Nỗi khổ của nhà đầu tư chuyên nghiệp

(ĐTCK) Cùng là quỹ đầu tư, nhưng quỹ đầu tư chứng khoán mang “quốc tịch” Việt Nam sẽ phải chịu thuế suất của biểu thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi đó, quỹ đầu tư ngoại lại chỉ chịu mức thuế tính trên 0,01% giá trị bán ra. Điều này đã vô tình bóp nghẹt cơ hội huy động vốn nước ngoài của các công ty quản lý trong nước.
Các quỹ đầu tư trong nước đang gặp vướng mắc với chính sách thuế. Ảnh Shutterstock Các quỹ đầu tư trong nước đang gặp vướng mắc với chính sách thuế. Ảnh Shutterstock

Không ít lần đem “chuông đi đánh xứ người” nhưng đến nay, hàng loạt công ty quản lý quỹ trong nước vẫn “dậm chân tại chỗ” với công cuộc huy động vốn ngoại.

Những ý tưởng mà nhiều công ty quản lý quỹ đầu tư trong nước từng công bố như lập quỹ liên doanh, nhưng đến thời điểm này, số công ty thành công chỉ rất ít như MB Capital, FPT Capital… Quỹ có lập ra được thì chỉ có quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ so với các quỹ đầu tư ngoại đang hiện diện trên thị trường Việt Nam.

“Các quỹ đầu tư nước ngoài thực tế cũng sử dụng nhân sự Việt Nam, nhưng họ vẫn huy động quỹ tốt. Còn các quỹ đầu tư trong nước thì không làm được, dù luôn quảng cáo có thế mạnh am hiểu thị trường nội địa.

Người ta có thể giải thích rằng, các công ty quản lý quỹ ngoại có uy tín, hoạt động bài bản hơn, nhưng không hẳn. Có công ty mới thành lập, vẫn là nhân sự người Việt làm toàn bộ, nhưng vẫn huy động vốn tốt hơn.

Tôi cho rằng, sự khác biệt này có một phần không nhỏ đến từ chính sách thuế áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư tổ chức”, giám đốc một công ty quản lý quỹ đã nói như vậy trong cuộc làm việc không chính thức hồi tháng 7/2018 nhằm đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm có kiến nghị tới các bên có liên quan để hỗ trợ ngành quản lý quỹ trong nước.

Theo Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi, tái bảo hiểm ra nước ngoài, hoa hồng chuyển nhượng tái bảo hiểm của nhà đầu tư ngoại chịu mức thuế là 0,01% giá trị chuyển nhượng.

Với các quỹ đầu tư (quỹ đóng) trong nước, hiện tại, có 2 mức thuế đang áp dụng là: Thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 20%) và tiếp tục khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả lợi tức cho nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán.

Với các quỹ đầu tư hoán đổi danh mục, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đều phải chịu thuế khi thực hiện hoán đổi danh mục lấy chứng chỉ quỹ ETF và ngược lại (mỗi lần 0,1% giá trị).

Quy định này đã vô tình tạo nên sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư ngoại và nhà đầu tư trong nước. Ví dụ minh họa sau đây sẽ cho thấy sự bất cập này.

Quỹ đầu tư ngoại X có khoản đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam Y với giá vốn ban đầu 10.000 đồng/cổ phiếu. Vào thời điểm cổ phiếu Y tăng giá, Quỹ X đã bán ra khoản đầu tư này thu về 300 tỷ đồng, trong đó có 100 tỷ đồng là lãi ròng.

Với các quỹ đầu tư hoán đổi danh mục, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đều phải chịu thuế khi thực hiện hoán đổi danh mục lấy chứng chỉ quỹ ETF và ngược lại (mỗi lần 0,1% giá trị).    

Quỹ X do công ty quản lý quỹ ngoại quản lý nên theo quy định sẽ phải nộp thuế 0,1% trên giá trị giao dịch. Ở đây là 300 triệu đồng (0,1%x300 tỷ đồng).

Tuy nhiên, nếu Quỹ X do công ty quản lý quỹ nội quản lý thì sẽ chịu thuế theo mức 20% trên lãi ròng, tức là chịu thuế 20 tỷ đồng.

Với thực trạng trên, nhà đầu tư ngoại thật khó chọn đầu tư vào các quỹ do công ty quản lý quỹ Việt Nam mở ra trong bối cảnh họ luôn có nhiều cơ hội đầu tư khác nhau vào thị trường Việt Nam như thông qua chứng chỉ lưu ký, quỹ đầu tư ngoại, quỹ đầu tư mở, quỹ đầu tư ngoài…

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, trưởng phòng đầu tư một công ty quản lý quỹ trực thuộc ngân hàng chia sẻ:

“Chúng tôi đã nhìn thấy câu chuyện này, đã phản ánh, nhưng nói mãi cũng vậy. Điều đáng buồn hơn là nhiều nhà đầu tư trong nước đang chuyển tiền qua nước ngoài và đầu tư ngược trở lại Việt Nam để hưởng chính sách đó.

Hoạt động các công ty quản lý quỹ trong nước đã khó, ngày một khó khăn hơn. Những công ty quản lý quỹ có ngân hàng mẹ như chúng tôi thì đỡ áp lực về kết quả kinh doanh, nhưng bản chất đang hoạt động như một công ty đứng tên quản lý tài sản, chứ không phải làm nghiệp vụ quản lý quỹ”.

Thị trường đuối sức rơi sâu khi nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng vững khiến câu hỏi nhà đầu tư tổ chức ở đâu một lần nữa được đặt ra với nhà quản lý.

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp cho thị trường vững hơn, nhưng các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước (quỹ đầu tư) thì mắc chính sách thuế, còn các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài thì mắc chính sách room, khiến câu chuyện TTCK Việt Nam bước không vững chưa biết bao giờ thay đổi được.

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục