Cơ chế tự khai, tự nộp (TKTN) đã mở rộng tối đa quyền cho DN. Theo ông Nguyễn Văn Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, DN sẽ “cảm nhận” được ngay quyền và nghĩa vụ của mình, đặc biệt là quyền được cơ quan thuế “phục vụ” trong việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách.
Cho phép DN TKTN là bước tiến lớn nhất trong quản lý thuế của Việt
Trước khi thực hiện cơ chế TKTN trên toàn quốc (bắt đầu từ ngày 1/7/2007), ngành thuế đã thực hiện thí điểm cơ chế này tại 9 cục thuế. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến cuối năm 2006, 3/5 cục thuế thực hiện cơ chế TKTN cấp phòng có tỷ lệ nợ thuế thấp hơn rất nhiều so với các đơn vị khác; cả 4 cục thuế triển khai cơ chế TKTN toàn ngành có tỷ lệ nợ thuế chỉ bằng từ 0,3% - 1,18%/số thu ngân sách; số tiền nợ thuế của đối tượng TKTN giảm 37,2% so với năm 2005, trong khi đó số nợ thuế chung tăng 2,1%. Có được những kết quả hết sức khả quan kể trên, một phần do nỗ lực của cơ quan thuế, phần khác là những đơn vị được “chọn mặt gửi vàng” đều là những đơn vị xuất sắc trong việc quản lý thuế. Chính vì vậy, khi triển khai đại trà cơ chế TKTN trên toàn quốc theo Luật Quản lý thuế chắc chắn số nợ thuế, gian lận thuế sẽ gia tăng đáng kể.
Cụ thể, mới đây ngành thuế thực hiện kiểm tra 873 DN tại Hà Nội và TP. HCM (cũng là 2 cục thuế đã thực hiện cơ chế TKTN) đã quyết định truy thu vào ngân sách thêm 285 tỷ đồng, bình quân số thuế phát hiện tăng thêm (do DN không trung thực trong kê khai) là 488 triệu đồng/DN; 98% số DN được kiểm tra có số thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tăng thêm so với số thuế mà DN TKTN do DN chưa chấp hành đầy đủ và nghiêm minh các quy định của Luật Kế toán, các luật thuế.
Thuế GTGT và thuế TNDN là 2 sắc thuế đóng góp lớn nhất vào ngân sách, nhưng cả 2 sắc thuế này đều bị DN “tận dụng”. Theo kết quả kiểm tra kể trên thì có trên 50% số DN kê khai không đúng số thuế GTGT phải nộp bằng cách cố tình giảm doanh thu tính thuế, “tự ý” chuyển thuế suất phải nộp từ 10% còn 5%, thậm chí là 0% để khấu trừ “nhầm” thuế GTGT đầu vào, khấu trừ cả thuế GTGT đầu vào của hoá đơn bất hợp pháp và khấu trừ cả hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho gia đình, cá nhân vào chi phí của DN. Gian lận thuế TNDN cũng nằm trong tình trạng tương tự như thuế GTGT. Cũng theo kết quả kiểm tra của ngành thuế thì có tới 97% DN phải “chấp nhận” với kết luận của đoàn kiểm tra là tăng thu nhập chịu thuế so với số thu nhập chịu thuế mà DN tự khai, trong đó có tới gần 50% DN phải chấp nhận tăng thu nhập chịu thuế từ 50% trở lên; 89% DN kê khai quyết toán thuế TNDN không đúng làm giảm số thuế phải nộp gần 108,5 tỷ đồng, cao hơn tới 40% so với số thuế mà DN tự kê khai; 46% DN kê khai “nộp thừa thuế TNDN”, nhưng sau khi kiểm tra thì số DN này không những không nộp thừa thuế mà còn bị truy thu thêm 40 tỷ đồng.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hiện ra sự gian lận kể trên, các DN đều thực hiện nộp số tiền “còn thiếu” vào ngân sách mà không thực hiện quyền khiếu kiện, khiếu nại. Điều này cho thấy, DN đã cố tình gian lận và nếu không bị phát hiện thì ngân sách sẽ bị mất 285 tỷ đồng.
Theo GS. Joosung Jun, thành viên Hội đồng Tư vấn kinh tế quốc gia Hàn Quốc thì không chỉ ở Việt Nam, mà ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, người dân và DN chỉ chịu đóng thuế khi họ không thể trốn được thuế. “Chính vì vậy, vấn đề quan trọng nhất đối với cơ quan tài chính các nước là phải sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý được đối tượng nộp thuế, đồng thời phải xây dựng được chính sách thuế minh bạch”, GS. Joosung Jun nhận định.
Cả 2 điều này đối với Việt
Ngành thuế đã đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, bởi ý thức được rằng, công tác quản lý có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào việc nắm được thông tin đầy đủ, kịp thời từ người nộp thuế, từ tất cả tổ chức, cá nhân liên quan đến người nộp thuế. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, ông Ninh cho biết, hiện ngành thuế mới chỉ trang bị được khoảng 30% số máy tính cần thiết để thực hiện hiện đại hoá công tác quản lý.
Theo dự báo thì trong giai đoạn 2006 - 2010, mỗi năm có khoảng 35.000 DN và hơn 150.000 hộ kinh doanh được thành lập mới; vào năm 2010, Việt Nam có khoảng 450.000 DN và khoảng 3,5 triệu hộ kinh doanh. Đây là những nhân tố quyết định đến số thu ngân sách, nhưng với hệ thống công nghệ thông tin còn hạn chế, chính sách thuế “vừa làm vừa sửa” thì tình trạng gian lận thuế, nợ thuế, trốn thuế tiếp tục là đề tài nóng trên các diễn đàn Quốc hội.