Bên cạnh việc lợi nhuận đạt mức cao, một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính quý II và nửa đầu năm 2019 của các nhà băng là việc các nhóm nợ xấu có xu hướng tăng, nhất là nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nợ nghi ngờ bị mất vốn).
Bên cạnh nhiều ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, có một số nhà băng chứng kiến nợ xấu tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2019 so với quý I và đầu năm. Chẳng hạn, đến hết quý II, nợ nhóm 3 của TPBank tăng hơn 60%; nợ nhóm 4 tăng gần gấp đôi và nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) tăng gần 20%, khiến tổng nợ xấu tăng 55%.
Cụ thể, tổng nợ xấu của TPBank tính đến ngày 30/6 là gần 1.336 tỷ đồng, tăng khoảng 475 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 55% so với thời điểm cuối năm trước. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay từ 1,12% lên mức 1,5%.
Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, không ít ngân hàng quy mô lớn ghi nhận mức lợi nhuận tích cực, nhưng đi kèm là tổng nợ xấu gia tăng. Vietcombank (VCB) là ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong nửa đầu năm nay với con số 11.000 tỷ đồng trước thuế. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6, nợ xấu tại VCB là 7.134 tỷ đồng, tăng 911 tỷ đồng, tương đương 14,64% so với cuối năm ngoái. Nguyên nhân là nợ nhóm 3 tăng gần 6 lần, từ 291,8 tỷ đồng lên 1.670 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu nội bảng của Vietcombank cuối tháng 6 là 7.134 tỷ đồng, tăng 14,6% so với đầu năm, mức tăng cao hơn so với tăng trưởng dư nợ cho vay. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của nhà băng này từ mức dưới 1% đã leo lên 1,03%. Mặc dù vậy, Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu lớn nhất, hơn 1,7 lần. Tức là nợ xấu còn thấp hơn số đã trích lập.
Sacombank, KienlongBank, MBank, VPBank... cũng là những ngân hàng có nợ nhóm 3, 4 leo dốc trong nửa đầu năm nay. Tại Sacombank, trong khi nợ nhóm 5 giảm mạnh đến hơn 164 tỷ đồng so với đầu năm, thì nợ nhóm 3 và nhóm 4 lại tăng lên gần 220 tỷ đồng, khiến tổng nợ xấu của Ngân hàng đạt con số hơn 5.702 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2019. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này ở mức 2,04%, giảm so với mức 2,2% hồi đầu năm, và nợ ngoại bảng tại VAMC cũng giảm khoảng hơn 2.100 tỷ đồng so với đầu năm.
Không chỉ tỷ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng, lượng nợ xấu tiềm ẩn của Sacombank cũng đi xuống trong 6 tháng đầu năm nay, thể hiện ở việc các khoản lãi, phí phải thu giảm gần 1.900 tỷ đồng và các khoản phải thu giảm gần 2.200 tỷ đồng. Dù vậy, hai khoản mục này vẫn ở mức cao, lần lượt là 21.561 tỷ đồng và 21.260 tỷ đồng, cho thấy việc xử lý nợ xấu vẫn là hành trình rất gian nan với Sacombank trong những năm tới.
Nợ nhóm 4 của MB cũng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay khi tăng 73% lên 1.379 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 19% lên 1.305 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ nhóm 5 giảm nhanh từ mức 962 tỷ đồng xuống còn 317 tỷ đồng. Do đó, nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của MB giảm từ 1,33% xuống còn 1,26%.
Tương tự, nợ nhóm 4 ở LienVietPostBank tăng tới 171% lên 634 tỷ đồng, trong khi nợ nhóm 3 giảm 47% xuống 264 tỷ đồng; nợ nhóm 5 tăng nhẹ 7% lên 1.009 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở ngân hàng này trong xu hướng tăng, từ mức 1,41% lên 1,48%.
Kết quả lợi nhuận ấn tượng được các nhà băng công bố nửa đầu năm nay cho thấy tình hình kinh doanh có sự cải thiện. Dù vậy, việc nợ xấu nhóm 3, 4 có xu hướng đi lên vẫn là vấn đề cần thận trọng dù trước mắt không quá lo ngại.
Theo khoản 3, Điều 1 Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 6 Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về việc phân chia các nhóm nợ, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) là các khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ mất vốn) bao gồm các khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) bao gồm các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày. Đồng thời, Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN và Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN quy định về trích lập dự phòng rủi ro đối với các ngân hàng như sau: Nhóm 3 trích lập 20%; nhóm 4 trích lập dự phòng 50% và 100% với nhóm 5.