Nỗi lo của Cao su Đà Nẵng (DRC)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau năm 2020 tăng trưởng nhẹ, Cao su Đà Nẵng (mã DRC) vừa báo cáo lợi nhuận quý I khá tích cực, nhưng cạnh tranh với lốp Trung Quốc dán mác Đông Nam Á với thuế suất 0% đang là nỗi lo của doanh nghiệp này.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Theo báo cáo thường niên của DRC, 2020 là một năm đầy biến động với ngành săm lốp. Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn thế giới đã khiến doanh thu 2 quý đầu năm của Công ty giảm mạnh.

Đây là thời điểm mà Việt Nam triển khai các chính sách giãn cách xã hội và một số quốc gia thị trường chính của DRC như Brazil và Mỹ chìm trong đại dịch. Tuy vậy, trong những tháng cuối năm, tình hình kinh doanh của Công ty đã khởi sắc trở lại và tốc độ tăng trưởng có sự hồi phục.

Việc chủ động tích trữ hàng tồn kho nguyên liệu giá rẻ trong quý II/2020 đã đảm bảo cho Công ty có giá vốn thấp, giúp cải thiện biên độ lợi nhuận ngắn hạn trong bối cảnh giá cao su thiên nhiên tăng mạnh trong 2 quý cuối năm.

Cùng với đó, phần lớn máy móc thiết bị nhà máy radial trong giai đoạn 1 đã hết khấu hao, giúp cho giá vốn DRC được cải thiện và giúp tăng lợi nhuận trước thuế. Giá vốn bán hàng năm 2020 được giảm xuống còn 3.042 tỷ đồng, so với mức 3.286 tỷ đồng trong năm 2019.

Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của DRC năm qua đạt 18 tỷ đồng (tăng 6,3 tỷ đồng so với 2019), chi phí tài chính giảm đáng kể từ mức 82,1 tỷ đồng trong năm 2019 xuống còn 67,8 tỷ đồng trong năm 2020 (trong đó, chi phí lãi vay giảm từ 40,4 tỷ đồng xuống 20,1 tỷ đồng).

Nhờ vậy, dù doanh thu thuần cả năm đạt 3.646,6 tỷ đồng, giảm 5,48% so với năm 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế của Công ty lại đạt 256,3 tỷ đồng, cao hơn 5 tỷ đồng so với năm 2019.

Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu từ bán săm lốp và yếm ô tô tiếp tục giữ tỷ trọng cao nhất, với 85,38%, tương đương 3.260,3 tỷ đồng; vị trí tiếp theo là doanh thu từ bán săm lốp xe máy và xe đạp, với tỷ trọng lần lượt là 8,68% và 5,59% (tương đương 331,5 tỷ đồng và 213,3 tỷ đồng).

Thị trường nội địa đóng góp tỷ trọng lớn trong doanh thu của DRC, với 2.072,7 tỷ đồng, chiếm 54,28%. Đáng chú ý là giá trị xuất khẩu trong năm 2020 đã có sự tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, với 1.745,9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 45,72% - tăng gần 3% so với năm 2019).

Thị trường châu Á, châu Mỹ vẫn chiếm doanh thu và tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu với doanh thu tương đương 1.115,4 tỷ đồng (63,88%) và 486,6 tỷ đồng (27,87%).

Năm 2021, Hội đồng quản trị DRC dự kiến doanh thu đạt 4.055 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 300 tỷ đồng.

Mới đây, DRC đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quý I/2021 với doanh thu thuần 994 tỷ đồng, bằng 113% kế hoạch, 118% cùng kỳ 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 71 tỷ đồng, bằng 107% so với kế hoạch và 151% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh quý II dự kiến tiếp tục tích cực, với mục tiêu 1.010 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương 128% cùng kỳ 2020, lợi nhuận trước thuế là 86 tỷ đồng, bằng 143% cùng kỳ.

Tuy vậy, trong báo cáo thường niên DRC, Công ty thể hiện quan ngại về những thách thức lớn với hoạt động kinh doanh trong năm nay.

Theo DRC, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng cũng như việc Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới gần đây không chỉ mang đến các cơ hội mới về xuất khẩu, mà còn tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp cao su trong nước khi sản phẩm lốp ngoại tràn vào với giá thấp hơn hẳn trước kia.

DRC phải cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn FDI, các doanh nghiệp trong nước khác và đặc biệt là lốp ô tô có xuất xứ từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, DRC còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn FDI, các doanh nghiệp trong nước khác và đặc biệt là lốp ô tô có xuất xứ từ Trung Quốc - có thuế suất nhập khẩu bằng 0% do các tập đoàn sản xuất lốp ô tô nước này đã chuyển nhà máy qua Đông Nam Á.

“Các hãng sản xuất lốp thế giới có mặt tại Việt Nam cũng đã chính thức sản xuất dòng lốp giá rẻ để cạnh tranh với lốp Trung Quốc, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường lốp ô tô nội địa”, DRC cho biết.

Trên thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến một số quốc gia thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa, nhu cầu vận tải hạn chế, nhu cầu lốp xe giảm, điển hình như thị trường Brazil, ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu của Công ty.

Một số nhà nhập khẩu gặp khó khăn đã đề nghị DRC giảm giá để hỗ trợ bán hàng. Cùng với đó, việc giao dịch ký kết các hợp đồng mới của DRC cũng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 khiến việc đi lại ở các nước bị hạn chế…

Ngọc Tân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục