Nợ công có thực sự yên tâm?

Đó là câu hỏi mà ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội muốn Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời trước Quốc hội, trước cử tri.
Nợ công có thực sự yên tâm?

Theo báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, ngân sách nhà nước tăng thu 17.120 tỷ đồng so với con số 846.400 tỷ đồng đã báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Nhưng số tiền tăng thu này, theo đề xuất của Bộ Tài chính, không dùng để giảm bội chi, tăng chi trả nợ. Điều này khiến nhiều thành viên có mặt tại phiên họp thứ 38  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII  băn khoăn trước “viễn cảnh” nợ công và bội chi tiếp tục tăng mạnh.

Nếu không sử dụng một phần số tiền tăng thu để trả nợ thì đến Kỳ họp thứ 9, Chính phủ phải trình Quốc hội cho phép giữ mức bội chi năm 2014 là 5,3% GDP; nợ công bằng 59,6% GDP, nợ chính phủ bằng 47,4% GDP, nợ nước ngoài bằng 40,3% GDP.

Con số nợ nần, bội chi kể trên mặc dù một lần nữa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “vẫn nằm trong giới hạn cho phép”, nhưng ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội vẫn tỏ ra không yên tâm.

“Vấn đề là khả năng trả nợ thế nào, vì theo thông lệ quốc tế, nợ nần bằng bao nhiêu GDP không quan trọng, mà quan trọng là số tiền trả nợ hàng năm không được vượt quá 25% tổng thu ngân sách”, ông Ksor Phước phát biểu đồng thời yêu cầu Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phải trả lời trước Quốc hội, trước cử tri rằng câu hỏi: Với khả năng thu - chi ngân sách như hiện nay, nợ công có thực sự yên tâm hay không?

Đưa con số ngân sách nhà nước thu hơn 314.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2015, nhưng mới chỉ bố trí 52.700 tỷ đồng để trả nợ (chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách), ông Dũng khẳng định chắc nịch rằng, nợ công vẫn an toàn.

“Chúng tôi đã sử dụng phần mềm máy tính đặc biệt để chạy chương trình vay - trả nợ, trong đó tính cả khoản vay để đầu tư vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (nếu được Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư), thì đến năm 2020, nợ công của nước ta chỉ chiếm 18 - 20% tổng thu”, người đứng đầu ngành tài chính tự tin.

Ông Dũng cho biết thêm, số tiền trả nợ không tính tới số tiền mà ngân sách phải huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ hàng năm để đảo nợ. Chỉ tính năm 2015, số tiền đảo nợ sẽ lên tới 135.000 tỷ đồng.

“Vài năm gần đây, ngân sách buộc phải vay để trả nợ, do trước đây vốn đầu tư căng thẳng, ngân sách phải huy động trái phiếu chính phủ với thời hạn ngắn, lãi suất cao, bây giờ đã đến thời điểm trả nợ nên phải huy động để trả nợ. Nhưng toàn bộ số tiền đảo nợ qua phát hành trái phiếu chính phủ đều có thời hạn dài, lãi suất thấp.

Trong 4 tháng đầu năm, ngân sách huy động gần 64.516 tỷ đồng, nhưng toàn bộ số tiền vay mới đều có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Trong đó, khối lượng trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 10  năm và 15 năm chiếm tới 34% với lãi suất khá hấp dẫn.

Phát hành thêm trái phiếu chính phủ mới để trả nợ cũ không chỉ giảm áp lực trả nợ từ ngân sách, mà còn cơ cấu được nợ vay theo hướng hiệu quả hơn”, ông Dũng trấn an.

Không quá lo ngại về nợ công và bội chi, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại băn khoăn vì bội chi tính theo hiện nay chỉ tương đương 5,3% GDP, khi Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi có hiệu lực, bội chi tính theo cách mới thì bội chi sẽ lên ít nhất 6,6% GDP.

“Nhưng nếu tính đúng, tính đủ thì bội chi phải lên ít nhất 7% GDP. Làm thế nào để đưa bội chi về mức dưới 5% GDP”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn.

Vay mới để trả nợ cũ, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng cần phải tính toán, cân nhắc trong từng điều kiện cụ thể.

“Nếu Bộ Tài chính vay dài hạn, lãi suất thấp để trả khoản nợ vay ngắn hạn, lãi suất cao trước đây thì được; còn nếu mà vay ngắn hạn trả nợ ngắn hạn thì ngân sách chẳng được gì ngoài việc mất thêm tiền để trả nợ lãi, đó là chưa kể việc vay nợ mới với lãi suất cao trả khoản vay có lãi suất thấp trước đây”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.

Mạnh Bôn
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục