Nỗi lo về Trump phủ bóng chuyến công du cuối cùng của Obama

Chuyến công du châu Âu cuối cùng của Obama lẽ ra tràn ngập niềm vui, nhưng giờ đây chỉ còn nỗi lo âu về tương lai bấp bênh dưới thời Trump.

Chuyến công du cuối cùng của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới châu Âu đang bị phủ bóng bởi chiến thắng của Donald Trump, người mà ông Obama đã rất nỗ lực để ngăn cản con đường tới Nhà Trắng nhưng không thành công. Với những giá trị gần như trái ngược với những gì đã gắn kết nước Mỹ với châu Âu, Trump đã biến cơ hội củng cố di sản đối ngoại cuối cùng của Obama thành một chuyến đi hạn chế thiệt hại của Mỹ, theo Guardian.

Trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra, ông Obama đã hy vọng chuyến công du châu Âu tuần này sẽ là cuộc diễu hành thắng lợi cuối cùng của mình. Ông lên kế hoạch bắt đầu chuyến thăm ở Athens, Hy Lạp, cái nôi của nền dân chủ phương Tây, rồi có bài phát biểu lớn tại di tích Pnyx, nơi người Athens cổ đại từng tụ tập để tuyên bố quyền tự trị. Thế nhưng mọi chuyện đã đảo lộn, với chiến thắng của Trump.

Nỗi lo về Trump phủ bóng chuyến công du cuối cùng của Obama ảnh 1

Obama đặt chân đến Athens, Hy Lạp hôm 15/11. Ảnh: Anadolu 

Một tuần trước khi Tổng thống Mỹ đặt chân đến Athens hôm 15/11, thắng lợi áp đảo của Trump trong cuộc bầu cử đã buộc Obama phải xem xét lại lịch trình châu Âu của mình. Thay vì ăn mừng với sự kế tục chính sách đối ngoại của bà Hillary Clinton, Obama giờ đây phải lãnh trọng trách trấn an thế giới, đặc biệt là các đồng minh Mỹ ở châu Âu, rằng mọi thứ sẽ không bị ảnh hưởng dưới thời của ông Trump.

Nỗi lo về Trump phủ bóng chuyến công du cuối cùng của Obama ảnh 2

 Người Hy Lạp đụng độ với cảnh sát khi biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Obama. Ảnh: AFP

Nhà Trắng cũng đã thay đổi kế hoạch ban đầu của Obama. Ông sẽ phát biểu trong một hội trường bằng bê tông và kính chứ không phải di tích Pnyx, với hàng rào an ninh nghiêm ngặt để chống lại các nhóm biểu tình chống toàn cầu hóa.

"Một trong những thông điệp tôi sẽ truyền tải là cam kết của Trump với NATO và các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương", ông Obama nói với báo giới trước khi lên đường tới châu Âu. Thế nhưng tất cả những gì ông nắm được về chính sách đối ngoại của Trump chỉ là một cuộc trò chuyện ngắn ngủi ở Nhà Trắng hồi tuần trước, và điều đó không đủ để làm an lòng các lãnh đạo NATO.

"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu đương kim Tổng thống Obama được tổng thống đắc cử Trump ủy nhiệm đưa ra những tuyên bố như vậy về NATO", cựu tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer nói. "Thành thật mà nói, tôi thấy điều đó hơi lạ lùng. Tôi muốn nghe tuyên bố đó từ tổng thống đắc cử Trump hơn".

Thế nhưng ông Trump chưa hề công khai tuyên bố điều gì về tương lai quan hệ Mỹ - NATO từ khi đắc cử. Ngược lại, ông từng tuyên bố NATO là một tổ chức "lỗi thời", nhiều lần gạt đi những nỗ lực của các đồng minh châu Âu nhằm thuyết phục ông về giá trị của NATO đối với an ninh Mỹ và sự ổn định toàn cầu.

Cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen kể rằng ông từng gửi cho Trump một cuốn sách do ông viết về vai trò không thể thiếu của Mỹ trong cuộc chiến bảo vệ tự do toàn cầu, thế nhưng tổng thống đắc cử Mỹ chưa hề hồi âm. "Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ", ông nói.

Mối lo thế lực đen tối trỗi dậy

Thay vì ca ngợi thành quả của nền dân chủ, của mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, ông Obama trong những bài phát biểu cuối cùng của mình tại châu Âu lại thể hiện lo ngại về sự trỗi dậy của "các thế lực đen tối hơn tồn tại trong lòng mọi xã hội", như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa nước lớn và tự xây tường tách biệt mình khỏi phần còn lại của thế giới.

Nỗi lo về Trump phủ bóng chuyến công du cuối cùng của Obama ảnh 3

 Ông Trump nhiều lần chỉ trích vai trò của NATO. Ảnh: Reuters

Cách đây hơn một năm, châu Âu đã chứng kiến sự trỗi dậy của các phong trào dân túy cánh hữu trong các cuộc bầu cử ở Pháp và Áo. Những thế lực chống nhập cư cũng góp phần quan trọng đẩy nước Anh rời xa EU trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit hồi tháng 6.

Tại Hy Lạp, cuộc khủng hoảng nợ công đã đưa phong trào cực tả Syriza lên nắm quyền với khẩu hiệu tranh cử loại bỏ tầng lớp tinh hoa tham nhũng, phớt lờ truyền thông định kiến và chối bỏ toàn cầu hóa. Mô hình này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với nhiều người châu Âu cũng như người Mỹ, đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Nếu như Athens là nơi sản sinh nền dân chủ phương Tây cách đây hàng nghìn năm, Hy Lạp ngày nay giống như một người trưởng thành đang trải qua cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, Shuster nhận định.

Sự trỗi dậy của ông Trump với đường lối dân túy, dân tộc chủ nghĩa, chống nhập cư, chống toàn cầu hóa lại càng khiến các lãnh đạo châu Âu lo lắng về tương lai của châu lục. Việc ông Trump sau khi đắc cử đã gặp gỡ Nigel Farage, thủ lĩnh phong trào Brexit ở Anh, càng khiến họ trở nên bất an. Ông Farage đã tuyên bố rằng chiến thắng của ông Trump chính là minh chứng cho "sự đúng đắn" trong quan điểm của phong trào cực hữu này.

Với thực tế như vậy, ông Obama đã phải nỗ lực hết mình để xoa dịu nỗi hoảng sợ của nhiều lãnh đạo châu Âu. Trong chuyến công du châu Âu này, ông Obama không gặp bất cứ lãnh đạo cánh hữu nào như ông Farage hay Marine Le Pen của Pháp. Thay vào đó, ông đã gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel, người được ông gọi là "đối tác thân cận nhất trong 8 năm qua", cùng Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy.

Trong các cuộc gặp này, Obama sẽ phải thuyết phục được các lãnh đạo châu Âu rằng quan hệ Mỹ - châu Âu sẽ được tiếp tục chứ không gián đoạn. Ông cho rằng người kế nhiệm mình "rất quan tâm đến việc duy trì quan hệ chiến lược cốt lõi". Nhưng điều đó vẫn chưa thể xua tan những bất an ở châu Âu về những thay đổi có thể diễn ra trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump.

Dù Tổng thống Obama ra sức trấn an nỗi lo sợ của các đồng minh châu Âu, ông không hề nói rằng nỗi sợ đó là vô căn cứ. "Tiến bộ đi theo con đường gập ghềnh, lúc tiến, lúc lùi. Nhưng miễn là chúng ta giữ niềm tin vào nền dân chủ, vào người dân, không từ bỏ các nguyên tắc trọng tâm đảm bảo tranh luận cởi mở, thẳng thắn, tương lai chúng ta sẽ ổn", ông nói. Có vẻ như đây là những gì tốt đẹp nhất về tương lai quan hệ Mỹ - châu Âu mà ông Obama có thể hứa hẹn trong hoàn cảnh này, theo bình luận viên Simon Shuster của Time.

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục