Nỗi lo lại bao trùm chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Sau khi hồi nhẹ hôm thứ Năm, lực bán tháo lại diễn ra ồ ạt trên phố Wall và chứng khoán toàn cầu trong phiên cuối tuần và nỗi lo này dường như chưa dừng lại.
Nỗi lo sợ của giới đầu tư chứng khoán toàn cầu vẫn bắt nguồn từ chứng khoán Trung Quốc (Ảnh minh họa: AFP)

Diễn biến từ thị trường chứng khoán châu Á và việc giá dầu thô xuống dưới mốc 30 USD/thùng đã reo rắc nỗi lo cho giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ngay khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần, lực bán tháo đã ồ ạt bán ra, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall lao dốc với 944 cổ phiếu chạm mức thấp nhất 52 tuần. Chốt phiên cuối tuần, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức thấp nhất từ tháng 8/2015, trong khi chỉ số Nasdaq đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 10/2014.

Kết thúc phiên 15/1, chỉ số Dow Jones giảm 390,97 điểm (-2,39%), xuống 15.988,08 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 41,51 điểm (-2,16%), xuống 1.880,33 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 126,59 điểm (-2,74%), xuống 4.488,42 điểm.

Với phiên lao dốc mạnh cuối tuần, phố Wall đã có tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 2,19%, chỉ số S&P 500 giảm 2,17% và chỉ số Nasdaq giảm 3,34%.

Trong tuần tới, thị trường Mỹ nghỉ ngày thứ Hai cho ngày lễ Martin Luther King.

Cũng giống phố Wall, ảnh hưởng từ chứng khoán Trung Quốc và giá dầu thô lao dốc, chứng khoán châu Âu cũng bị bán tháo khá mạnh trong phiên cuối tuần, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014. Tuy nhiên, về cuối phiên, đà giảm được hãm bớt chút ít khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ mở rộng gói kích thích kinh tế trong thời gian tới.

Kết thúc phiên 15/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 114,13 điểm (-1,93%), xuống 5.804,1 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 248,93 điểm (-2,54%), xuống 9.545,27 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 102,73 điểm (-2,38%), xuống 4.210,16 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,83%, chỉ số DAX giảm 3,09% và chỉ só CAC 40 giảm 2,85%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên hồi phục hôm thứ Năm, chứng khoán Nhật Bản đã nhanh chóng quay đầu đảo chiều trong phiên cuối tuần khi giá dầu thô xuống dưới 30 USD/thùng và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết, không có kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian này.

Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng giảm mạnh trong phiên cuối tuần, xuống mức thấp nhất 3 năm rưỡi do tác động từ chứng khoán Trung Quốc đại lục. Chỉ số Shanghai trên thị trường chứng khoán Thượng Hải sau phiên hồi nhẹ trước đó đã lại lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần và về mốc 2.900 điểm.

Kết thúc phiên 15/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 93,84 điểm (-0,54%), xuống 17.147,11  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 296,64 điểm (-1,50%), xuống 19.520,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 106,68 điểm (-3,55%), xuống 2.900,97 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 giảm 3,11%, chỉ số Hang Seng giảm 4,56% và chỉ số Shanghai Composite tiếp tục giảm mạnh 8,96%.

Trên thị trường vàng, sau phiên giảm trước đó, đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu đã lại tiếp động lực để vàng quay đầu hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, phiên hồi phục cuối tuần không đủ sức giúp giá vàng tránh được tuần giảm đầu tiên trong tuần.

Kết thúc phiên 15/1, giá vàng giao ngay tăng 10,3 USD (+0,95%), lên 1.088,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 15 USD (+1,40%), lên 1.088,6 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,43% và giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 1,4% sau khi cả 2 tăng hơn 4% trong tuần đầu năm mới.

Tuần tới, mọi con mắt trên thị trường vàng lại được dồn vào thị trường chứng khoán và dầu thô. Với dự đoán chứng khoán sẽ tiếp tục được bán tháo, giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới.

Theo cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, trong 307 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến, có 157 người, chiếm 51% người dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần tới; 97 người, chiếm 32% có đánh giá tiêu cực về giá vàng tuần tới và 53 người, tương đương 17% là giữ quan điểm trung tính.

Còn trong số 34 chuyên gia thị trường được liên hệ, có 13 người trả lời, trong đó có 8 chuyên gia, chiếm 62% đánh giá tích cực về giá vàng trong tuần mới, 2 chuyên gia, chiếm 15% có cái nhìn kém lạc quan về giá vàng, 3 người, chiếm 23% giữ quan điểm trung lập.

Trong khi giá vàng nhận được thông tin hỗ trợ từ sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán, thì giá dầu thô liên tiếp nhận các thông tin bất lợi. Những dữ liệu gần đây đều cho thấy tăng trưởng của kinh tế thế giới đang chậm lại, đặc biệt là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc và cũng là thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới. Ngoài ra, các chuyên gia cũng dự đoán, dù kinh tế Mỹ đang là điểm sáng hiếm hoi trong các nền kinh tế phát triển, nhưng trong dài hạn, nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng không mấy khả quan.

Trước nỗi lo về suy yếu sức cầu, nguồn cung dầu thô lại không ngừng gia tăng. Cuộc cạnh tranh thị phần khiến Ả Rập Xê út và các nước khác liên tục đẩy mạnh khai thác bất chấp giá dầu thô xuống mức thấp. Chưa dừng lại ở đó, việc Iran chính thức được Mỹ, Anh dỡ bỏ lệnh cấm vận cũng sẽ khiến nguồn cung dầu mỏ ra thị trường thế giới càng tăng thêm, bởi Iran là nước sản xuất dầu lớn trong OPEC và họ sẽ tận dụng cơ hội này để lấy lại thị phần, bù đắp cho khoảng thời gian bị cấm vận.

Hàng loạt thông tin bất lợi trên khiến giá dầu thô thế giới liên tiếp giảm giá kể từ khi bước vào năm mới 2016 và mốc hỗ trợ tâm lý mạnh 30 USD đã chính thức bị phá vỡ trong phiên cuối tuần và giá dầu thô được dự báo sẽ lùi về mốc 20 USD/thùng trong thời gian tới.

Kết thúc phiên 15/1, giá dầu thô Mỹ giảm 1,78 USD/thùng (-6,05%), xuống 29,42 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,02 USD (-0,06%), xuống 31,01 USD/thùng.

Sau khi mất hơn 10% trong phiên đầu năm mới, giá vàng tuần qua thậm chí còn giảm mạnh hơn khi giá dầu thô Mỹ giảm 11,28%, còn giá dầu thô Brent giảm ít hơn, nhưng cũng mất 7,57%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục