Nợ xấu ngân hàng sẽ tăng từ đầu tháng 7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tư số 14/2021/TT-NNNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hết hiệu lực từ đầu tháng 7/2022, khiến nợ xấu nổi rõ hơn.
Đại dịch Covid-19 để lại hệ lụy nặng nề cho nền kinh tế, cho hệ thống ngân hàng. Đại dịch Covid-19 để lại hệ lụy nặng nề cho nền kinh tế, cho hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng đối mặt rõ hơn với nợ xấu

Báo cáo tài chính quý I/2022 cho thấy nợ xấu của một số ngân hàng tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2021, điển hình như NCB, Saigonbank... Trong đó, tỷ trọng nợ nghi ngờ của nhiều ngân hàng tăng mạnh, như OCB tăng 140%, một số ngân hàng tăng đều nợ xấu ở các nhóm như SHB, SeABank và Vietcombank.

Tại VPBank, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay hợp nhất (bao gồm cả công ty tài chính trực thuộc) đã tăng từ mức 4,57% hồi đầu năm lên 4,83% vào cuối quý I/2022. Tương tự, nợ xấu của Vietbank vượt 4%.

Tại VietinBank, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Minh Bình, đến cuối quý I/2022, Ngân hàng có số dư nợ xấu nội bảng (nợ nhóm 3 - 5) hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay là 1,25%.

Trong cuộc họp báo mới đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, dịch bệnh kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng.

“Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ”, ông nói.

Đáng chú ý, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,5%, giảm nhẹ so với mức 1,7% cùng kỳ năm 2020, nhưng nợ xấu gộp tăng lên mức 6,3% (từ mức 5,1% năm 2020, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2021).

“Lý do nợ xấu nội bảng còn ở mức thấp là do các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước với Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 cho phép giữ nguyên nhóm nợ cơ cấu lại”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV giải thích.

Cụ thể, Thông tư 14 được ban hành tháng 9/2021 sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí với số dư nợ gốc, hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022.

Theo công bố mới đây của ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát, Ngân hàng Nhà nước, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp và người dân đã trở lại trạng thái hoạt động, sản xuất - kinh doanh bình thường, nên việc kéo dài Thông tư 14 là không cần thiết. Hơn nữa, quy mô dư nợ tín dụng với các đối tượng được cơ cấu nợ theo Thông tư 14 chỉ chiếm 5% tổng dư nợ, nên việc dừng thực hiện thông tư này không khiến tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng nhiều.

“Với tinh thần đó, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề kéo dài Thông tư 14”, ông Phi nói.

Việc Thông tư 14 hết hiệu lực, theo TS. Cấn Văn Lực, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng kể từ quý III/2022 là rất lớn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng có nhận xét tương tự: “Thực tế, nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng cao hơn nhiều so với số liệu trên sổ sách kế toán. Việc dừng thực hiện Thông tư 14 sẽ giúp các ngân hàng đối mặt rõ hơn với nợ xấu”.

Thông tin được Ngân hàng Nhà nước công bố, theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của cơ quan này, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 1/2020/TT-NHNN là hơn 695.000 tỷ đồng cho hơn 1,1 triệu khách hàng.

Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198.000 tỷ đồng của gần 680.000 khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỷ đồng cho gần 490.000 khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 18.000 tỷ đồng của hơn 166.000 khách hàng.

Kỳ vọng trong tầm kiểm soát

Nhận định về câu chuyện nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nợ xấu dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới khi các biện pháp hỗ trợ người đi vay trong đại dịch từ các cơ quan quản lý không được gia hạn thêm.

Vì vậy, cải thiện môi trường pháp lý để giải quyết các khoản nợ xấu là điều cần thiết, cũng như cần có các cơ chế để xử lý các ngân hàng yếu kém và hoạt động không hiệu quả.

Từ phía cơ quan quản lý thị trường tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, lẽ ra nợ xấu được đưa về dưới mức 3% vào năm 2020 theo tinh thần của Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội, nhưng hai năm qua, nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19 khiến nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng.

Nếu để nợ xấu gia tăng thì doanh nghiệp và người dân sẽ khó có thể tiếp cận được các khoản vay mới.

Vì vậy, tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư cho phép các doanh nghiệp và người dân thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động yêu cầu các tổ chức tín dụng đưa một lộ trình để trích lập dự phòng rủi ro đối với những khoản nợ được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ, để khi nợ xấu phát sinh thì cũng có nguồn lực tài chính để xử lý.

Cũng theo Thống đốc, trong chỉ đạo điều hành hiện nay, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay.

“Trên thực tế, chúng ta đã chứng kiến những cuộc khủng hoảng do cho vay hạ chuẩn. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát những rủi ro để tránh gia tăng nợ xấu mới và khi có nợ xấu xảy ra thì cũng phải có những biện pháp xử lý”, Thống đốc nhấn mạnh.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực, các khoản nợ xấu sẽ nổi rõ và các ngân hàng sẽ phải chuyển dần nợ xấu sang VAMC hay xử lý nợ theo Nghị quyết 42.

“Nhưng nợ xấu sẽ không phản ánh ngay trong báo cáo tài chính quý II/2022, mà phải sang quý III/2022”, vị giám đốc dự báo.

Theo dõi website của các ngân hàng, có thể thấy, giai đoạn này, nhiều ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, VPBank, VIB… liên tục rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ, giảm gánh nặng nợ xấu.

Để công tác xử lý nợ xấu được triển khai có hiệu quả trên thực tế, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng, xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2026.

Còn TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng: “Nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro ở mức cao, việc gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14 đến hết năm 2023 sẽ giúp các tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý và các tổ chức tín dụng”.

Vietnam Report vừa công bố báo cáo về việc nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh. Theo đó, ảnh hưởng của đại dịch lên bảng cân đối kế toán của nhà băng được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài khi doanh nghiệp chưa thể phục hồi và những khoản nợ sau khi được tạo điều kiện cơ cấu lại đang xếp ở nợ nhóm 1 và 2 nhưng vẫn không thể cải thiện sẽ buộc hệ thống phải chính thức ghi nhận là nợ xấu, đặc biệt là sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022.

Xu hướng này tiếp tục được duy trì khi kết quả khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, 45,5% số ngân hàng dự kiến tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, 36,4% số ngân hàng duy trì mức trích lập dự phòng rủi ro như năm trước và chỉ có 18,2% giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Dù vậy, tốc độ tăng trưởng trích lập dự phòng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng nợ xấu khiến tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu trung bình giảm nhẹ từ 118% hồi đầu năm xuống còn 112% khi kết thúc quý I/2022.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu công bố có thể sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2022, sau khi Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực. Theo đó, việc tăng nguồn lực dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu của các ngân hàng lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục