Theo đường link công bố tài liệu của PNC, báo cáo của Hội đồng quản trị về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 và kế hoạch năm 2018 bị báo lỗi. Còn theo báo cáo của Ban kiểm soát, trong năm 2017, Công ty đạt doanh thu thuần gần 600 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2016.
Lợi nhuận gộp 178,48 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động kinh doanh âm 39,6 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi 4,3 tỷ đồng; lợi nhuận khác âm 27,72 tỷ đồng, tăng 3689% so với năm trước đó, khiến lợi nhuận sau thuế âm 66,51 tỷ đồng, trong khi năm 2016 lãi 1,92 tỷ đồng.
Theo Ban kiểm soát, khoản lỗ lớn năm 2017 là do dự phòng giảm giá hàng tồn kho, xử lý các khoản chi phí dở dang treo lại từ lâu, xử lý nợ khó đòi, một số hoạt động kinh doanh như nhập khẩu phim bị lỗ.
Về tình hình tài chính, theo Ban kiểm soát Công ty, tính đến cuối năm 2017, PNC lỗ lũy kế 107,86 tỷ đồng (vốn điều lệ hiện tại của PNC là hơn 110,4 tỷ đồng); khoản nợ vay ngắn hạn là 180,35 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn đã ảnh đến hoạt động của Công ty.
Ngoài ra, cũng theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị PNC dự kiến sẽ trình Đại hội phương án tăng vốn điều lệ từ 110,4 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu qua hình thức chào bán cổ phần, ưu tiên bán cho cổ đông hiện hữu. Giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu PNC trong gần 3 tháng qua đã rơi nhanh từ vùng đỉnh lịch sử 38.000 đồng/cổ phiếu xuống 22.500 đồng/cổ phiếu (chốt phiên sáng nay 27/2), đặc biệt sau khi bất ngờ báo lỗ hơn 66,7 tỷ đồng trong quý IV/2017, trong khi 9 tháng đầu năm 2017 vẫn có lãi 17 tỷ đồng.
Hiện cổ phiếu PNC đang trong diện bị kiểm soát soát đặc biệt kể từ ngày 27/2/2018 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối các năm 2016 và 2017 là con số âm.