Chất lượng tài sản được kiểm soát nhờ Thông tư 02
Lãnh đạo các ngân hàng cho hay, trong khi tín dụng khó tăng thì nợ xấu không giảm do tác động của suy thoái kinh tế lên “sức khỏe” doanh nghiệp, sức cầu giảm khiến hàng hóa khó tiêu thụ... ảnh hưởng đến tiến độ trả nợ của khách hàng. Điều này được phản ánh khá rõ lên tình trạng nợ xấu của các ngân hàng qua báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm nay. Theo VPBank, vấn đề đau đầu nhất với các ngân hàng hiện nay là nợ xấu tăng và khó xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt đối với các khoản vay tín chấp, việc đòi nợ rất khó khăn.
Thống kê cho thấy, hầu hết ngân hàng đều đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng nhanh. Tổng nợ xấu tính đến cuối quý III/2023 của các ngân hàng tăng 61% so với cuối quý trước đó, lên mức 196.755 tỷ đồng. Chẳng hạn, tỷ lệ nợ xấu của VPBank (mã VPB) tăng từ 3,88% cuối quý II/2023 lên 3,96% cuối quý III/2023. Chất lượng nợ của TPBank (mã TPB) đi xuống trong quý III/2023 khi nợ xấu tăng từ 1.357 tỷ đồng lên 5.350 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên 3% tổng cho vay khách hàng. MSB (mã MSB) cũng có tỷ lệ nợ xấu ở mức 3% tính đến cuối quý III/2023 với 4.149 tỷ đồng nợ xấu, gấp đôi so với con số 2.057 tỷ đồng cuối năm ngoái…
Dù vậy, các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, con số trên chưa phản ánh hết thực chất nợ xấu của ngân hàng, bởi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ cho phép các ngân hàng được tái cơ cấu nợ đến cuối tháng 6/2024.
TS. Trần Hùng Sơn, giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đánh giá, việc triển khai áp dụng Thông tư 02/2023 tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, góp phần kìm hãm sự gia tăng của nợ xấu.
Đồng quan điểm, PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, con số nợ xấu của ngân hàng hiện nay chưa phản ánh hết thực tế nhờ được tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023. Do đó, khi thông tư này hết hiệu lực (từ ngày 1/7/2024), các khoản nợ tái cơ cấu sẽ về đúng nhóm phân loại và nợ xấu sẽ tăng. Hay nói cách khác, nợ xấu ngân hàng chưa đạt đỉnh và còn đi lên trong thời gian tới. Ngoài ra, bộ đệm dự phòng rủi ro của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ xấu không nhiều.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 đạt 140.000 tỷ đồng (chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống). Còn báo cáo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy, VPBank có nợ cơ cấu đạt 14.900 tỷ đồng (chiếm 2,86% tổng dư nợ) và BIDV (mã BID) là gần 20.000 tỷ đồng (khoảng 1,5% tổng dư nợ). Các ngân hàng còn lại do áp lực nợ xấu không quá lớn và không ưu tiên sử dụng Thông tư 02/2023 (do phải trích lập nhiều hơn) nên phần nợ tái cơ cấu chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng dư nợ, trong đó tỷ lệ tái cơ cấu của của Vietcombank (mã VCB) đạt 0,14%; ACB (mã ACB) đạt 0,4%; Techcombank (mã TCB) đạt 0,27%; MSB đạt 0,25% và HDBank (mã HDB) ở mức 0,5%. Một điểm tích cực là dư nợ nhóm 2 (nợ chú ý) trong quý III/2023 của các ngân hàng giảm 7,7% so với quý trước đó, nhưng cần lưu tâm hơn từ đầu tháng 7/2024 khi Thông tư 02/2023 hết hiệu lực.
Nợ xấu sẽ “phình to”?
Khi Thông tư 02/2023 hết hiệu lực (từ ngày 1/7/2024), các khoản nợ tái cơ cấu sẽ về đúng nhóm phân loại và nợ xấu sẽ tăng. Hay nói cách khác, nợ xấu ngân hàng chưa đạt đỉnh và còn đi lên trong thời gian tới.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế dự báo, nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng mạnh hơn trong năm 2024, nhất là sau khi Thông tư 02/2023 hết hiệu lực. Trong đó, bất động sản được cảnh báo là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất khi thị trường hồi phục chậm khiến các khoản nợ có nguy cơ nhảy nhóm thành nợ xấu nhiều nhất. Do đó, ông Thịnh cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần phải tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, đặc biệt là về nguồn vốn.
Cùng góc nhìn, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, tình hình nợ xấu của các ngân hàng là đáng lo khi Thông tư 02/2023 hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2024 có thể khiến nợ xấu tăng cao hơn hiện tại. Nợ xấu cũ chưa được xử lý xong lại chồng thêm nợ xấu mới, điều này sẽ gây áp lực lớn đến tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại. Chưa kể, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng hết hiệu lực vào cuối năm nay. Do đó, nếu sang năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được thông qua thì cũng phải tới cuối năm này mới có hiệu lực. Trong khoảng thời gian đó, ngân hàng sẽ rất khó thu hồi nợ vay, kể cả với các khoản nợ có tài sản đảm bảo.
Trên thực tế, nợ xấu của ngân hàng có xu hướng “phình to” do thị trường nhà đất khó khăn kéo dài và điều này đã được cảnh báo từ trước đó, nhất là khi giai đoạn 2023-2024 là thời kỳ đáo hạn một lượng rất lớn trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường bất động sản hồi phục chậm, thanh khoản khó tăng mạnh khiến cho việc xử lý bất động sản phát mãi của các ngân hàng gặp nhiều áp lực.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đưa ra lưu ý, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%). Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp tục kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, bất động sản kinh doanh có tính chất đầu cơ làm giá, lũng đoạn thị trường…, bởi chất lượng tài sản của các ngân hàng khó tránh sự đi xuống khi thị trường bất động sản còn khó khăn, đầu ra sản phẩm yếu.
Để giảm bớt áp lực cho các ngân hàng, Thống đốc cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đánh giá nghiên cứu đề xuất gia hạn Thông tư 02/2023. Thực tế, thông tư này có ưu điểm là hỗ trợ thiết thực các ngân hàng, doanh nghiệp, song cũng có nhược điểm là phần nào “che” bớt bức tranh nợ xấu thật của hệ thống ngân hàng.
Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện đối với Thông tư 02/2023, đồng thời rà soát lại một số thông tư khác như Thông tư 03/2023, Thông tư 06/2023 và Thông tư 10/2023 để phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.