Tại nhiều ngân hàng, tín dụng vẫn chưa thoát được tình trạng tăng trưởng âm, trong khi đó, nợ xấu lại tăng nhanh.
PGBank, Southern Bank, Navibank… là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng cao trong quý III. Nợ xấu của PGBank tính đến cuối tháng 9/2013 là 9,5%; Navibank là 8,7%; Southern Bank là 3,8%. Đáng quan tâm hơn, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn và đòi hỏi trích lập 100% dự phòng) chiếm phần lớn trong tổng nợ xấu của các ngân hàng này tính đến cuối quý III.
Chính vì nợ xấu tăng cao, nhất là nhóm nợ có nguy cơ mất vốn khiến chi phí dự phòng trích lập tăng theo. Lợi nhuận của ngân hàng từ đó bị “ăn” mòn, khiến phần còn lại sau trích lập ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm trước.
Chẳng hạn, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro của PGBank 9 tháng đầu năm nay là 246,5 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ chi phí dự phòng, chỉ còn hơn 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tín dụng tại PGBank trong 9 tháng tăng trưởng âm 5%, nợ có khả năng mất vốn thời điểm cuối tháng 9 là 600 tỷ đồng.
Tương tự, tín dụng của Navibank đến cuối tháng 9/2013 âm 8,95%, nợ xấu chiếm 8,7% tổng dư nợ, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm gần 500 tỷ đồng, kéo theo dự phòng rủi ro tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, lợi nhuận quý III/2013 của Navibank chỉ đạt 2,6 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ 2012; lũy kế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với mức hơn 98 tỷ đồng của cùng kỳ 2012. Trong khi đó, chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận của Navibank trong năm nay là 120 tỷ đồng.
Tại Southern Bank, lợi nhuận sau thuế quý III/2013 giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 36 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 226 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do nợ xấu tăng nhanh, chiếm 3,8% tổng dư nợ, trong đó nợ nhóm 5 chiếm 1.000 tỷ đồng. Southern Bank đã ký hợp đồng bán 206 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong tháng 10 vừa qua; hiện ngân hàng này đang có kế hoạch bán thêm nợ.
Một nguyên nhân khác khiến lợi nhuận giảm là trong quý III/2013, hoạt động đầu tư chứng khoán của Southern Bank lỗ hơn 44 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 7,5 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm là 1,2%.
Với DongA Bank, hoạt động kinh doanh ngoại hối đem lại khoản lãi 15 tỷ đồng cho Ngân hàng trong quý III/2013; lũy kế 9 tháng lãi 36 tỷ đồng so với mức lỗ 710 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Nợ xấu của DongA Bank trong quý này cũng được cải thiện, đến cuối tháng 9/2013 giảm còn 2,93%. Tuy nhiên, DongABank vẫn có 4 mảng kinh doanh thua lỗ trong quý III/2013 gồm: chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, thu nhập từ góp vốn mua cổ phần và hoạt động kinh doanh khác. Trong đó, lỗ nặng nhất ở mảng góp vốn, mua cổ phần, với hơn 100 tỷ đồng.
Vì thế, tổng lợi nhuận thuần từ kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro quý III/2013 là 346 tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ 2012; lũy kế 9 tháng giảm 34,5%, xuống 976 tỷ đồng. Do DongA Bank tăng hơn 70% lượng trích lập dự phòng rủi ro trong quý III/2013 nên lợi nhuận trước thuế giảm 30,8%, xuống còn 184 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 51%, xuống còn 511 tỷ đồng (kế hoạch cả năm là 1.000 tỷ đồng). Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm là 1,2%.
Ba quý đầu năm, Eximbank mới đạt xấp xỉ 38% kế hoạch lợi nhuận năm. Vì thế, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank chia sẻ, Ngân hàng có thể chỉ hoàn thành được 50% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho năm nay (3.200 tỷ đồng).
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn đẩy mạnh được tăng trưởng dư nợ trong lúc này đòi hỏi ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất. Theo TS. Kinh tế Lê Xuân Nghĩa, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay hiện nay ở mức 3 - 4%.
Trên thực tế, với các khoản vốn cho vay tiêu dùng cá nhân, mua nhà, xe ô tô…, lãi suất cho vay được các ngân hàng áp dụng 13 - 15%/năm, còn mức 8 - 9%/năm chỉ được ưu đãi trong thời gian đầu. Vì thế, lãi biên thu về trong hoạt động cho vay vẫn ở mức khá cao.
Lợi nhuận 9 tháng đầu năm của các ngân hàng chủ yếu nhờ đóng góp từ nguồn thu mảng tín dụng cá nhân, chiếm khoảng 60 - 70% tổng lợi nhuận.