Nợ xấu nằm ở đâu đó, ở các dự án bất động sản nào đó chứ không phải nằm ở nông nghiệp

Chiều 23/3, tại cuộc họp bàn về chương trình tín dụng 100.000 tỉ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ kêu gọi các tổ chức tín dụng mạnh dạn cho vay nhằm thúc đẩy tái cơ cấu, tạo đột phá.
Thủ tướng khởi động dự án nông nghiệp công nghệ cao của Vineco, kêu gọi gói tín dụng 100.000 tỉ đồng đầu tư cho lĩnh vực này - Ảnh: Lê Kiên. Thủ tướng khởi động dự án nông nghiệp công nghệ cao của Vineco, kêu gọi gói tín dụng 100.000 tỉ đồng đầu tư cho lĩnh vực này - Ảnh: Lê Kiên.

Trong khi các ngân hàng (NH) than rằng cho vay trong nông nghiệp có nhiều rủi ro và vướng mắc về thủ tục, ông Vương Đình Huệ khẳng định nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp không đáng kể so với bất động sản.

“Nói mà không làm được là có tội với dân”

Ông Lê Quốc Doanh, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết sau khi có nghị quyết của Chính phủ, bộ đã ban hành quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp (DN) nông nghiệp công nghệ cao, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, đến nay đã cấp giấy chứng nhận cho 25 DN nông nghiệp công nghệ cao.

Phó thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cũng cho biết các NH đã cho các DN này vay với tổng dư nợ 3.700 tỉ đồng, trong đó hàng loạt NH cam kết dành hàng chục ngàn tỉ đồng để cho vay chương trình này. “Đó mới chỉ là cam kết, lấy gì để buộc họ thực hiện? Khi nào giải ngân được 100.000 tỉ, đến năm 2020 có xong không?” - ông Vương Đình Huệ đặt câu hỏi.

"Bộ NN&PTNT phải phối hợp với các địa phương tổ chức quy hoạch các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, ngành nông nghiệp và các sản phẩm chủ lực "

- Phó thủ tướng Vương Đình Huệ

Theo ông Huệ, đây là gói tín dụng thương mại bình thường, không có sự hỗ trợ của Chính phủ mà phụ thuộc vào quan hệ giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng nên chính sách phải rất rõ ràng nếu muốn triển khai trong thực tế. Đối tượng được vay theo chương trình này cũng không nên bó hẹp là DN và hợp tác xã, mà phải mở rộng hơn bởi thực tế cho thấy các hộ gia đình, trang trại tại Đà Lạt áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp rất tốt.

“Rồi phải rõ ràng vay ngắn hạn là thế nào, dài hạn là thế nào để phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Chính sách phải rõ ràng, vì nói mà không làm được thì có tội với người dân và DN” - ông Huệ nhấn mạnh.

Có vốn nhưng chờ quy hoạch cây, con

Ông Tiết Văn Thành - tổng giám đốc Agribank - cho biết NH này dự kiến sẽ dành gói phát triển nông nghiệp sạch lên đến 50.000 tỉ đồng cho các đối tượng vay là DN, hợp tác xã, chủ trang trại và hộ gia đình, đồng thời khẳng định dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp của NH này khá lớn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Củ Chi (TP.HCM)...

Tuy nhiên, việc cho vay trong nông nghiệp gặp khá nhiều khó khăn, bởi rất ít các địa phương có quy hoạch về vùng, tiểu vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch cây, con, ngành nghề cũng chưa rõ, chủ yếu là sản xuất manh mún, tự phát.

Do đó, theo ông Thành, ngoài việc quy hoạch chi tiết vùng, tiểu vùng và ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao, các địa phương phải đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, làm cơ sở để có tài sản đảm bảo khi tiến hành cho vay, ngay cả các đơn vị bảo hiểm cũng phải tham gia lĩnh vực này.

“Cái khó nhất là tài sản bảo đảm để vay vốn là đất nông nghiệp thường có giá trị rất thấp nên giá trị cho vay cũng thấp. Tài sản trên đất như nhà kính, nhà lưới dù đầu tư rất đắt tiền nhưng khi gặp rủi ro chỉ bán sắt vụn thôi.

Khi chúng tôi cho vay, khách hàng thường phải đảm bảo bằng các tài sản khác. Vì vậy quá trình lựa chọn đối tượng để cho vay cũng không dễ. Chúng tôi chủ yếu cho vay các đối tượng cần vay thêm để đầu tư, họ có sẵn vốn rồi, chứ ít khi cho vay 100% vì rủi ro rất lớn” - ông Thành nói.

Nông dân chắt chiu từng đồng để trả nợ

Theo ông Cát Quang Dương - thành viên HĐQT VietinBank, vướng mắc khi cung cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp là khó xử lý tài sản đảm bảo, quyền sử dụng đất nông nghiệp và tài sản trên đất, chưa kể việc xử lý rủi ro đối với các khoản vay này cũng gặp vướng mắc.

“Ngoài trường hợp đã được quy định như thiên tai bất khả kháng, đề nghị Chính phủ xem xét quy định xử lý rủi ro của thị trường. Nghị định của Chính phủ quy định chỉ được xử lý rủi ro phần lãi suất, nhưng khi nông nghiệp gặp rủi ro là người ta mất hết vốn” - ông Dương nói.

Đại diện Vietcombank, bà Đinh Thị Thái còn đưa ra ví dụ khó khăn về tài sản đảm bảo như khoản đầu tư cho nhà kính hay nhà lưới không được xem là tài sản trên đất, rau quả cũng không thể coi là tài sản đảm bảo bởi khi gặp rủi ro là mất sạch.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định cho vay nông nghiệp chắc chắn có rủi ro nhưng không quá nhiều rủi ro như các NH lo lắng.

“Các anh cứ nói rằng lĩnh vực này rủi ro cao, nhưng xin thưa là nợ xấu nằm ở đâu đó, ở các dự án bất động sản nào đó chứ không phải nằm ở lĩnh vực này. Các anh cho bà con nông dân vay cho con cái họ đi học, người ta chắt chiu từng đồng để trả nợ chứ không phải như các đại gia vay số lượng lớn cho các dự án thiếu hiệu quả đâu” - ông Huệ khẳng định.

Để đẩy mạnh cho vay, Bộ NN&PTNT phối hợp với NH Nhà nước nghiên cứu sửa đổi các quy định, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn... cho phù hợp với thực tiễn, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vay nông nghiệp công nghệ cao.
Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận DN công nghệ cao trong nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất nông nghiệp như nhà kính, nhà lưới..., tạo điều kiện để DN có tài sản bảo đảm khi vay vốn.

Đẩy mạnh cho vay để tái cơ cấu nông nghiệp

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng chương trình tín dụng 100.000 tỉ đồng cho nông nghiệp là chủ trương đã được ghi trong nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, đã được DN và người dân ủng hộ, các NH hưởng ứng.

Dù đây là gói tín dụng về thương mại, không được Chính phủ cấp bù lãi suất, nhưng các NH phải tích cực tham gia bởi đây là chủ trương rất quan trọng nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao, hiệu quả, nông nghiệp sạch.

Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng yêu cầu NH Nhà nước cần sớm có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chủ trương của Chính phủ, lưu ý mở rộng đối tượng cho vay. Các NH cần tiết kiệm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi và rộng rãi nhất đến các đối tượng vay.

Phải nghiên cứu nhiều hình thức cho vay, linh động thủ tục cho vay. Ngoài cho vay có tài sản đảm bảo, còn có hình thức cho vay tín chấp, thế chấp tài sản hình thành trong quá trình sản xuất kinh doanh, bảo lãnh...

Theo Tuổi Trẻ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục