Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các ngân hàng giảm từ 4,8% hồi tháng 12/2014, xuống 3,7% trong tháng 6/2015. Việc triển khai đầy đủ các quy định nâng cao về phân loại tài sản và trích lập dự phòng trong tháng 4/2015 đã thu hẹp khoảng cách giữa con số nợ xấu theo báo cáo và con số ước tính cao hơn theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Đặc biệt, những quy định mới này cũng giúp tăng cường công tác thanh tra, giám sát an toàn trong hệ thống tài chính”, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của ADB nhận định.
Liên quan đến câu chuyện xử lý nợ xấu, Báo cáo tổng hợp số 448/BC-CP việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 cho biết, đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiềm chế gia tăng nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu thông qua cơ cấu lại nợ, thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro...
“Đến nay, tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 91,4% tổng số nợ xấu tính đến thời điểm tháng 9/2012; trong đó, riêng VAMC đã mua trên 200 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối tháng 8/2015, nợ xấu chiếm 3,2% tổng dư nợ, phấn đấu giảm về mức dưới 3% đến ngày 30/9/2015”, Báo cáo cho biết.
Còn theo ADB, tính đến tháng 8/2015, VAMC đã mua khoảng 9 tỷ USD nợ xấu. Kể từ tháng 3/2015, những nỗ lực của VAMC được hỗ trợ bởi các quy định cho phép Công ty được tăng vốn, mở rộng việc thu mua nợ xấu và bán các tài sản mua được cho người nước ngoài.
Trao đổi với ĐTCK, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, ngay từ trước khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013 - 2015, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ, Ban thường trực giúp việc xử lý nợ, bộ phận chuyên trách bán nợ cho VAMC; đồng thời thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, xây dựng phương án xử lý thu hồi nợ phù hợp với từng thời kỳ, từng đối tượng khách hàng và triển khai chi tiết đến từng chi nhánh, kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khách hàng tạm thời gặp khó khăn.
Song song với đó là tăng trưởng tín dụng tập trung cho nông nghiệp nông thôn tại các tỉnh trong cả nước, nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống ngưỡng quy định của NHNN.
“Nhờ vậy, đến ngày 31/8/2015, nợ xấu toàn hệ thống Agribank giảm hơn 50% về giá trị tuyệt đối, đạt tỷ lệ 2,81% , hoàn thành mục tiêu xử lý nợ xấu về dưới 3% trước ngày 30/9/2015 theo chỉ đạo của NHNN”, ông Khánh chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Khối pháp chế và kiểm soát tuân thủ VPBank chia sẻ, Ngân hàng luôn chú trọng công tác thu hồi nợ. Theo đó, VPBank thiết lập đơn vị chuyên trách thu hồi nợ là VPB AMC. Hoạt động thu hồi nợ của VPBank thời gian vừa qua đóng góp rất lớn vào kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch đặt ra.
Để tăng cường kiểm soát nợ xấu, VPBank áp dụng một loạt các biện pháp như tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống thu nợ chuyên trách, công tác kiểm soát; nâng cao chất lượng tín dụng từ khâu thẩm định đánh giá, lựa chọn khách hàng, dự án hiệu quả khả thi để cho vay; đồng thời tăng cường công tác kiểm soát, giám sát sau cho vay, cảnh báo sớm để phát hiện các khoản tín dụng có khả năng gặp khó khăn và có biện pháp xử lý kịp thời …
Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xử lý nợ xấu vẫn còn là vấn đề lớn của nền kinh tế, cũng như của hệ thống ngân hàng trong những năm tới. Việc không đủ các phương tiện cần thiết (tài chính, pháp lý, năng lực thể chế) dẫn đến kéo dài thời gian xử lý nợ xấu ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại, an toàn hệ thống tài chính và cấu phần hiện đại hóa công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của ADB nói: “Song song với việc giải quyết nợ xấu hiện tại, các ngân hàng cần có quy trình minh bạch theo dõi quá trình xử lý nợ xấu, để mọi người có thể tin tưởng vào việc giải quyết nợ xấu thực chất của hệ thống tài chính và đặc biệt đó là giải quyết nợ xấu đang tồn và không tạo ra nợ xấu mới”.
“Nợ xấu là hậu quả của người đi vay mất khả năng trả nợ và ngân hàng để nợ xấu phát sinh. Hệ thống ngân hàng không phải là gốc rễ nguyên nhân gây ra nợ xấu của cả nền kinh tế nhưng giờ lại phải gánh chịu hậu quả. Do vậy, rất cần có sự phối hợp của các bộ, ban, ngành để lời hứa của người đứng đầu NHNN không chỉ là đưa nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối tháng 9 này mà còn giữ được ở mức này trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.