Tiếp tục chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân
Tại phiên thảo luận hội trường sáng 5/11, bàn về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) đề nghị tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Đánh giá cao Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong việc thu ngân sách nhà nước; song đại biểu Trúc Sơn cho rằng cần cân nhắc việc Chính phủ dự kiến thu ngân sách năm 2024 tăng 10% so với năm 2023 và yêu cầu tăng thu ngân sách năm 2025 thêm 5% so với năm 2024.
Đại biểu cho rằng, một số địa phương đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; đồng thời tập trung khai thác các nguồn thu như sử dụng đất, xổ số kiến thiết, trong đó cần sớm hoàn thiện các chính sách liên quan như bảng giá đất, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai và hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong quá trình thu ngân sách, giải quyết những khó khăn vướng mắc.
Về việc Chính phủ yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển, đại biểu đề xuất thực hiện cắt giảm 5% chi thường xuyên ngay từ đầu năm để tạo thuận lợi cho việc bố trí vốn đầu tư công. Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong lập kế hoạch và bố trí nguồn vốn đầu tư công.
Tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu vấn đề, Chính phủ dự kiến tổng thu ngân sách năm 2024 vượt dự toán 10%, trong đó thu nội địa tăng 8,9% so với dự toán và 6,9% so với cùng kỳ; tuy nhiên khu vực doanh nghiệp nhà nước không tăng, thậm chí giảm so với dự toán, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh tăng.
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) |
Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là do Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp chưa phù hợp, cần sửa đổi, hoàn thiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cần tăng cường chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu. Đồng thời, tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn nhà nước; xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng.
Cân nhắc việc giảm 5% nguồn chi thường xuyên để thực hiện chính sách xóa nhà tạm
Cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; tuy nhiên đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) cho biết, theo tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép dành 5% nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Đại biểu cho rằng, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân rất tốt, phù hợp; tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vấn đề này, Chính phủ cần cân nhắc.
“Chúng ta đề xuất giảm 5% chi thường xuyên năm 2024 nhưng bây giờ là tháng 10 rồi. Và theo quy định ngày 13/11 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết này. Địa phương đã xây dựng dự toán từ đầu năm, nhiều địa phương cơ bản đã giải ngân hết. Nếu cắt giảm 5% thì địa phương sẽ lấy nguồn ở đâu?”, đại biểu băn khoăn.
|
Đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) |
Do đó, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị Chính phủ cân nhắc vấn đề này, đồng thời cần có cơ chế mở hơn. Nếu địa phương nào có khả năng tiết kiệm được thì thực hiện, không thể yêu cầu đồng loạt các địa phương đều như nhau. Nếu địa phương nào đã sử dụng hết và bắt buộc tiết kiệm thì đề nghị cần xem xét.
Về quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương, theo quy định hiện hành, các địa phương dành 70% tăng thu để thực hiện cải cách tiền lương. Đại biểu cho rằng, điều này dẫn đến có nhiều địa phương có nguồn tăng thu lớn, dư rất nhiều nhưng chỉ sử dụng 30%, còn 70% không có cơ chế nào để sử dụng, sau đó lại hoàn lại. Đây cũng là lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, có nhiều địa phương khó khăn, thậm chí là không có tăng thu, không đảm bảo được nguồn cải cách tiền lương.
Do đó, để tạo động lực tăng thu, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị Chính phủ cần cân đối vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương thiếu nguồn cải cách tiền lương. Đồng thời, có cơ chế cho đầu tư để sử dụng vào các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, có cơ chế sử dụng nguồn này chứ không đóng băng hoặc để treo như vậy.
Nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá "thực chất" hơn
Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng 4/11, đại biểu Trần Thị Quỳnh (đoàn Nam Định) cho rằng, tuy bề ngoài cho thấy Việt Nam tăng trưởng cao nhưng nhu cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 7,6% so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, mức bán lẻ thực tăng dưới 5%, thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự phục hồi kinh tế đến chủ yếu từ hồi phục xuất khẩu và nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài.
Bên cạnh đó, thu ngân sách tăng mạnh, còn chi ngân sách, đặc biệt là chi đầu tư công rất chậm và 9 tháng đầu năm, chúng ta tiếp tục thặng dư ngân sách, nâng tổng số năm thặng dư ngân sách liên tục là 3 năm.
|
Đại biểu Trần Thị Quỳnh (đoàn Nam Định) |
"Từ đó cho thấy nền kinh tế đang yếu, rất cần hỗ trợ vì chính sách tài khóa dường như không theo kịp nhu cầu thực tế của nền kinh tế", bà Quỳnh nhận định.
Ở ngoài nước, tình hình địa chính trị thế giới còn phức tạp, là những thách thức rất lớn với an ninh và triển vọng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Từ những bối cảnh trên, đại biểu cho rằng cần phải có những giải pháp vĩ mô rõ nét hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, cần tiếp tục nới lỏng, có thực chất chính sách tài khóa, duy trì việc giảm thuế VAT, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai. Bên cạnh đó, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng. Do đó, đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu.
Về chính sách tiền tệ, đại biểu đề xuất cần nới lỏng thực chất chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nên có các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số ngành cần đẩy mạnh như nông nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn để triển khai nhanh chóng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội và nên có doanh nghiệp nhà nước cùng tham gia thực hiện mục tiêu này...