Nỗi lo nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng dồn dập công bố kết quả kinh doanh 2023 vào những ngày sát Tết Nguyên đán. Bên cạnh con số lợi nhuận, các báo cáo cũng thu hút sự chú ý với số liệu nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro.
Chi phí dự phòng nợ xấu tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến TPBank báo lãi 2023 giảm 28,7% so với năm 2022 Chi phí dự phòng nợ xấu tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến TPBank báo lãi 2023 giảm 28,7% so với năm 2022

“Nỗi nhức nhối của năm 2023”

Không khó để lý giải cho mối quan tâm có “trọng điểm” này, bởi với các nhà băng, nợ xấu và lợi nhuận có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và tương quan theo chiều nghịch, nhất là sau một năm đặc biệt khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới. Quan hệ thương mại mạnh mẽ của Việt Nam với phần còn lại của thế giới là nguồn sức mạnh tạo nên sự thành công của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời, sự phụ thuộc vào nhu cầu từ các đối tác thương mại đã đưa Việt Nam vào thế phải đối mặt với khó khăn từ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2023.

“Kết quả là, sau những năm Covid rất khó khăn, tình hình kinh tế năm 2023 là kém mạnh mẽ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990”, ông Andrea Coppola nhận xét.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trên cả nước là 89.100 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%...

Từ góc nhìn của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, toàn cầu hiện đang có xu hướng tiết kiệm nhưng không phải vì không có tiền. Tại Mỹ và châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp thấp, thu nhập cao nhưng họ vẫn tiết kiệm vì người dân cảm nhận được giá cả tăng, lãi suất cao nên giảm dần thói quen “mua trước, trả sau”.

“Bên cạnh đó, người dân cảm thấy nguy cơ về chiến tranh, tăng giá năng lượng nên tiết kiệm hơn, sống giản dị hơn”, TS. Nghĩa nói.

Các lãnh đạo ngân hàng cũng chung quan điểm: suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam. Cú sốc này ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp đang sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khiến công nhân mất việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng. Theo đó, những khó khăn mà lao động Việt Nam gặp phải đã dẫn đến tiêu dùng nội địa giảm tốc, không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp khác, các lĩnh vực khác của nền kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng.

“Và đặc biệt, nợ xấu là câu chuyện đau đầu, nhức nhối của năm 2023”, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của TPBank cho thấy, mặc dù tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh mẽ song lợi nhuận ròng trong quý này của Ngân hàng lại giảm tới 67,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đà giảm mạnh của lợi nhuận trong quý IV đã kéo lợi nhuận ròng cả năm 2023 của TPBank giảm 28,7% so với năm 2022, đạt 4.463 tỷ đồng. Nguyên nhân là, chi phí dự phòng trong quý IV/2023 tăng mạnh, cao gấp hơn 17 lần so với cùng kỳ, đẩy chi phí dự phòng cả năm lên 3.946 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 114% so với năm 2022. Ngoài ra, chi phí hoạt động năm qua cũng tăng 12,7% so với năm 2022, khi tỷ lệ chi phí/tổng thu nhập hoạt động (CIR) đạt 41% vào năm 2023, tăng vọt so với mức 38% vào năm 2022.

Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý IV/2023, tỷ lệ nợ xấu của TPBank là 2,05%, giảm 0,93 điểm phần trăm so với quý trước, nhưng vẫn cao so với mức 0,84% vào cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với quý trước có thể do tỷ lệ xóa nợ xấu cao hơn là 3,6% trong quý IV/2023, cao hơn nhiều so với mức 2,6% trong quý III/2023 và 0,18% trong quý II/2023. Việc tăng cường dự phòng trong quý cuối năm 2023 khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của nhà băng này đạt 63,7% vào cuối năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 135% vào cuối năm 2022, cho thấy chất lượng tài sản có thể còn suy giảm trong thời gian tới.

Dù có tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất hệ thống, chỉ chiếm 1,2% tổng dư nợ vay vào cuối năm qua, nhưng con số nợ xấu của ACB đã lên tới 5.885 tỷ đồng, tăng 93% so với cuối năm 2022. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng đột biến từ mức 70 tỷ đồng năm 2022 lên 1.804 tỷ đồng năm 2023.

Tại Techcombank, giữa lúc lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và chất lượng tài sản cải thiện, Ngân hàng cố gắng tăng cường bộ đệm dự phòng bằng cách tăng trích lập dự phòng lên 136,4% so với cùng kỳ (tăng 72,9% so với quý trước) trong quý IV/2023. Còn VIB đã tăng cường trích lập dự phòng lên 50,7% (quý III/2023 lập dự phòng 41,4%) dù nợ xấu giảm nhẹ xuống mức 2,2%.

Xử lý nợ xấu, còn nhiều khó khăn

Vị tổng giám đốc ngân hàng thương mại trên cho biết, trong khi những tồn tại của năm 2023 chưa khắc phục được thì nhìn về năm 2024, yếu tố rủi ro đã hiện diện, đến từ tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng chậm hơn dự kiến và chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm. Thời điểm lợi nhuận của ngành ghi nhận sự tăng trưởng có thể phải đợi đến nửa cuối năm 2024.

Theo các chuyên gia kinh tế của UOB, trong năm 2024, vẫn còn nhiều thách thức và bất lợi với nền kinh tế Việt Nam nói chung, do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới, những tranh chấp địa chính trị giữa các cường quốc và môi trường lãi suất cao.

Thứ nhất, xung đột quanh khu vực Biển Đỏ - chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua hàng năm - đã khiến các công ty vận tải toàn cầu phải định tuyến lại quanh Mũi Hảo Vọng, làm kéo dài hành trình, gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển, làm cho chi phí giao hàng cao hơn và sự gián đoạn trong mạng lưới vận chuyển. Điều này sẽ gây tổn hại không chỉ cho người tiêu dùng và người sử dụng cuối cùng, mà cả các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, vì các đơn đặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và chi phí cao hơn, do đó, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Thứ hai là chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1/1/2024. Chính phủ ước tính rằng 122 công ty nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này, với mức tăng doanh thu thuế hàng năm là 14.600 tỷ đồng (601 triệu USD) cho Nhà nước. Với sự thay đổi hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia sẽ cần tính đến chi phí thuế cao hơn trong kế hoạch kinh doanh trong tương lai của mình.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, một số nội dung về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo trong Nghị quyết 42/2017/QH14 đã chính thức được luật hóa tại Chương XII, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024. Theo đó, chương này quy định về nợ xấu, mua bán nợ xấu, chuyển nhượng tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo…, qua đó, giải quyết khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu khi Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

“Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa ban hành đã bỏ các quy định về thu giữ tài sản đảm bảo, kê biên tài sản của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự, vi phạm hành chính đối với nợ xấu; cũng như chưa mở rộng đối tượng (nhất là khu vực tư nhân) được tham gia mua - bán nợ xấu, có thể khiến hoạt động xử lý nợ xấu sẽ còn nhiều khó khăn”, TS. Lực nói.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục