Nợ xấu ngân hàng vãn dần

(ĐTCK) Tính trung bình từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, toàn hệ thống ngân hàng xử lý được khoảng 9.600 tỷ đồng nợ xấu mỗi tháng, cao hơn 4.700 tỷ đồng/tháng so với kết quả trung bình giai đoạn 2012-2017. 
Nghị quyết 42/2017/QH14 giúp công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng trở nên tích cực hơn. Nghị quyết 42/2017/QH14 giúp công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng trở nên tích cực hơn.

Vietcombank cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng đã thu hồi được 2.862 tỷ đồng nợ ngoại bảng, hoàn thành 82% kế hoạch được giao, góp phần tác động tích cực lên lợi nhuận.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ 2018 và hoàn thành 85,8% kế hoạch cả năm; trong đó lợi nhuận của Ngân hàng mẹ đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ và hoàn thành 85,4% kế hoạch năm.

Các chỉ số tài chính quan trọng như tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROA) đạt tương ứng 1,65% và 25,75%, đều tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn mặt bằng chung.

Từng là một trong những ngân hàng có nợ xấu lớn sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015, sau thời gian nỗ lực xử lý, nợ xấu của Sacombank liên tục giảm, hiện ở mức 1,96%.

Tính riêng từ  đầu năm 2019 đến nay, Sacombank đã xử lý hơn 10.000 tỷ đồng nợ xấu so với mục tiêu đặt ra cho cả năm là 15.000-20.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, nhờ tái cơ cấu danh mục cho vay, kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, giúp lợi nhuận Ngân hàng tăng trưởng cao.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 2.500 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm nay, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước.

Tại VIB, kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng đạt 2.332 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Một trong những nguyên nhân giúp VIB đạt lợi nhuận cao là kiểm soát được nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của VIB đã giảm từ 2,24% hồi đầu năm về mức 1,78% tính đến cuối tháng 9.

VIB đã sớm mua lại các khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và không còn dư nợ tại đây từ năm 2018. Theo lãnh đạo VIB, việc tất toán trái phiếu VAMC tác động tích cực lên hoạt động ngân hàng, làm sạch nợ ngoại bảng.

Với TPBank, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, TPBank đã trích lập đủ dự phòng và mua lại trước hạn toàn bộ 756,6 tỷ đồng trái phiếu VAMC, qua đó đưa số liệu nợ xấu về chỉ còn nợ nội bảng, giúp Ngân hàng có thể chủ động theo dõi và xử lý nợ xấu, cũng như tăng tính minh bạch. Tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tỷ lệ nợ xấu của TPBank ở mức 1,48%.

Nhờ kiểm soát tốt nợ xấu nên kết thúc quý III/2019, TPBank đạt 2.404 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng gần 33% so với cùng kỳ 2018 và hoàn thành hơn 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Nhiều chỉ số tài chính khác đã gần đạt kế hoạch năm như tổng tài sản vượt 154.000 tỷ đồng, hoàn thành 98,76% kế hoạch năm; tổng huy động đạt hơn 138.000 tỷ đồng, hoàn thành 97,3% kế hoạch năm...

Tại Nam A Bank, ngân hàng này cũng đã tất toán các khoản nợ đã bán cho VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của Nam A Bank hiện ở dưới mức 2% và ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, Ngân hàng đang tập trung hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực xanh, hướng đến các dự án bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh những ngân hàng đã tất toán xong, cũng có những ngân hàng vẫn đang nắm lượng lớn trái phiếu VAMC. Đơn cử, tại Saigonbank, tính đến cuối tháng 9/2019, nợ xấu nội bảng là 294 tỷ đồng, giảm 7 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,2% về 2,03%. Thế nhưng, trong cơ cấu nợ, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn, phải trích lập 100% dự phòng) lên tới 211 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nợ xấu.

Báo cáo tài chính quý III/2019 của Saigonbank cho biết, số trái phiếu đặc biệt VAMC mà Saigonbank còn nắm giữ là 885 tỷ đồng, giảm so với  con số 1.133 tỷ đồng hồi đầu năm, trong đó dự phòng trái phiếu đặc biệt là 130 tỷ đồng.

MBBank cho biết, tại thời điểm cuối tháng 9/2019, dư nợ tăng 11% lên gần 230.143 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng mẹ ở mức 1,35%, tăng so với con số 1,22% cuối năm trước, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng gần 390 tỷ đồng lên 1.345 tỷ đồng. MBBank đã trích lập dự phòng 2.780 tỷ đồng trong kỳ, tăng 40% so với cùng kỳ.

Về kết quả lợi nhuận, MBBank đạt 7.086 tỷ đồng lãi trước thuế sau 9 tháng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng tài sản đạt 385.516 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm trước.

Nhìn chung, trong thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực xử lý nợ xấu và điều này phần nào được phản ánh vào kết quả hoạt động.

Theo các ngân hàng, nguyên nhân chính giúp công tác xử lý nợ xấu trở nên tích cực hơn là nhờ có Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội.

Thống kê cho thấy, từ khi có hiệu lực ngày 15/8/2017 đến 31/8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Về con số tuyệt đối, tính trung bình giai đoạn trên, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9.600 tỷ đồng nợ xấu, cao hơn 4.700 tỷ đồng/tháng so với kết quả trung bình giai đoạn 2012-2017, là thời điểm trước khi Nghị quyết 42 ra đời.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục