Nợ xấu dềnh lên: Nóng chuyện tiền tươi, mở sàn bán nợ

Nợ xấu của các nhà băng tăng trở lại có thể chưa đáng ngại, bởi trích lập dự phòng của các ngân hàng đã tăng đáng kể. Thế nhưng, mối lo đang nằm ở chỗ khác.
Dù nợ xấu tăng, nhưng các ngân hàng vẫn hoạt động tốt, thanh khoản ổn định, có nguồn lực để xử lý nợ xấu. Dù nợ xấu tăng, nhưng các ngân hàng vẫn hoạt động tốt, thanh khoản ổn định, có nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Nợ xấu có dội ngược?

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng 6 tháng đầu năm nay, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có tăng nhẹ lên mức 1,91%, so với mức 1,89% cuối năm 2018. Tuy nhiên, con số nợ xấu tuyệt đối đã tăng khá nhiều. Chỉ với riêng 17 ngân hàng TMCP niêm yết trên sàn chứng khoán, con số này đã lên tới 81.300 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm 54% tổng nợ xấu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu ngân hàng có dấu hiệu tăng trở lại một phần do các khoản nợ được “gửi” tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cách đây 5 năm quay trở lại ngân hàng, một phần do nhà băng tăng cường cho vay bán lẻ.

Đồng tình chỉ một phần với ý kiến trên, Phó tổng giám đốc một nhà băng chia sẻ: “Đúng là nợ xấu có tăng trở lại, nhưng điều này là bình thường, vì quy mô tín dụng thời gian qua tiếp tục tăng, đương nhiên nợ xấu cũng sẽ tăng theo. Như Vietcombank, BIDV cho vay nhiều thì nợ xấu tuyệt đối lớn là đương nhiên. Còn như VPBank nợ xấu khá cao, nhưng họ cho vay tiêu dùng rất lớn, lợi nhuận khủng. Không thể nhìn vào số liệu nợ xấu đơn thuần mà kết luận ngay là đáng lo, đáng cảnh báo. Cần phải nhìn vào khẩu vị rủi ro, khả năng sinh lời, số trích lập dự phòng rủi ro… của các ngân hàng để đánh giá cho đúng”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, đúng là hiện nay, một số khoản nợ xấu mà các ngân hàng bán cho VAMC từ năm 2014 và vẫn chưa được xử lý, nay hết thời hạn ký gửi quay trở lại nhà băng (hết 5 năm). Song hầu hết số nợ này đã được trích lập dự phòng rủi ro đến 80 - 100%, nên nhiều nhà băng cho hay, dù khoản nợ xấu này quay lại, ngân hàng cũng không lo.

Các chuyên viên của Công ty Chứng khoản Bảo Việt (BVSC) nhận định, rủi ro tỷ lệ nợ xấu tăng trở lại trong năm 2019 là không lớn do chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn tốt, tỷ lệ nợ nhóm 2 chưa có dấu hiệu tăng. Đặc biệt, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng cao hơn nhiều so với giai đoạn trước, có nghĩa các ngân hàng có nguồn lực tốt hơn để xử lý nợ xấu.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng chấp nhận cắt lợi nhuận để mạnh tay trích lập dự phòng như BIDV trích lập dự phòng 10.710 tỷ đồng, VietinBank trích 7.477 tỷ đồng, VPBank 6.470 tỷ đồng, Vietcombank 3.317 tỷ đồng, MB 2.364 tỷ đồng, Sacombank 1.046 tỷ đồng, HDBank 532 tỷ đồng, TPBank 510 tỷ đồng, SHB 373 tỷ đồng...

Một yếu tố khác là lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các ngân hàng tăng trưởng rất tốt. Vì vậy, dù nợ xấu tăng, nhưng các ngân hàng vẫn hoạt động tốt, thanh khoản ổn định, có nguồn lực để xử lý nợ xấu. Do đó, nợ xấu dù có dềnh lên, song chưa đến mức cảnh báo. Nỗi lo xử lý nợ xấu có lẽ nằm ở chỗ khác.

Khát tiền tươi, mong lập chợ, mở sàn

Gần đây, VAMC không còn nhận nợ mang về “nhốt hộ” nữa. Công ty này cho biết sẽ tập trung mua theo giá thị trường trong thời gian tới. Đây cũng là mong muốn của nhà băng. Thế nhưng, lo ở chỗ, VAMC đang kẹt “tiền tươi” để mua nợ, trong khi các ngân hàng mỏi mắt ngóng sàn, ngóng chợ để bán nợ mà chưa có.

Kế hoạch của VAMC là hết năm 2020, tổng nợ xấu lũy kế mua về tối thiểu 330.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị nợ xấu mua theo cơ chế thị trường đến hết năm 2020 đạt tối thiểu 20.000 tỷ đồng theo giá mua nợ. Giai đoạn 2021 - 2023 sẽ tập trung triển khai mua nợ xấu theo giá thị trường.    

TS. Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho biết, thiếu “tiền tươi” là thế kẹt lớn nhất của VAMC hiện nay. VAMC đang chuẩn bị ký hợp đồng mua nợ với hàng loạt ngân hàng, nhưng có nguy cơ điều chỉnh kế hoạch, vì vốn điều lệ của VAMC chỉ vỏn vẹn 2.000 tỷ đồng. Giữa tháng 8/2019, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cấp bổ sung vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng và hiện đang chờ được rót vốn. Kể cả năm nay có được cấp vốn, thì đến sang năm, nếu không được cấp tiếp để nâng lên 10.000 tỷ đồng (theo lộ trình quy định tại Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), thì việc mua nợ cũng sẽ tiếp tục chững lại.

Bên cạnh nguồn tiền, việc hình thành “chợ” nợ xấu quá chậm cũng đang là vấn đề khiến nhiều nhà băng đau đầu, làm tốc độ xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn.

Được biết, hiện VAMC và 20 công ty mua bán nợ của các nhà băng (AMC) đang xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC. Dự kiến trong tháng 9/2019, Câu lạc bộ chính thức ra mắt. Đến thời điểm này, đã có ít nhất 20 thành viên là các AMC đăng ký tham gia. Đơn vị này cũng đang chuẩn bị trình NHNN đề án thành lập Sàn giao dịch nợ xấu.

Thách thức lớn nhất hiện nay khiến thị trường mua bán nợ xấu nước ta chưa phát triển là số lượng chủ thể tham gia còn ít. Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, thị trường này chỉ sôi động nếu có nhiều người tham gia. Đơn cử, tại Thái Lan, thị trường này đang hoạt động sôi động với khoảng 60 AMC tham gia. Có quá ít công ty mua nợ dẫn tới tình trạng độc quyền mua, các khoản nợ được trả giá rất thấp.

Nợ xấu luôn là vấn đề đồng hành của nền kinh tế và sẵn sàng dềnh lên bất kỳ lúc nào. Vì vậy, cần một thị trường thông suốt để nợ xấu luôn được vận hành, khơi thông và biến thành nguồn tiền quay vòng trở lại nhà băng. Để có một chợ hay sàn mua bán nợ xấu đúng nghĩa, cần nhất vẫn là sự chỉ đạo đồng bộ, tích cực vào cuộc tháo gỡ về thủ tục pháp lý của các cơ quan liên quan, không để mỗi nơi hiểu một cách, làm một kiểu như hiện nay trong thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu.

Hà Tâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục