Nỗi lo bao trùm giới đầu tư, chứng khoán giảm điểm, giá vàng tăng vọt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến giới đầu tư lo sợ rút tiền khỏi chứng khoán để chuyển sang các kênh an toàn hơn như vàng.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh trong khu vực đồng euro trở lại tăng trưởng tốt hơn dự báo. Trong đó, sản xuất của Đức đã tránh sự co lại lần đầu tiên trong 19 tháng vào tháng 7 với sự gia tăng đáng chú ý về doanh số bán hàng ở nước ngoài.

Tương tự, hoạt động kinh doanh của Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng vào tháng 7, nhưng các công ty đã báo cáo sự sụt giảm các đơn đặt hàng mới trước làn sóng covid-19 thứ 2 trên toàn cầu.

Doanh số bán nhà mới của Mỹ cũng tăng lên mức cao nhắt 13 năm trong tháng 6 nhờ lãi suất thấp và làn sóng di cư từ các đô thị lớn tới các vùng ít chịu ản hưởng bởi Covid hơn của người dân.

Tuy nhiên, bất chấp dữ liệu kinh tế tốt, nhưng làn sóng bùng phát đại dịch Covid-19 lần 2, cùng căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến giới đầu tư không thể yên lòng giải ngân vào chứng khoán, mà rút tiền ra để chuyển hướng sang các kênh an toàn hơn như vàng.

Xu hướng này khiến chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên cuối tuần, dù mức độ không mạnh như phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 24/7, chỉ số Dow Jones giảm 182,44 điểm (-0,68%), xuống 26.469,89 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,03 điểm (-0,62%), xuống 3.215,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 98,24 điểm (-0,94%), xuống 10.363,18 điểm.

Hai phiên giảm cuối tuần khiến phố Wall đồng loạt giảm trong tuần qua sau khi trái chiều tuần trước. Trong đó, Nasdaq có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, Dow Jones và S&P chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, Dow Jones giảm 0,76%, S&P giảm 0,28% và Nasdaq giảm 1,33%.

Chứng khoán châu Âu có phiên giảm mạnh nhất 1 tháng vào thứ Sáu khi tâm lý nhà đầu tư trở nên tồi tệ với những lo lắng về số ca nhiễm viurs Covid-19 tăng mạnh, cùng căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.

Kết thúc phiên 24/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 87,62 điểm (-1,41%), xuống 6.123,82 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 265,33 điểm (-2,02%), xuống 12.838,06 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 77,32 điểm (-1,54%), xuống 4.956,43 điểm.

Sau khi tăng đồng loạt trở lại trong tuần trước, chứng khoán châu Âu đã quay đầu đồng loạt giảm mạnh tuần qua. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 2,65%, chỉ số DAX giảm 0,63% và CAC40 giảm 2,23%.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc khiến chứng khoán châu Á cũng đổ đèo trong phiên cuối tuần ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản nghỉ lễ.

Kết thúc phiên 24/7, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 128,34 điểm (-3,86%), xuống 3.196,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 557,67 điểm (-2,21%), xuống 24.705,33 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 15,57 điểm (-0,71%), xuống 2.200,44 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục có sự trái chiều trong tuần qua. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có tuần hồi phục sau 3 tuần giảm nhẹ, chứng khoán Hàn Quốc cũng đảo chiều tăng sau 2 tuần giảm liên tiếp. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp bằng tuần giảm mạnh nhất 2 tháng và Trung Quốc cũng chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp bằng tuần giảm mạnh nhất trong 5 tháng. Cụ thể trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,82%, chỉ số Hang Seng giảm 6,13%, chỉ số Shanghai Composite giảm 5%, còn Kospi tăng 2,37%.

Dòng tiền chảy mạnh vào vàng với những lo ngại căng thẳng địa chính trị và làn sóng bùng phát dịch bệnh mới giúp giá vàng tiếp tung bay cao, lần đầu tiên kể từ năm 2011 chinh phục mốc 1.900 USD/ounce trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 24/7, giá vàng giao ngay tăng 14,7 USD (+0,78%), lên 1.901,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 7,5 USD (+0,40%), lên 1.897,5 USD/ounce.

Giá vàng có tuần tăng thứ 7 liên tiếp lên mức cao nhất 9 năm. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay tăng 5,03%, còn giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 4,83%.

Giá dầu thô hồi phục trở lại sau khi các dữ liệu kinh tế của Mỹ và châu Âu vừa công bố tốt hơn dự kiến. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế do căng thẳng leo thang giữ Mỹ và Trung Quốc.

Kết thúc phiên 24/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,22 USD (+0,53%), lên 41,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,03 USD (+0,07%), lên 43,34 USD/thùng.

Sau 2 tuần trái chiều, giá dầu thô đã đồng loạt tăng trở lại trong tuần qua, trong đó giá dầu thô Mỹ có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,72%, còn giá dầu thô Brent cũng đảo chiều hồi phục 0,46%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục