Mekophar - chuyện không ít người trăn trở
Năm 2012, một cuộc tọa đàm được tổ chức tại Báo Đầu tư với sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBCK, VCCI, đại diện các sở kế hoạch và đầu tư, các chuyên gia và DN.
Cuộc tọa đàm mang tên “Khái niệm DN có vốn đầu tư nước ngoài và thủ tục đầu tư”. Điều đặc biệt của buổi tọa đàm là “mổ xẻ” câu chuyện về Mekophar: DN quyết định hủy niêm yết để tạo áp lực thúc đẩy các cơ quan lập pháp phải thay đổi định nghĩa về DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn lên tiếng về sự bất cập trong khái niệm nhà đầu tư nước ngoài giữa các văn bản luật, tạo nên những rào cản không đáng có cho DN. Tại đây, TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, khái niệm DN có vốn đầu tư nước ngoài và cả khái niệm về NĐT nước ngoài giữa các văn bản luật không thống nhất, nên rất khó để vận dụng trong thực tế.
Bên cạnh đó, liên quan đến TTCK, khái niệm NĐT trực tiếp và gián tiếp cũng hoàn toàn chưa được phân định trong Luật Đầu tư, nên chưa thống nhất một cách hiểu. Cách hiểu thông thường là NĐT nước ngoài dù nắm ít (3 - 5%) cổ phần tại một DN, nhưng nếu tham gia điều hành, quản lý thì coi là NĐT trực tiếp. Trong khi nếu họ nắm đến 49% mà không tham gia điều hành thì vẫn là NĐT gián tiếp.
Với Mekophar (CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar), DN khi đó niêm yết trên HOSE và có 4,7% sở hữu là của NĐT nước ngoài. Vì có 4,7% vốn nước ngoài nên nên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM đã không chấp nhận cho DN này được mở thêm cơ sở kinh doanh để phân phối sản phẩm.
Thực tế này gây bức xúc cho DN, nhất là trong bối cảnh trên sàn niêm yết khi đó có tới 21 DN ngành dược, trong đó có gần chục DN có vốn của NĐT nước ngoài lên tới 49% nhưng họ vẫn hoạt động phân phối dược phẩm bình thường.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Sơn tâm sự, DN kêu lên UBCK, UBCK có công văn hỏi các bộ ngành, nhưng câu trả lời cho vấn đề Mekophar vẫn bỏ ngỏ. Mekophar đã hủy niêm yết, nhưng vấn đề Mekophar vấp phải thì không dừng lại, bởi mấu chốt là chúng ta phải có một định nghĩa rõ ràng, nhất quán thế nào là DN có vốn đầu tư nước ngoài.
“Nỗi đau” còn nóng - Mekophar
2 năm sau đó, năm 2014, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới ra đời đã mở ra không gian mới, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế. Một trong những thay đổi căn bản tại Luật Đầu tư 2014 là quy định tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định với NĐT nước ngoài khi có NĐT nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
Theo tinh thần của Luật mới, DN có NĐT nước ngoài nắm giữ dưới 51% được đối xử như nhà đầu tư trong nước. Chủ tịch Mekophar, bà Huỳnh Thị Lan, cũng hiểu như vậy và đây là lý do khiến bà cũng Ban lãnh đạo Công ty nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, mời gọi dòng vốn mới để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của Công ty.
Đối tác Mekophar lựa chọn là một DN Nhật Bản, chuyên sản xuất dược phẩm để hợp tác đầu tư về công nghệ cao theo tiêu chuẩn PIC/S. Việc hợp tác dự kiến được thực hiện theo hình thức Mekophar chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác Nhật Bản, số lượng dự kiến 3,8 triệu cổ phần. Nếu đợt chào bán được cơ quan chức năng chấp thuận, tổng số cổ phần NĐT nước ngoài sở hữu tại Mekophar (bao gồm cả nhà đầu tư Nhật Bản) cũng chỉ chiếm 20,2% vốn điều lệ của Công ty.
Tuy nhiên, một lần nữa Mekophar gặp khó khi mong muốn chào bán cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản chưa được chấp thuận. Trả lời Mekophar, Công văn mới đây của UBCK Nhà nước cho biết, theo Biểu cam kết về dịch vụ Việt Nam gia nhập WTO và quy định tại Thông tư số 34/2013/TTBCT ngày 24/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công thương, dược phẩm thuộc danh mục hàng hóa không được thực hiện quyền phân phối của DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Trong khi đó, Mekophar đăng ký ngành nghề hoạt động là thực hiện buôn bán thuốc, bán lẻ thuốc với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM. Công văn UBCK cho biết việc Mekophar dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài theo phương án nêu tại hồ sơ đăng ký chào bán là chưa đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan.
Quyền cấp phép phát hành cổ phiếu (riêng lẻ và đại chúng) thuộc UBCK Nhà nước, nhưng điều luật để xem xét cho DN phát hành (Luật Chứng khoán, Nghị định 58/2012/NĐ-CP; Nghị định 60/2015/NĐ-CP…) có quy định việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành phải đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật liên quan. Với Mekophar, điều kiện khác ở đây có Thông tư số 34/2013 của Bộ Công thương, trong đó có điểm chưa rõ ràng trong định danh DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Luật Đầu tư 2014 đã có hiệu lực, tại sao DN vẫn tắc khi chỉ muốn phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài hơn 20% vốn điều lệ? ĐTCK sẽ theo tiếp câu chuyện này với mong muốn các cơ quan chức năng sẽ tìm ra con đường giải tỏa bế tắc không chỉ cho Mekophar.