Nới lỏng chính sách tiền tệ: Thế kẹt của ngân hàng

(ĐTCK) Đã có những dự cảm về một đợt nới lỏng chính sách tiền tệ ngay từ đầu tuần trước, nhưng các ngân hàng không thể ước định rằng, đợt "nới lỏng" này lại gây khó khăn cho họ nhiều đến vậy. Hai tuần nới lỏng chính sách tiền tệ một lần bắt đầu từ ngày 20/10 đã trở thành một "thói quen" và điệp khúc ấy không còn được các ngân hàng mong đợi.
Hệ thống ngân hàng đã ở trong tình trạng dư thừa vốn tạm thời từ nhiều tuần qua.

Đã nhàm…

Nếu như hồi đầu năm chính sách tiền tệ được thắt chặt nhanh bao nhiêu thì tới giai đoạn cuối năm lại được nới lỏng nhanh bấy nhiêu. Trong liên tiếp 5 lần nới lỏng chính sách tiền tệ từ cuối tháng 10/2008 thì chỉ có 2 lần đầu là mang lại cho các ngân hàng những kỳ vọng về một sự giải ngân tốt hơn, qua đó cải thiện thu nhập của các ngân hàng. Nhưng thời gian đã chứng minh rằng, những đợt nới lỏng đó không thực sự mang lại cho họ nhiều kết quả. Lãi suất liên tiếp giảm khiến cho những doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn thêm "chần chừ", trong khi đó áp lực trả nợ trước hạn từ các doanh nghiệp đã vay vốn trước đây ở mức lãi suất cao càng tăng thêm. Cũng là dễ hiểu, họ muốn trả nợ sớm rồi sau đó có thể vay vốn rẻ hơn.

Vậy là bài toán cân đối huy động ở mức lãi suất bao nhiêu thì cho vay ra ở mức tương ứng không thể tìm được lời giải. Đương nhiên, ngân hàng phải chịu lỗ. Ở phía huy động, các động thái nới lỏng liên tiếp đã tạo tâm lý cho người gửi tiền muốn gửi tiền càng sớm càng tốt nếu không muốn bị thiệt về lãi suất. Vậy là vốn huy động tiếp tục chảy vào ngân hàng dù lãi suất liên tục giảm trong thời gian qua. Tất nhiên, khi lãi suất huy động xuống tới một mức thấp nào đó, có thể dòng tiền nhàn rỗi sẽ chuyển hướng, nhưng trong tháng 12 thì các ngân hàng vẫn huy động khá tốt.

Vô hình trung, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mỗi khi nới lỏng chính sách tiền tệ thì các ngân hàng lại thêm đôi chút khó khăn. Trần lãi suất liên tục bị hạ xuống khiến dải lãi suất cho vay của ngân hàng bị thu hẹp lại và giảm bớt khả năng phân loại khách hàng theo rủi ro tín dụng. Đặc biệt, ở mảng cho vay tiêu dùng theo lý thuyết phải chịu mức lãi suất cao hơn của doanh nghiệp mà vẫn phải áp theo trần lãi suất thì khó mà triển khai. Tất nhiên, đi kèm với những đợt giảm lãi suất cơ bản, các ngân hàng được "ưu ái" giảm thêm dự trữ bắt buộc hoặc tăng thêm lãi suất cho tín phiếu bắt buộc để có thể hạ thêm lãi suất huy động bình quân, nhưng có vẻ như khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi.

Lại lệch tông?

Tới thời điểm hiện nay, lãi suất huy động bình quân tại các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn xấp xỉ mức 10%/năm và như vậy, trần lãi suất mới 12,75%/năm là không đủ để ngân hàng có lãi. Tình hình còn bi quan hơn với những ngân hàng thương mại cổ phần với mức lãi suất huy động bình quân cao hơn thì cho vay chắc chắn phải chịu lỗ. Một điều mà các ngân hàng trông đợi là lãi suất (nghĩa là giá vốn) nên được quyết định theo thị trường đã không thể có được. Mà quy luật thị trường thì luôn vận hành. Mục tiêu xuyên suốt của các đợt nới lỏng chính sách tiền tệ luôn là tạo sự tiếp cận vốn tốt hơn cho các doanh nghiệp thông qua tác động làm giảm lãi suất thị trường. Nhưng vốn trong tay các ngân hàng và giải ngân mà biết là lỗ thì đương nhiên các ngân hàng cũng phải có sự tính toán của họ.

Hệ thống ngân hàng đã ở trong tình trạng dư thừa vốn tạm thời từ nhiều tuần qua và việc cắt giảm thêm dự trữ bắt buộc đã "bơm" thêm vốn cho hệ thống khoảng 20.000 tỷ đồng. Không những vậy, việc NHNN mạnh tay cắt giảm lãi suất trả cho tín phiếu bắt buộc từ 13%/năm xuống 4,5%/năm như một hành động "bắt buộc" các ngân hàng phải nhận lại tiền. Nhiều ngân hàng đã nói, họ sẽ phải nhận lại tiền bởi mức lãi suất 4,5%/năm là quá thấp. Hồi tháng 3/2008, khi NHNN yêu cầu các ngân hàng mua tín phiếu bắt buộc, họ đã phải huy động ở mức lãi suất 8 - 10%/năm, thậm chí cao hơn để có vốn. Tới cuối tháng 6, NHNN đã có một động thái tăng lãi suất cho tín phiếu từ 7,8%/năm lên 13%/năm trong hoàn cảnh lãi suất trên thị trường tăng cao liên tiếp. Tới cuối năm, khi NHNN tuyên bố cho phép các ngân hàng rút lại tiền mua tín phiếu trước hạn, rất ít ngân hàng nhận lại, bởi lãi suất 13%/năm đủ hấp dẫn và họ cũng thừa vốn. Nhưng nay, NHNN hạ mức lãi suất này xuống cực thấp thì việc các ngân hàng không thấy "thoả đáng" là điều dễ hiểu. Các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, Vietinbank, Agribank và Vietcombank, mỗi ngân hàng sẽ phải lấy về 3.000 tỷ đồng mà chưa biết sử dụng vào đâu.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn là hướng tới mục tiêu xa hơn phục vụ tăng trưởng kinh tế, nhưng những động thái này lại đang khiến các ngân hàng "đau đầu" trong bài toán lợi nhuận. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ sẽ phải cân nhắc "kênh" rót vốn để tối đa hoá lợi nhuận và chưa chắc kênh rót vốn cho doanh nghiệp sẽ được ưu tiên. Đó mới là điều đáng bàn.

Vũ Giang
Vũ Giang

Tin cùng chuyên mục