Nới cho vay BĐS: “Hiệu quả” chủ yếu cho ngân hàng

(ĐTCK-online) Việc loại bốn nhóm BĐS khỏi lĩnh vực phi sản sẽ giúp ngân hàng “nhẹ gánh” hơn, dễ dàng cán đích tỷ trọng cho vay phi sản sản xuất 16% vào cuối năm này.
Thời điểm ngân hàng phải đưa tỷ trọng tín dụng phi sản xuất về không quá 16% đang đến gần (31/12/2011)

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành văn bản số 8844/NHNN - CSTT, cho phép các ngân hàng loại bốn nhóm cho vay BĐS khi tính tỷ trọng tín dụng phi sản xuất đã đánh trúng tâm lý băn khoăn của người dân, doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng như các ngân hàng thời gian qua.

Vì vậy, có rất nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh chủ trương này. Tuy nhiên, quan điểm tập trung nhất là không phải NHNN đang giải cứu một phân khúc BĐS để hỗ trợ phần nào cho thị trường vốn đang “èo uột”, mà NHNN đang tìm cách giúp các ngân hàng kéo tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống còn 16% vào cuối năm nay theo như quy định đề ra.

 

BĐS hưởng lợi?

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo cao cấp của NHNN cho biết, động thái này của NHNN nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng giải ngân nguồn vốn cho vay đối với những trường hợp thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 11.

Việc NHNN quy định tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất của các ngân hàng phải điều chỉnh về dưới 22% trước ngày 30/6 và 16% trước ngày 30/12/2011 không có nghĩa là NHNN cấm cho vay trong lĩnh vực này.

NHNN quy định một tỷ trọng phi sản xuất trong tổng dư nợ tín dụng để từ tỷ trọng đó, các tổ chức tín dụng tự điều chỉnh cơ cấu tín dụng của mình đi theo đúng mục tiêu của Chính phủ. Điều này có nghĩa là chưa nên khuyến khích và có thể giảm thiểu việc cho vay lĩnh vực rủi ro, đồng thời, tập trung cho vay trong những lĩnh vực được khuyến khích như sản xuất.

“Động thái này nhằm làm rõ hơn chủ trương của NHNN mà hệ thống ngân hàng là một phần của guồng máy trong nền kinh tế vận hành nhằm hướng đến mục tiêu chung là phục vụ các giải pháp của Chính phủ trong các tháng cuối năm 2011. Nhưng, quan trọng hơn cả là phục vụ mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt được đề ra từ đầu năm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ là: tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, vị lãnh đạo trên nói.

 

Hay ngân hàng “nhẹ gánh”?

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc loại bốn nhóm BĐS khỏi lĩnh vực phi sản xuất về lý thuyết sẽ có tác dụng cho cả ngân hàng và khu vực BĐS. Về phía ngân hàng, đúng là việc một số món vay cho lĩnh vực bất động sản không còn thuộc nhóm tín dụng phi sản xuất sẽ giúp ngân hàng “nhẹ gánh” hơn, dễ dàng cán đích tỷ trọng cho vay phi sản sản xuất 16% vào cuối năm này.

Bên cạnh đó, về nguyên tắc, ngân hàng sẽ tạo thêm một số tài sản có tính sinh lời, có lợi nhuận và có nhu cầu cao. Về phía thị trường BĐS, mặc dù nhiều người dân, chủ đầu tư có thể chưa chạm ngay được vào lợi ích từ chính sách này, nhưng rõ ràng, việc “nới” tín dụng ở một số phân khúc BĐS phần nào sẽ giúp thị trường “ấm” lên một chút.

“Trong lúc các ngân hàng đang “rối bời” với việc xử lý tỷ lệ tín dụng phi sản xuất thì sự ra đời của văn bản đã cởi bỏ mối lo cho ngân hàng, nghĩa là trọng tâm của chính sách này đặt về phía ngân hàng nhiều hơn.”, TS. Hiếu nói.

Nhưng ông Hiếu cũng cho rằng, trên thực tế, tín dụng dành cho lĩnh vực BĐS vẫn tiềm ẩn những rủi ro cao và các ngân hàng cũng phải hết sức cẩn trọng “chọn mặt gửi vàng” khi cho vay bởi chi phí vốn cao, nợ xấu đang tăng dần đều. Nghĩa là, cánh cửa cho vay chỉ hé mở chứ không thể mở toang nên chưa chắc sẽ tạo ra sự chuyển biến lớn cho thị trường BĐS.

Còn phía nhà đầu tư chắc chắn cũng chẳng mặn mà với việc vay tiền ngân hàng để đầu tư vào thị trường BĐS ở thời điểm này. “Nghĩa là, miếng bánh trông thì ngon nhưng không dễ xơi”, TS. Hiếu nói.

 

Đặc biệt lưu ý rủi ro nợ xấu

Một chuyên gia kinh tế nhận định, hành động trên của NHNN nếu nhìn xa hơn chứa đựng nhiều rủi ro. Bởi, cho vay để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; hay cho vay để xây dựng nhà để bán, cho thuê đối với người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các KCN, KCX, KKT; hoặc cho vay để xây dựng nhà ở cho công nhân KCN nhưng không thu tiền thuê nhà; hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do UBND cấp tỉnh ban hành…, nghĩa là đối tượng sử dụng những sản phẩm BĐS trên đều có thu nhập thấp. Vay được tiền của ngân hàng để mua nhà là một chuyện, còn khả năng trả nợ cho ngân hàng lại là câu chuyện khác. “Người có thu nhập thấp chưa bao giờ là đối tượng mà các ngân hàng thương mại săn đón”, chuyên gia này nhận định thêm.

Rủi ro trong ngân hàng cũng đồng nghĩa với khả năng gia tăng nợ xấu. Trong khi đó, nợ xấu của các ngân hàng thương mại đang được cảnh báo liên tục là đã khá cao so với cùng kỳ năm ngoái. Vị chuyên gia trên ước tính, nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam tính đến cuối tháng 10/2011 nếu chiếu theo chuẩn quốc tế có thể lên tới 15% và đặc biệt tập trung chủ yếu trong các khoản cho vay liên quan đến BĐS.

Quan điểm này cũng phần nào tương đồng với ý kiến của ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc NHTM cổ phần Á Châu (ACB). Theo ước tính của ông Hải, trong toàn hệ thống ngân hàng, nợ xấu phát sinh từ thị trường xây dựng và BĐS chiếm khoảng 75 - 80% tổng nợ xấu.

Theo số liệu NHNN đã công bố, tính đến hết tháng 8, nợ xấu toàn hệ thống là hơn 76.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu theo ước tính của ông Hải, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng phát sinh từ BĐS chiếm khoảng trên 60.000 tỷ đồng. Đây thực sự là một con số không hề nhỏ.

Trong cuộc trao đổi với ĐTCK, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét, nguy cơ lớn nhất đối với chất lượng tài sản của các NHTM chính là tín dụng BĐS. Nhưng không phải là mọi ngân hàng đều phải đối mặt với nguy cơ này mà tập trung chủ yếu ở các NHTM có quy mô nhỏ, có tỷ lệ cho vay BĐS lớn và đặc biệt là cho vay đối với các đại gia BĐS, đồng thời là cổ đông lớn của ngân hàng.

Nhìn nhận về việc NHNN ra văn bản số 8844/NHNN-CSTT, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính nhận xét một cách đầy ẩn ý: “Cái gì hợp lý thì sẽ tồn tại và cái gì tồn tại thì hợp lý”.

Hà My
Hà My

Tin cùng chuyên mục