Nợ mất vốn của các ngân hàng tăng mạnh

Báo cáo tài chính quý IV/2013 và lũy kế cả năm 2013 vừa được một loạt ngân hàng công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đã giảm, song nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đang có dấu hiệu tăng.
Nợ mất vốn của các ngân hàng tăng mạnh

Là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất nhì thị trường, Navibank đã gây không ít ngạc nhiên, khi đưa nợ xấu từ mức gần 9% (quý III/2013) xuống còn hơn 6%  (đến hết quý IV/2013). Tuy nhiên, so với cuối năm 2012, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng tới 19,5% (lên 438,3 tỷ đồng).

Tương tự, SHB cũng đã có sự cải thiện rõ rệt về nợ xấu, khi đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức gần 9% (đầu năm 2013) xuống còn 4,06% (cuối năm 2013), vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn của SHB lại tăng tới 22%, ước khoảng 2.525 tỷ đồng.

Riêng tại ACB, nợ xấu của ngân hàng này tăng nhẹ. Song trong khi nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ giảm, thì nợ có khả năng mất vốn tăng gần gấp đôi, từ 1.150 tỷ đồng lên 2.123 tỷ đồng. 

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với cả các ngân hàng lớn, như Vietcombank, BIDV, Eximbank, Sacombank… Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, tính đến ngày 31/12/2013, nợ xấu của các ngân hàng này đều giảm đáng kể, song nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) lại tăng rất mạnh.

Cụ thể, nợ nhóm 5 của Eximbank tăng 35,4%, lên 1.073,8 tỷ đồng; của Sacombank tăng 13,5%, chiếm 92,1% tổng nợ xấu của Ngân hàng. Nợ có khả năng mất vốn của BIDV là gần 2.833 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Khủng nhất phải kể đến Vietcombank, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này lên tới gần 3.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số của năm 2012. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nợ nhóm 5 là nợ hầu như không có khả năng thu hồi. Việc nợ nhóm 5 có dấu hiệu tăng, cho thấy chất lượng các khoản nợ xấu đang ngày càng xấu đi.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại giải thích, ngân hàng có thể kiểm soát chặt các khoản vay mới, song các khoản vay cũ rất khó thu hồi và ngày càng rơi từ nhóm xấu sang nhóm xấu hơn. Trong quý IV/2013, nhiều khoản nợ xấu của các ngân hàng đã chuyển từ nhóm 3, nhóm 4 sang nhóm 5, đồng nghĩa với việc phải trích lập dự phòng rủi ro 100%. Đây là lý do giải thích tại sao lợi nhuận quý IV/2013 của nhiều ngân hàng giảm mạnh.

“Nợ xấu tăng, trong khi ngân hàng không thể phát mãi tài sản thế chấp do vướng mắc về thủ tục và thị trường bất động sản đóng băng là nguyên nhân khiến nợ xấu càng thêm xấu”, vị lãnh đạo này nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm không sớm được ban hành, nợ xấu có khả năng mất vốn của các ngân hàng ngày càng tăng. Áp lực tài chính do trích lập dự phòng rủi ro với các ngân hàng ngày càng lớn.

Hiện dự thảo thông tư trên đang được Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng. 

Bên cạnh nợ có khả năng mất vốn đang tăng mạnh, tháng 6/2014, NHNN sẽ chính thức áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN, cũng sẽ khiến nợ xấu có khả năng tăng mạnh. Theo báo cáo của NHNN, nợ xấu toàn hệ thống tính đến cuối năm 2013 chỉ còn 3,79%. Với đà giảm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, năm 2014, nợ xấu chỉ còn 3-3,5%. Dù vậy, chuyên gia Nguyễn Đức Thành lại cho rằng, con số nợ xấu thật của hệ thống chưa thể hạ về mức này.        

Hà Tâm(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục