CTCK Kim Long chào bán riêng lẻ hơn 9,6 triệu cổ phiếu cho các NĐT cá nhân và tổ chức, mỗi NĐT cam kết mua ít nhất 500.000 cổ phiếu và tối đa không quá 2,5 triệu cổ phiếu. CTCP Xây dựng Hạ tầng Sông Đà chào bán ra công chúng 5,7 triệu cổ phiếu phổ thông, một nửa số đó dành cho cổ đông hiện hữu, nửa còn lại dành cho đối tác chiến lược. CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương chào bán ra công chúng 3,36 triệu cổ phiếu phổ thông, trong đó 3,31 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Trước đó là những đợt phát hành của một loạt DN lớn như Hòa Phát, ACB, STB… Thông tin về các đợt chào bán cổ phần tương tự như những DN trên xuất hiện ngày càng dày đặc và vào cuối quý III này, dường như DN nào có khả năng phát hành đều cố gắng chạy hết tốc lực để có giấy phép nhằm thực hiện việc huy động vốn.
Lý giải phần nào thực trạng này, ông Nguyễn Băng Tâm, thành viên Ban điều hành Câu lạc bộ Doanh nghiệp niêm yết cho biết, có hai điểm DN mong muốn trong thời điểm hiện nay. Thứ nhất là chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, lãi suất cho vay do vậy có thể giảm. Thứ hai, có điều kiện phát hành cổ phiếu, trái phiếu nhằm có vốn sản xuất - kinh doanh. Khi cánh cửa thứ nhất khó có cơ mở rộng, DN chỉ còn cách trông chờ vào việc phát hành cổ phiếu. Thực tế cho thấy, DN nào đã phát hành cổ phiếu thành công trong năm 2007, có một khoản tiền thặng dư nào đó, thì có khả năng sống khoẻ hơn trong thời điểm khó khăn này.
Ở góc độ DN, ông Tâm không phủ nhận rằng, phát hành thêm cổ phiếu, giá trị cổ phiếu sẽ bị pha loãng, nhưng mỗi DN khi lên kế hoạch huy động vốn đều có dự án hoặc kế hoạch sử dụng dòng tiền, nếu cổ đông thấy hợp lý và ủng hộ, cơ quan quản lý nên xem xét thủ tục thông thoáng hơn, tạo điều kiện hỗ trợ DN thực hiện.
Tâm lý muốn thủ tục đơn giản, gọn nhẹ của DN trong bối cảnh vốn vay ngân hàng bị thắt chặt là điều dễ hiểu, song với nhiều NĐT chạy theo những đợt phát hành như vậy lại không hề đơn giản. Không ít người chật vật xoay tiền để "theo" những đợt phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, nộp tiền rồi chờ đến khi cổ phiếu mới về tài khoản thì giá đã xuống quá thấp, mà không mua cổ phiếu mới thì khi chốt quyền, cổ phiếu cũ bị điều chỉnh cũng lại mất giá. Ngay trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhiều NĐT than phiền chịu thiệt hại lớn vì mua giá cao nhưng sau đó DN trả cổ tức bằng cổ phiếu, giá giảm mạnh vì hiệu ứng pha loãng. Tại các cuộc họp ĐHCĐ năm nay, nhiều nhóm cổ đông nhỏ đã lên tiếng phản đối kế hoạch phát hành vì quyền lợi chưa thấy đâu, chỉ thấy suốt ngày DN “hô” nộp tiền.
Đề cập câu chuyện này với cơ quan quản lý - những người ở vị trí cầm cân nảy mực, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cũng bức xúc không kém. Ông Bằng nói: "Chúng tôi giờ đứng giữa, sức cầu trên thị trường chưa mạnh, lượng cổ phiếu mới phát hành có thể gây ra tâm lý lo ngại giá cổ phiếu bị pha loãng, nhưng DN muốn phát hành, ĐHCĐ của họ đã thông qua phương án, làm sao UBCK không cấp phép được? DN muốn phát hành nhanh cứ đổ lỗi rằng, thủ tục từ phía UBCK phức tạp, gây khó khăn nhưng nói thật, có nhiều bộ hồ sơ chưa đầy đủ, UBCK yêu cầu bổ sung thì DN cứ cho là gây khó dễ". Trên thực tế, dù đã có rất nhiều cảnh báo về việc huy động vốn sử dụng sai mục đích, quá lạm dụng khai thác thị trường nhưng hồ sơ xin phát hành cổ phiếu ra công chúng của các công ty hiện cũng chẳng khác trước là bao, có chăng chỉ được yêu cầu bổ sung vào bản cáo bạch phân tích về rủi ro pha loãng cổ phiếu theo giá bán dự kiến và phân tích rõ hơn về rủi ro dự án.
Song song với cổ phiếu phát hành thêm của công ty đại chúng, DN niêm yết, còn có một nguồn cung khác là từ quá trình cổ phần hoá (CPH) DN nhà nước. Ở cấp quản lý cao hơn, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện CPH DN nhà nước, xem xét thời điểm phù hợp của các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn. Nỗi lo thị trường khó có thể tiêu hóa hết lượng hàng mới ồ ạt được tung ra đã được đề cập khá nhiều lần. Trong Chỉ thị 20 về phát triển TTCK, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ vào nhu cầu thị trường mà điều phối nguồn cung hàng. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, trong bối cảnh hiện nay UBCK khó có lý do để từ chối cấp phép phát hành cổ phiếu nếu hồ sơ của DN đầy đủ, hợp lệ. Hơn nữa, việc xác định nhu cầu thị trường cũng chỉ mang tính ước lượng và vô cùng khó khăn.
Tìm cách giải quyết nào trong bối cảnh này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói: "Trong khó khăn, mỗi thành viên thị trường đều có nỗi khổ, vậy thì câu hỏi đặt ra là nếu còn muốn thị trường này sinh quả ngọt thì chớ không chăm bón, bẻ cành từ quá sớm".