ưu nhất trong số những lựa chọn tồi tệ”.

Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục