Nỗ lực cao nhất, không để nền kinh tế trượt đà

Dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đã bắt đầu xuất hiện và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Dù là vậy, quan điểm nhất quán từ Chính phủ là kiên định mục tiêu phát triển với nỗ lực cao nhất.
Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố mang tính giải pháp nhằm tạo điều kiện sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố mang tính giải pháp nhằm tạo điều kiện sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Kinh tế toàn cầu ‘ngủ đông’

“Ngủ đông” là cụm từ vừa được tờ Nikkei dùng để nói về kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hiện nay. Theo tờ báo này, hoạt động kinh tế đã đóng băng tại nhiều thành phố trên thế giới khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chỉ còn lại sự tĩnh lặng đến kỳ lạ. Chính phủ nhiều nước đang yêu cầu người dân hạn chế di chuyển nếu không cần thiết. Người dân, xe cộ chỉ còn lác đác trên các con đường, bao gồm cả các trung tâm dân số lớn.

Nếu như bình thường, người dân yêu thích sự tĩnh lặng đó, thì bây giờ, câu chuyện đang đi theo chiều hướng ngược lại. Đằng sau sự “tĩnh lặng kỳ lạ” đó có thể là cơn sóng ngầm của một đợt suy thoái kinh tế mới.

Thậm chí, không chỉ là “sóng ngầm”, nhiều chuyên gia cho rằng, dấu hiệu của một đợt suy thoái kinh tế mới đang dần trở nên rõ ràng hơn. Cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Hãng tin Bloomberg đều đã đưa ra nhận định rằng, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 0% trong năm nay, một số nước tăng trưởng âm. Trong khi đó, Liên hợp quốc nhận định, một cuộc suy thoái mới, lớn hơn năm 2008-2009, sẽ diễn ra với toàn cầu.

“Tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể còn nhiều hơn năm 2008-2009 và sẽ đòi hỏi một cách phản ứng chưa có tiền lệ”, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã nói như vậy.

Trong khi đó, ở trong nước, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng đưa ra những nhận định tương tự. Nhìn vào các dấu hiệu về tình trạng suy giảm tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh, thị trường chứng khoán giảm sâu, giá dầu giảm mạnh, diễn biến giá vàng nhiều rủi ro, chỉ số sản xuất giảm mạnh, doanh thu bán lẻ sụt giảm…, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia BIDV cho rằng, khả năng suy thoái kinh tế thế giới năm 2020 là “đã rõ”.

Thậm chí, theo nhóm chuyên gia trên, mô hình suy thoái nhiều khả năng sẽ theo hình chữ U với đáy hẹp, tức là sẽ sớm “lao dốc”. Tuy nhiên, khả năng suy thoái trong bao lâu, mức độ trầm trọng như thế nào còn tùy thuộc vào diễn biến và khả năng kiểm soát đại dịch, cũng như mức độ quyết liệt, quy mô và hiệu quả của các gói hỗ trợ của các nước.

Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân cho rằng, hoàn toàn đã đến lúc có thể nói về một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Thậm chí, mức độ của cuộc suy thoái này còn trầm trọng hơn, bởi nó không xuất phát từ khủng hoảng tài chính - tiền tệ như trước đây, mà đến từ cú sốc của cả phía cung và phía cầu, khiến kinh tế toàn cầu đình trệ.

Không để nền kinh tế trượt đà

Là một nền kinh tế có độ mở rất cao, khi kinh tế toàn cầu suy thoái, khó tránh kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quý I/2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt được con số 3,82%. Nhưng theo dự báo, tình hình có thể xấu hơn trong quý II/2020.

Cho đến thời điểm này, rất nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng GDP năm nay khó đạt được con số 6,8%. Tuy nhiên, trong các cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh yêu cầu không được để nền kinh tế trượt đà trước dịch Covid-19. “Phải vực dậy nền sản xuất trong nước để giải quyết việc làm, tăng trưởng, không để đổ gục trước tình hình hết sức phức tạp và khó khăn hiện nay”, Thủ tướng nói.

Để nền kinh tế không thể trượt đà, trước tiên, phải tập trung dập dịch. Theo các chuyên gia, dù dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới mọi mặt của nền kinh tế, buộc Chính phủ phải thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn, ngay cả các chặng bay nội địa, các tuyến tàu hỏa, xe khách… cũng đã bị hạn chế, nhưng đó là biện pháp phải làm để vực dậy nền kinh tế.

Cũng chính bởi vậy, khi đề xuất các biện pháp vực dậy nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhấn mạnh việc phải nhanh chóng dập dịch. “Nếu không khống chế được dịch thành công, sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, tâm lý, niềm tin của người dân, thiệt hại chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với chi phí để phòng, chống dịch. Đồng thời, sớm kiểm soát được dịch bệnh cũng là một yếu tố mang tính giải pháp nhằm giảm bớt thiệt hại của nền kinh tế, tạo điều kiện sớm phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, giúp Việt Nam tận dụng cơ hội khi Trung Quốc và đối tác lớn tuyên bố hết dịch và nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, giao thương”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cùng với giải pháp này, phải theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và diễn biến của kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính thế giới để chủ động, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã ban hành một cách kịp thời, đúng đối tượng. Và đặc biệt, phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình trọng điểm.

“Trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hạn hẹp, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp ưu tiên và có tính khả thi nhất để hỗ trợ nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Hiện, bên cạnh các giải pháp này, Chính phủ cũng đang giao các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu đề xuất các gói giải pháp để vực dậy nền kinh tế, bao gồm cả các gói kích cầu, sử dụng trái phiếu Chính phủ để kích cầu đầu tư…

Tình hình có thể xấu hơn trong quý II

“Với các động thái ‘giãn cách xã hội’ quyết liệt của Chính phủ kể từ cuối tháng 3/2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh trong quý II, đặc biệt là khu vực dịch vụ”, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa đưa ra nhận định như vậy.

Theo BVSC, khu vực công nghiệp, xây dựng có thể không chịu nhiều áp lực về gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, Hàn Quốc như vào thời điểm giữa quý I, nhưng sẽ phải đối mặt với sự suy giảm nguồn cầu ở cả thị trường trong nước lẫn các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và châu Âu.

Hẳn nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng mạnh tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý II/2020 và tác động mạnh tới tăng trưởng GDP của cả năm.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục