Nỗ lực vì mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho rằng, với sự quyết tâm cao độ của cơ quan quản lý và sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên thị trường, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng.
Hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng hạng thị trường Hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng hạng thị trường

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, các thành viên thị trường nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt để đáp ứng tiêu chí nâng hạng của các tổ chức xếp hạng quốc tế. Đâu là góc nhìn của bà về lộ trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam?

Nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới.

Về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường như đơn giản hóa quá trình mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài, đặt ra yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh, đồng thời hoàn thiện các chức năng giám sát, áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm minh, nâng cao tính minh bạch cho thị trường.

Bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC)

Bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC)

Ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung các thông tư về hoạt động giao dịch, đăng ký, lưu ký và bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (gồm Thông tư số 119/2020/TT-BTC, Thông tư số 120/2020/TT-BTC, Thông tư số 121/2020/TT-BTC, Thông tư số 96/2020/TT-BTC).

Thời gian tới, các nội dung hướng dẫn nghiệp vụ mang tính kỹ thuật, chi tiết thi hành sẽ được thành viên thị trường, các bên liên quan triển khai thực hiện nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, hướng tới mục tiêu nâng hạng.

Hướng tới điều chỉnh quy trình thanh toán nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc ký quỹ trước khi giao dịch (prefunding) của nhà đầu tư nước ngoài, qua đó hỗ trợ mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, trong vai trò của mình, VSDC đang thực hiện như thế nào?

Trong khuôn khổ triển khai giải pháp hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging), trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã tích cực làm việc với các tổ chức quốc tế, thành viên thị trường, đơn vị có liên quan để làm rõ thêm yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu đưa ra giải pháp tháo gỡ yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch. Các giải pháp này đã được cụ thể hóa trong Thông tư số 68/2024/TT-BTC. Trong đó, có hai nội dung giải pháp sẽ tác động đến quy trình nghiệp vụ của VSDC.

Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức được phép giao dịch mua cổ phiếu khi không có đủ tiền trên tài khoản theo thỏa thuận với công ty chứng khoán nơi đặt lệnh. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không có đủ tiền trên tài khoản trước khi thành viên lưu ký phải chuyển tiền vào tài khoản của thành viên lưu ký tại ngân hàng thanh toán để thực hiện thanh toán giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đặt lệnh giao dịch có trách nhiệm thanh toán giao dịch mua thiếu tiền của nhà đầu tư thông qua tài khoản tự doanh của mình.

Thứ hai, công ty chứng khoán có thể bán chứng khoán đã nhận về tài khoản tự doanh của mình cho nhà đầu tư nước ngoài nếu nhà đầu tư có đủ tiền để thanh toán vào ngày giao dịch liền kề sau ngày thanh toán giao dịch mua thiếu tiền thông qua phương thức giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán hoặc chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch nếu giá chuyển nhượng cổ phiếu nằm ngoài biên độ giá hoặc khối lượng cổ phiếu không đáp ứng khối lượng giao dịch tối thiểu của Sở giao dịch chứng khoán tại ngày thực hiện chuyển quyền sở hữu.

Trên cơ sở Thông tư số 68/2024/TT-BTC, các nội dung hướng dẫn mang tính kỹ thuật nghiệp vụ đang được VSDC tích cực phối hợp với thành viên thị trường, các bên liên quan nghiên cứu hoàn thiện tại 3 quy chế nghiệp vụ của VSDC: Quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSDC, Quy chế đăng ký và chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại VSDC, Quy chế thành viên lưu ký tại VSDC. Dự kiến, nội dung dự thảo các quy chế này sẽ được lấy ý kiến thành viên thị trường, các đơn vị liên quan trước khi trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để sẵn sàng triển khai.

Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán 2019 với một số điểm mới liên quan đến nâng hạng thị trường chứng khoán, trong đó cho phép VSDC được thành lập pháp nhân riêng để triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Bà đánh giá như thế nào về quy định này?

CCP là cơ chế thanh toán giao dịch chứng khoán trong đó thành viên bù trừ của CCP chịu trách nhiệm nghĩa vụ của khách hàng với CCP. Trong trường hợp thành viên bù trừ không thực hiện được nghĩa vụ của mình, CCP sẽ chịu trách nhiệm thanh toán cuối cùng thông qua các cơ chế đảm bảo thanh toán theo quy định.

Hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở tại Việt Nam hiện nay chưa thực hiện theo cơ chế CCP, mà vẫn áp dụng cơ chế thanh toán trước đây, trong đó VSDC chỉ là đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán cho các bên liên quan, không có nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán như CCP. Trường hợp nhà đầu tư, thành viên mất khả năng thanh toán mà không thể khắc phục được, VSDC sẽ loại bỏ thanh toán giao dịch như một giải pháp cuối cùng để không ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán chung của thị trường. Đây chính là điểm khác biệt chính giữa cơ chế thanh toán hiện nay và cơ chế CCP và cũng là lý do mà hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới (khoảng 80%) đã chuyển sang áp dụng cơ chế thanh toán CCP, chỉ còn một số ít thị trường chưa phát triển áp dụng cơ chế thanh toán không CCP như Srilanka, Mông Cổ, Bangladesh.

Hiện tại, pháp luật chứng khoán đang quy định cho VSDC tổ chức hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán (bao gồm chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở) theo cơ chế CCP, mà chưa có quy định về thành lập công ty con để thực hiện cơ chế này. Theo thông lệ quốc tế, hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới đều thành lập một pháp nhân độc lập, chịu trách nhiệm hữu hạn về mặt tài chính thực hiện vai trò CCP cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán nhằm khoanh vùng, khu trú rủi ro trong hoạt động bù trừ thanh toán theo cơ chế CCP với các hoạt động nghiệp vụ của khác của công ty mẹ.

Để hướng tới việc thành lập công ty con của VSDC thực hiện chức năng CCP, phù hợp với mô hình hoạt động tổng công ty (bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2023) và thông lệ chung của quốc tế, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 63 Luật Chứng khoán 2019, theo đó hoạt động bù trừ, xác định nghĩa vụ thanh toán tiền và chứng khoán được thực hiện thông qua VSDC hoặc công ty con của VSDC. Đồng thời, bổ sung khoản 4 Điều 55 Luật Chứng khoán 2019, quy định về việc công ty con được phân công thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của VSDC để thực hiện chức năng theo quy định của Luật Chứng khoán.

Việc thành lập công ty con của VSDC để thực hiện chức năng CCP cho cả thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán cơ sở sẽ góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán. Đây là cơ chế thanh toán có đảm bảo, góp phần giúp cho hoạt động thanh toán giao dịch của thị trường an toàn hơn, giảm thiểu rủi ro đối tác, từ đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, củng cố vị thế và góp phần vào việc nâng hạng thị trường.

Bà có thể chia sẻ việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai cơ chế CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở?

Về công tác chuẩn bị triển khai cơ chế CCP cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở, thực hiện ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý, từ năm 2019, VSDC đã phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu mô hình và các điều kiện cần thiết. Mô hình này đã được cụ thể hóa trong bài toán yêu cầu xây dựng chức năng hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam (KRX) và là cơ sở để xây dựng khung khổ pháp lý liên quan. Hiện nay, nội dung liên quan đến cơ chế CCP cho thị trường cơ sở đã được quy định tại các văn bản pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán như Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Thông tư 119/2020/TT-BTC và một số văn bản liên quan khác, đồng thời những nội dung hướng dẫn mang tính kỹ thuật đang được VSDC hoàn thiện song song với quá trình triển khai hệ thống KRX.

Về sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán, công tác phối hợp giữa VSDC với các Sở giao dịch trong việc nghiên cứu đưa sản phẩm hợp đồng tương lai VN100 vào giao dịch và bù trừ thanh toán đến nay như thế nào?

Trong khuôn khổ triển khai giải pháp đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, trong thời gian vừa qua, VSDC đã tích cực phối hợp với các Sở giao dịch chứng khoán nghiên cứu triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100. Cho đến nay, công tác nghiên cứu triển khai đã cơ bản hoàn tất, mẫu hợp đồng tương lai VN100 đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận trong quý II/2024.

Căn cứ kế hoạch triển khai do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) thông báo, dự kiến trong quý IV/2024, VSDC sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở giao dịch chứng khoán, thành viên bù trừ và ngân hàng thanh toán tiến hành kiểm thử chức năng hệ thống, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy trình nghiệp vụ (nếu cần thiết) để đáp ứng triển khai sản phẩm mới, cũng như xác định giới hạn vị thế trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, tính toán tỷ lệ ký quỹ ban đầu và công bố thông tin thị trường theo quy định. Sau khi hoàn thành các công việc này và được cơ quan quản lý chấp thuận, VSDC sẽ phối hợp với các Sở giao dịch chứng khoán, thành viên thị trường và ngân hàng thanh toán chính thức đưa hợp đồng tương lai chỉ số VN100 vào giao dịch và bù trừ thanh toán.

Hải Vân thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục