Cụ thể, Điều 1 của Thông tư 31 sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 24 về cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Theo đó, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017.
Hoan nghênh động thái này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói: “Việc cho vay ngoại tệ là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời điểm hiện nay và tác động tích cực đối với tăng trưởng GDP”.
Các lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho biết, mặc dù câu chuyện “đóng rồi mở” này doanh nghiệp cũng đã quen, song việc Thông tư chính thức được ban hành cũng giúp doanh nghiệp “thở phào”.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất thương mại may Sài Gòn nói: “Việc Ngân hàng Nhà nước nới thời gian cho vay ngoại tệ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động trong chọn lựa nguồn vốn dành cho sản xuất và tất nhiên, đây là những doanh nghiệp phù hợp với chính sách vay ngoại tệ”.
"Việc cho vay ngoại tệ là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời điểm hiện nay và tác động tích cực đối với tăng trưởng GDP"
- TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Thực tế cũng cho thấy, doanh nghiệp không được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng tiền đồng và do lãi suất cho vay bằng tiền đồng cao hơn sẽ dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên. Thông tin về hoạt động ngân hàng trong tuần từ 7-11/11/2016 cho biết, lãi suất cho vay USD hiện phổ biến ở mức 2,8-6,0%/năm; trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,8%/năm, lãi suất cho vay trung-dài hạn ở mức 4,9-6,0%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung-dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, từ 9,3-11%/năm đối với trung-dài hạn.
Giám đốc tiền tệ một ngân hàng nước ngoài nhận định: “Nếu doanh nghiệp phải vay VND, chi phí sẽ đội lên, nên việc nới cho vay ngoại tệ là hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với đó là hỗ trợ xuất khẩu, cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Một mũi tên trúng nhiều mục tiêu”.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu đều chung nhận định, đây là giải pháp mang tính tình thế của cơ quan quản lý, bởi nếu chấm dứt việc doanh nghiệp được vay ngoại tệ vào ngày 31/12/2016, sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp “nhào” ra thị trường mua gom ngoại tệ về thanh toán. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đẩy cầu ngoại tệ trong nước tăng cao trong bối cảnh tỷ giá đang chịu nhiều sức ép như hiện nay.
Diễn biến tỷ giá thực tế trong thứ Hai (ngày 21/11/2016) cho thấy, thị trường đang chịu nhiều áp lực: thị trường mở cửa ở mức 22.570 VND/USD, đạt mức cao nhất ngày là 22.573 VND/USD, rồi giảm nhanh và giao dịch mạnh trong vùng 22.540-22.560 VND/USD; phiên chiều, tỷ giá tiếp tục hạ 10 điểm, đóng cửa ở mức 22.530 VND/USD.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước ngày 22/11/2016 là 22.120 VND/USD (giảm 4 điểm so với hôm trước), biên độ dao động +/-3%. Giá trần là 22.784 VND/USD và giá sàn là 21.456 VND/USD. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 22.500 VND/USD, ngưỡng cản trên là 22.570 VND/USD. Giá thị trường USD/VND tự do tham khảo cùng ngày từ 22.650 – 22.700 VND/USD.
“Nhân tố có khả năng làm tăng tỷ giá từ phía quốc tế là: CNY xu hướng phá giá sau khi vào rổ tiền tệ SDR của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). USD xu hướng mạnh lên so với các đồng tiền khu vực Đông Nam Á và các thị trường mới nổi (EM) nói chung. Kỳ vọng nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện ở ngưỡng cao 98% (tăng so với mức 68% hồi đầu tháng 11). Còn trong nước, kỳ I tháng 11, cán cân thương mại thâm hụt 570 triệu USD; quý IV là đến chu kỳ thanh toán của nhiều công ty nước ngoài. Tâm lý tăng của thị trường đẩy tỷ giá lên mặt bằng mới”, lãnh đạo Ngân hàng TPBank nêu quan điểm.
Về Thông tư 31, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, Thông tư tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, thể hiện được ý tưởng không chống “đô-la hóa” bằng mọi giá, hướng tới nhu cầu thực tiễn của sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, việc Thông tư được ban hành sớm giúp doanh nghiệp gỡ mối lo về cung ngoại tệ dịp cuối năm, đồng thời có thể chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá, trong bối cảnh thị trường ngoại hối dự báo có nhiều biến động hơn thời gian tới.
“Tuy nhiên, về lâu dài, cần có một đề án chống ‘đô-la hóa’ tổng thể để các biện pháp hành chính không phải gia hạn nhiều lần, khi mà các biện pháp hành chính cũng đồng thời làm tăng chi phí của doanh nghiệp”, TS. Lực lưu ý.
Đồng quan điểm, TS. Hiếu cho rằng, tình hình thị trường ngoại hối năm nay có những diễn biến bất thường do biến động trên thế giới khi Tổng thống Mỹ Donal Trump lên nắm quyền.
“Ông Donal Trump là người chủ trương bảo hộ mậu dịch, không mở rộng thị trường của Mỹ và trong trường hợp này, tác động tiêu cực hay tích cực vẫn là ẩn số. Trong bối cảnh đó, nhu cầu ngoại tệ tăng lên do việc gia hạn cho vay ngoại tệ có thể tác động mạnh vào thị trường ngoại hối như thế nào vẫn là điều khó đoạn định”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB
Trước tiên, Thông tư 31 đã giúp bình ổn tỷ giá và đây là điều mà thị trường thực sự đang rất cần. Hệ thống ngân hàng đánh giá rất cao sự sâu sát của NHNN đối với hoạt động của nền kinh tế. Bản thân lãi suất USD so với VND mức độ chênh lệch vẫn rất cao và môi trường tỷ giá hiện nay ổn định, đặc biệt giá trị tiền đồng Việt Nam được khẳng định rất tốt.
Tổng hợp các yếu tố lại, các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi hơn khi vay USD vì tiết kiệm được một phần chi phí về lãi suất. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu chiếm trên 70% cả nước đang đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu Việt Nam.
Do đó, với quy định cũ không được vay ngoại tệ mà vay tiền đồng, thì đối với Thông tư 31, những doanh nghiệp này được vay cũng là điểm tốt. Tất nhiên, một chính sách không thể hài hòa được mọi lợi ích, nhưng chúng ta cần nhìn trong toàn cục.