Từ năm 2012, thông điệp mời gọi nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần ở các doanh nghiệp (DN) lớn đã được nêu lên ở nhiều diễn đàn, nhiều cấp quản lý.
Thực tế thì sao? Năm 2012, PV Oil công bố việc sẽ bán tối đa 25% vốn ra công chúng, trong đó dành 20% bán cho nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, tiến trình thực hiện vẫn trì hoãn cho đến nay.
Năm 2015, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam công bố muốn bán 25% vốn cho công chúng, trong đó dành 20% bán cho nhà đầu tư chiến lược, nhưng đến nay chưa thành hiện thực.
Nhiều DN lớn như Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Ðiện lực dầu khí Việt Nam... đã công bố việc cổ phần hóa từ lâu, nhưng đến nay vẫn.. chưa bán. Trong việc mời gọi nhà đầu tư chiến lược, chỉ có một số DN thành công, nhưng chưa thật trọn vẹn.
Chẳng hạn, Vietcombank bán 15% vốn cho Mizuho từ năm 2012, gần đây muốn bán thêm 7,7% vốn cho nhà đầu tư khác, nhưng không thỏa thuận được về giá. Vinamilk, Sabeco, Habeco... là những cái tên “hot” nhất trên thị trường bán vốn nhà nước, nhưng tỷ lệ chào bán và cách bán như thế nào vẫn chưa tỏ tường với các nhà đầu tư.
Dẫn những câu chuyện trên, ông Tony Foster, Luật sư điều hành Freshfields Bruckhaus Deringer cho biết, nhiều nhà đầu tư lớn rất muốn “vào” DN Việt Nam để cùng tạo nên giá trị mới, nhưng có nhiều trở ngại cho mối quan hệ hợp tác dài hạn.
Chẳng hạn, về giá bán, việc định giá chưa phù hợp với chuẩn quốc tế, chưa kể ở nhiều DN không rõ ràng về việc những tài sản nào sẽ được tính vào giá trị công ty khi Nhà nước bán vốn.
Một rủi ro lớn khác là cách bán. Không ít DN đã bị đẩy giá cổ phiếu lên quá cao khi chào bán một lượng nhỏ cổ phiếu qua đấu giá trên sàn, vô hình trung “chặn cửa” nhà đầu tư lớn mua theo giá đấu đó để vào DN.
Quá trình xác định giá trị DN cũng như giá chào bán chưa theo quy chuẩn quốc tế khiến đại đa số nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ dừng ở mức quan tâm, chứ chưa thể rót được vốn.
Không hẹn mà gặp, tại cuộc hội thảo bàn về cổ phần hóa DNNN dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài tuần qua, chuyên gia PwC, Vilaf, Freshfields Bruckhaus Deringer cùng nêu quan điểm: Muốn tìm được nhà đầu tư chiến lược, điểm cốt yếu là tiến trình bán vốn nhà nước phải minh bạch và DN phải chuẩn mực trong cam kết phát triển.
Nói cách khác, những nhà đầu tư chuyên nghiệp muốn tìm thấy sự minh bạch và niềm tin ở kênh đầu tư này trước khi bàn đến những giá trị tạo nên DN như tài sản, uy tín, thị trường...
Giải quyết nỗi... bâng khuâng của nhà đầu tư chuyên nghiệp cách nào là một câu hỏi đáng đặt ra trong bối cảnh Chính phủ kiên quyết tái cấu trúc DNNN với dự kiến thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng từ quá trình bán vốn.
Trong khi Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định mới về cổ phần hóa, thoái vốn DNNN thì với các DN trên sàn, như chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng khi nhậm chức, một trong những điều ông muốn làm là thúc đẩy sự minh bạch của DN niêm yết về cùng một quy chuẩn, đó là chuẩn mực kế toán quốc tế.
Hy vọng nhà quản lý sẽ sớm có những giải pháp chính sách chuẩn mực, để dòng vốn “bâng khuâng” bao năm đó sẽ ở lại, chứ không phải quay đi...