Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng dư nợ toàn ngành trong 9 tháng chỉ đạt 2,35%. Các chuyên gia dự báo, tín dụng toàn ngành đến cuối năm nay chỉ có thể đạt khoảng 4 - 5%, so với chỉ tiêu kỳ vọng 8 - 10%. Vì thế, lợi nhuận thu về trong kinh doanh tín dụng của các ngân hàng thương mại cũng sụt giảm, ảnh hưởng không ít đến kết quả kinh doanh.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 468 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ 2011. Trong khi đó, ngân hàng này phải trích lập dự phòng tín dụng 166 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2011. Tỷ lệ nợ xấu của LienVietPostBank tính đến ngày 30/9 là 2,66%, tăng nhẹ so với đầu năm (2,14%), trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên đến 244 tỷ đồng, tăng 240 tỷ đồng so với đầu năm.
Về phần mình, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, hoàn thành 69,4% kế hoạch năm, nhưng theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, nhiều khả năng, ngân hàng này sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm nay.
Bên cạnh đó, các nhà băng còn gặp khó khi phải cân đối trạng thái vàng và đóng trạng thái trước khi phải dừng huy động vào ngày 25/11. Việc này cũng phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Điển hình là Ngân hàng Á Châu (ACB) lỗ 1.251 tỷ đồng từ kinh doanh vàng trong quý III/2012, khiến lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm chỉ còn 1.187 tỷ đồng. Khoản lỗ này xuất phát từ việc ACB thực hiện đóng trạng thái vàng âm, do phải mua vàng trong nước để bù đắp trạng thái, mà giá vàng nội cao hơn giá vàng quốc tế 2 - 3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, hiện trạng thái âm vàng của ACB chỉ còn hơn 100.000 lượng và Ngân hàng có khả năng tất toán trạng thái vàng trước ngày 25/11, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đánh giá về tình hình lợi nhuận năm nay, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng, các ngân hàng khó có thể đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay.
Trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) mới đạt 2.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, so với kế hoạch lợi nhuận cả năm là 4.600 tỷ đồng. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, Sacombank mới hoàn thành hơn 60% chỉ tiêu lợi nhuận trong 9 tháng qua, trong khi áp lực về lợi nhuận vẫn còn ở phía trước, bởi nợ xấu tăng, đòi hỏi các khoản trích lập dự phòng phải thay đổi.
Nợ xấu đang là vấn đề đau đầu đối với các nhà băng hiện nay, bởi hàng tồn kho gia tăng và sức mua thị trường sụt giảm đã làm giảm khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Nợ xấu tăng đòi hỏi các nhà băng phải trích lập dự phòng rủi ro, dẫn đến lợi nhuận bị “ăn” mòn.