Nới hay siết, ôtô nhập khẩu hoang mang

Nhập khẩu ô tô lại thành câu chuyện nóng khi những tranh cãi siết chặt hay nới lỏng lại dấy lên. Chỉ mỗi chuyện của ô tô nhập khẩu nhưng mãi vẫn loanh quanh siết rồi nới khiến cho DN và thị trường không khỏi lao đao.
Nới hay siết, ôtô nhập khẩu hoang mang

 > VAMA phản đối nới lỏng nhập khẩu ôtô

 

Xung đột quyền lợi

 

Trong để xuất gửi Bộ Tài chính ngày 30/8 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị thay đổi cơ chế xuất nhập khẩu nhằm tăng thu ngân sách. Cụ thể, đối với mặt hàng ôtô, Tổng cục Hải quan đề xuất nên sửa Thông tư 20/2011/BCT ngày 12/5/2011của Bộ Công Thương, Quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống, theo hướng loại bỏ điều kiện các nhà nhập khẩu phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng ôtô sản xuất.

 

Tổng cục Hải quan cho rằng, khi bãi bỏ quy định siết nhập khẩu, chính sách nhập khẩu ôtô thông thoáng hơn sẽ hạn chế được tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế thông qua hình thức nhập khẩu theo chế độ tài sản di chuyển của người Việt Nam ở nước ngoài được phép hồi hương.

 

Nếu đề nghị này trở thành hiện thực thì các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu ô tô đang sống lay lắt thời gian hơn 1 năm vừa qua sẽ lại có cơ hội quay lại với hoạt động nhập khẩu ô tô. Việc nới lỏng thủ tục nhằm tạo cơ chế cho các doanh nghiệp nhỏ được nhập khẩu ôtô, tránh sự độc quyền trên thị trường. Bởi thực tế hiện nay gần như chỉ có những liên doanh FDI vào Việt Nam toàn quyền nhập ôtô ngoại.

 Nới hay siết, ôtô nhập khẩu hoang mang ảnh 1

 

Đề nghị này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các DN đang là nhà phân phối ô tô chính hãng tại Việt Nam và ngày 6/9 vừa qua ngay lập tức, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam ( VAMA) đã phải lên tiếng bằng văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của Thông tư 20/2011/BCT.

 

VAMA cho rằng, không có tính trạng độc quyền kinh doanh ô tô hiện nay. Theo lý giải của VAMA, ngoài 18 thành viên VAMA đang sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô còn có nhiều nhà phân phối khác với các nhãn hiệu khác nhau như Porsche, Audi, Renault, Citroen, BMW. Chỉ có một nhãn hiệu toàn cầu khác chưa có mặt ở Việt Nam là Peugeot.

 

Theo VAMA, tính đến nay đã có hơn 23 nhà sản xuất chính hãng đã có mặt ở Việt Nam, lượng xe bán ra khoảng 100.000 xe trong năm 2012, với cam kết đầu tư lâu dài, đầu tư lớn về nhà xưởng, thiết bị, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Do đó, VAMA không cho rằng VAMA đang giữ vị trí độc quyền trong việc phân phối xe nguyên chiếc. VAMA lo ngại rằng đề xuất của Tổng cục Hải quan chỉ là 1 cái cớ để cho 2 Bộ Công thương và Tài chính xem xét việc sửa đổi Thông tư 20.

 

Bệnh cũ tái phát?

 

Tuy việc sửa đổi Thông tư 20 chưa diễn ra nhưng nhiều DN ô tô đã chán nản cho rằng chính sách với ngành ô tô thay đổi quá nhanh làm họ không biết đường nào mà lần.

 

Các DN phối ô tô chính hãng tại Việt Nam cho biết, sau khi Thông tư 20 có hiệu lực (ngày 26/6/2011) nhiều DN đã mở rộng hệ thống đại lý, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hành sửa chữa với số tiền lớn với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nay nếu nới lỏng các điều kiện nhập khẩu xe cho các DN thương mại, thì họ khó có thể cạnh tranh được bởi những DN này có chi phí đầu tư thấp do không phải tuân theo các tiêu chuẩn của hãng.

 

Như vậy các DN đầu tư bài bản theo chính sách của Nhà nước lại phải gánh chịu thiệt hại và phá hỏng kế hoạch kinh doanh lâu dài của họ.

 Nới hay siết, ôtô nhập khẩu hoang mang ảnh 2

 

Nếu cơ quan hữu trách bỏ quy định Giấy ủy quyền chính hãng, sẽ tạo điều kiện cho những DN nhập khẩu hàng không rõ nguồn gốc lũng đoạn và làm méo mó thị trường, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng với các DN có đầu tư nghiêm túc. Các DN phân phối xe chính thức cũng như các đại lý trực thuộc gặp khó khăn trong hoạt động. Đây là ý kiến của ông Tomohiro Maruno, Giám đốc điều hành khối bán hàng ô tô, Công ty Honda Việt Nam .

 

Vì thế, các DN cần một chính sách ổn định và có tầm nhìn dài hạn để yên tâm đầu tư cũng như kinh doanh tại Việt Nam chứ không bị đổi quá nhiều và quá nhanh làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Còn các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô thì cho rằng, nếu sửa đổi Thông tư 20 thì đúng là "bệnh cũ" về sự thay đổi chính sách nhanh đến chóng mặt mà chẳng quan tâm đến hậu quả lại "tái phát". "Căn bệnh" này vốn đã phát tác nhiều năm nay trong lĩnh vực xây dựng chính sách dành cho ngành ô tô mà nguyên do là những người làm chính sách thiếu tầm nhìn, thiếu sự chuyên nghiệp. Kết cục của nó không chỉ làm khốn khó các DN mà còn làm mất lòng tin của họ vào chính sách của Nhà nước.

 

 

Tiền hậu có bất nhất?

 

Như đã nói, một trong những lý do đưa ra để nới nhập khẩu ô tô là tránh sự độc quyền, làm giá dẫn đến người tiêu dùng phải mua xe với giá cao từ các phân phối chính hãng, nên việc cho các DN thương mại nhập khẩu xe sẽ góp phần làm cho số lượng xe phong phú và tạo ra sự cạnh tranh loại bỏ độc quyền trong phân phối xe nhập khẩu.

 

Tuy nhiên các ý kiến cho rằng trước kia khi siết xe nhập khẩu thì Bộ Công thương không đả động gì đến vấn đề này mà còn khẳng định là để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bộ Công thương cho rằng các DN thương mại nhập xe không có giấy ủy quyền từ chính hãng sẽ dẫn đến xe nhập không rõ nguồn gốc và như vậy chất lượng xe khó được kiểm soát.

 

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là yêu cầu không phải chỉ Việt Nam đặt ra, mà các nước lớn cũng đặt ra những yêu cầu rất khắt khe đối với hàng xuất khẩu Việt Nam . Việt Nam cũng chưa thực hiện được một cách nghiêm túc vấn đề này.

 

Các nhà nhập khẩu thì không có điều kiện để sửa chữa, vì họ chỉ là nhà nhập khẩu thuần túy, không có phương tiện bảo hành, bảo dưỡng. Vậy quyền lợi của khách hàng để đâu, ai sẽ đứng ra đảm bảo về an toàn giao thông nếu để cho những phương tiện này lưu hành một các tùy tiện trên đường phố?

 

Vì vậy, quy định của Thông tư 20 là nhằm làm lành mạnh hóa thị trường, những đơn vị có nhu cầu kinh doanh phải đáp ứng được những yêu cầu của Nhà nước... Nay nếu nới điều kiện cho các DN thương mại nhập không biết Bộ Công thương sẽ giải thích ra sao về những lý lẽ nêu trên?

 

Cũng có ý kiến cho rằng, sửa Thông tư 20, chỉ nới mỗi điều kiện bỏ yêu cầu phải có giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng mà thôi, còn một điều kiện khác nữa được đánh giá rất khắt khe là buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Và như vậy vẫn đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, được bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa từ các DN thương mại.

 

Tuy nhiên theo các DN ô tô đang làm phân phối chính hãng, khi không được chỉ định làm nhà phân phối chính hãng thì cũng đừng mơ có được linh kiện và công nghệ do chính hãng cung cấp, bởi các hãng ô tô trên thế giới quản lý rất chặt chẽ cả về linh kiện lẫn công nghệ. Vì vậy dù DN thương mại có xây dựng được cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô đúng tiêu chuẩn thì cũng chỉ dùng các phụ tùng trôi nổi và không tiếp cận được công nghệ sửa chữa hiện đại, như vậy thì chất lượng của xe cũng khó đảm bảo và người tiêu dùng vẫn thiệt thòi.

 

Còn với Bộ Tài chính trước đây khi bảo vệ cho Thông tư 20 cũng có ý kiến cho rằng siết nhập khẩu xe để tránh các DN thương mại trốn thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Các DN thương mại trước đây nhập xe về bán cho khách hàng luôn ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá thực tế, chẳng hạn chiếc xe có giá bán cho khách là 1 tỷ đồng, nhưng có khi chỉ ghi trên hóa đơn là 600 triệu đồng. Họ làm như vậy để trốn thuế mà Bộ Tài chính không thể làm gì được. Nay nếu lại cho DN thương mại nhập xe, hiện tượng này tái phát không biết Bộ Tài chính sẽ giải thích thế nào?.


VEF

Tin cùng chuyên mục