Nợ xấu mới không ngừng phát sinh

(ĐTCK) Mặc dù đã nỗ lực kiểm soát chặt chất lượng các khoản vay, song các nhà băng cho biết, tình hình nợ xấu vẫn diễn biến khá phức tạp.
Nợ xấu mới không ngừng phát sinh

 

Các nhà băng cho biết, chính thị trường bất động sản đóng băng và giá bất động sản liên tục giảm trong thời gian qua là nguyên nhân đẩy nợ xấu tăng dần. Chuyển biến của nhóm nợ cũng khá nhanh, từ nhóm 2, xuống nhóm 3 và 4 chỉ trong một thời gian ngắn và rơi vào nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).

Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, nợ xấu từ các khoản vay mới phần nào được kiểm soát, nhưng với các khách hàng doanh nghiệp vay vốn trước đây, hiện khả năng trả nợ rất thấp. Nợ quá hạn của các khoản cho vay này hiện chủ yếu tập trung ở nhóm 4 - 5. Vì thế, nợ xấu nhà của ngân hàng từ đầu năm còn dưới 3%, nay đã lên trên 4%. Ngân hàng nắm trong tay tài sản thế chấp, nhưng vì thị trường bất động sản đóng băng nên rất khó phát mãi được tài sản đảm bảo.

Nợ xấu của Navibank cũng tăng lên trên 6% tính đến cuối tháng 6 vừa qua. SCB, Southern Bank hay MHB đã và đang phải tính đến phương án bán lại nợ xấu cho VAMC.

Mặc dù nợ xấu của Eximbank đến thời điểm này vẫn được kiểm soát dưới 2%. Tuy nhiên, theo ông Trần Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc Ngân hàng, con số này đã tăng so với tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đầu năm nay, chỉ 1,6%. Mục tiêu của Eximbank trong năm nay là kiểm soát nợ xấu dưới mức 2%. Bởi vậy, trước diễn biến nợ xấu hiện nay và bối cảnh thị trường chưa mấy sáng sủa, sức khỏe doanh nghiệp còn yếu…, Eximbank sẽ ưu tiên chất lượng hơn là số lượng tín dụng.

Một lãnh đạo cấp cao của ACB cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng hiện được kiểm soát dưới mức 3%. Tuy nhiên, tình hình nợ xấu từ các khoản vay cũ rất khó kiểm soát. Do tài sản thế chấp của khách hàng (cả với doanh nghiệp và cá nhân) chủ yếu là bất động sản, nên khi thị trường bất động sản đóng băng kéo dài và liên tục giảm giá thời gian qua, nợ xấu Ngân hàng đã liên tục tăng.

“Mọi người đang quan tâm là có đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đề ra hay không, nhưng theo tôi, cần tăng trưởng bền vững hơn là tăng trưởng nhanh”, lãnh đạo ACB nói và cho rằng, trong phát triển tín dụng bất động sản hiện nay, cần thiết có sự phân định rõ về loại hình cho vay bất động sản và cho vay có tài sản thế chấp bằng bất động sản.

Trên thực tế, nợ xấu của các ngân hàng đang chủ yếu là nợ nhóm 5. Chỉ tính riêng khu vực TP. HCM, nợ nhóm 5 chiếm tới gần 70% tổng nợ xấu của các ngân hàng đến cuối tháng 9/2013 (5,99%), chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng.

Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP. HCM lý giải, sở dĩ nợ có khả năng mất vốn rơi nhiều vào hai lĩnh vực nói trên là do thời gian qua, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và phía NHNN đã có cảnh báo rủi ro nợ xấu gia tăng. Tỷ lệ cho vay thể nhân hiện chiếm khoảng 40% tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc đẩy vốn ồ ạt vào thị trường bất động sản những năm trước đây đã để lại hậu quả cho các ngân hàng hôm nay. Đồng thời, do trước đây, các ngân hàng định giá bất động sản để cho vay cao và cấp hạn mức vốn lớn nên giờ, khi khoản nợ rơi vào nợ xấu, trong khi giá bất động sản sụt giảm, sẽ rất khó xử lý được tài sản đảm bảo. Theo TS. Lịch, nếu cả khách hàng và ngân hàng không chấp nhận kéo giá bất động sản xuống thì cả hai sẽ còn tiếp tục bị kẹt với tài sản bảo đảm dạng này.

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, đã sử dụng nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, nhưng nhìn chung, 3 giải pháp được sử dụng chủ yếu là sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, thu nợ bằng tiền và xử lý tài sản đảm bảo. Trong đó, giải pháp thu nợ bằng tiền được xem là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, trong lúc này, khi sức khỏe doanh nghiệp yếu, khả năng trả nợ giảm, tiền mặt cạn kiệt thì giải pháp này gần như không thể. Còn phát mãi tài sản đảm bảo không phải là giải pháp tốt nhất cho các nhà băng, bởi thủ tục pháp lý rất rườm rà, trong khi khách hàng không dễ chấp nhận bán tài sản với giá “bèo”, còn ngân hàng không thể đơn phương bán tài sản đảm bảo, kể cả khi con nợ đã bỏ trốn. Chính điều này sẽ còn làm cho nợ xấu tăng thêm nữa.

Để có thể trút được gánh nợ xấu, làm sạch bảng cân đối kế toán trước khi năm tài chính kết thúc, các nhà băng đang xếp hàng để được bán nợ xấu cho VAMC. Chỉ riêng trong quý IV này, các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM sẽ bán khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Các nhà băng bán nợ sẽ được VAMC thanh toán giá trị mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trái phiếu đặc biệt có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0% và ngân hàng được sử dụng để vay tái cấp vốn của NHNN. Tuy nhiên, theo TS Lịch, sau khi bán lại nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng 20% cho khoản trái phiếu đặc biệt. Đồng thời, khi hết thời hạn, nếu nợ xấu không được VAMC xử lý thì ngân hàng phải mua lại nợ xấu bằng chính trái phiếu đặc biệt.

>> Xếp hàng bán nợ xấu cho VAMC

>> Nợ xấu, cần nhìn từ con số báo cáo tài chính cuối năm

>> Không có thị trường mua bán nợ, khó thành công

Nợ xấu mới không ngừng phát sinh ảnh 1Nợ nhóm 5 của các NHTM khu vực TP. HCM chiếm gần 70% tổng nợ xấu, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục