“Nợ công có thể lên tới 4,2 triệu tỷ đồng vào năm 2020“

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ về việc nền kinh tế đang chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện, song các đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ những nút thắt cần tháo gỡ để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

Kinh tế đang chuyển biến tích cực

Có rất nhiều cụm từ đã được các đại biểu Quốc hội dùng để nói về các thành tựu kinh tế - xã hội năm 2017, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2017, kế hoạch 2018 trên nghị trường Quốc hội vào hôm qua (31/10), từ “ấn tượng” đến “điểm sáng” và cả “niềm vui”.

“Nợ công có thể lên tới 4,2 triệu tỷ đồng vào năm 2020“ ảnh 1

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2017, kế hoạch 2018 tại hội trường ngày 31/10. Ảnh: Đức Thanh. 

Đa phần các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ, với nhận định rằng, kinh tế đang chuyển biến tích cực, đạt được những “kết quả quan trọng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực”.

Đặc biệt, việc sau nhiều năm, cả 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó một trong những chỉ tiêu khó là tăng trưởng GDP đều có thể đạt và vượt mục tiêu đề ra, có thể coi là một thành công lớn, ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội.

Nhưng theo các đại biểu Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho đến giờ này vẫn là một thách thức lớn.

Lý do được các đại biểu nhấn mạnh là dư địa tăng trưởng không còn nhiều, trong khi đó, nền kinh tế đang phải đối mặt với các khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề thiên tai.

Đây là một nỗi lo lớn, nên mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La) đã ngay lập tức nhấn mạnh, cần xây dựng các phương án và chuẩn bị nguồn lực để có giải pháp ứng phó trước các diễn biến phức tạp của thời tiết.

“Cùng với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phải có các giải pháp phòng chống thiên tai, bởi chỉ một cơn lũ lụt có thể cuốn phăng đi các thành tựu kinh tế - xã hội mà chúng ta đã rất nỗ lực để đạt được”, đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh nói và nhấn mạnh tới những thiệt hại nặng nề mà người dân vùng núi phía Bắc, cũng như các tỉnh miền Trung vừa phải gánh chịu sau cơn lũ vừa qua.

Làm rõ các thiệt hại của trận lũ này với kinh tế - xã hội đất nước cũng là một yêu cầu mà các đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Chính phủ. “Lĩnh vực nông nghiệp rõ ràng là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, khi xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, phải tính tới các yếu tố bền vững”, đại biểu Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa) nói.

Không chỉ vậy, chuyện giải ngân vốn đầu tư tiếp tục là nỗi lo của các đại biểu Quốc hội. “Phải cẩn thận với tình trạng những tháng cuối năm, các nơi vì sức ép giải giân vốn đầu tư để tránh bị cắt, điều chuyển vốn mà dễ dãi với một số thủ tục đầu tư cần thiết, bởi như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư công”, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) nói.

Gỡ nút thắt cho nền kinh tế

Việc nợ công, nợ xấu, kỷ luật tài chính còn có vấn đề, không nằm ngoài dự đoán, vẫn là chủ đề “nóng” trên nghị trường Quốc hội. Làm sao để gỡ các nút thắt này của nền kinh tế tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thẳng thắn thảo luận, mổ xẻ.

“Nợ công có thể lên tới 4,2 triệu tỷ đồng vào năm 2020“ ảnh 2

Nợ công năm 2017 vào khoảng 3,13 triệu tỷ đồng

“Chính Chính phủ đã nhìn thấy các những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, khi mà nợ công còn cao, ICOR còn lớn, thu ngân sách còn thấp so với kỳ vọng, nợ xấu còn chậm được xử lý”, đại biểu Ngô Sách Thực thẳng thắn.

Thực tế, khi báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này. Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công năm 2017 vào khoảng 3,13 triệu tỷ đồng. Cũng theo thống kê, 5 năm trở lại đây, nợ công tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng mỗi năm.

“Nợ công đã lên sát trần, có thể tới khoảng 4,2 triệu tỷ đồng vào năm 2020. Trong bối cảnh đó, mỗi năm chúng ta phải trả lãi hơn 100.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư trả nợ, đều phải vay đảo nợ để trả, như thế là nợ chồng lên nợ”, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nói.

Cũng theo vị đại biểu này, điều đáng lo là, trong bối cảnh ấy, vốn vay lại chưa được sử dụng hiệu quả, qua thanh tra phát hiện nhiều khoản chi sai, công trình kéo dài chậm đưa vào sửa dụng. “Kỷ luật tài khóa là chưa nghiêm”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm, một số đại biểu bày tỏ lo ngại rằng, tăng trưởng kinh tế tăng vọt trong thời gian ngắn hạn, nhưng ít dựa vào cơ cấu và mô hình tăng trưởng mà chúng ta đang chuyển đổi, nên về thực chất, “căn bệnh thâm niên” của nền kinh tế chưa được khắc phục.

Tình hình tham nhũng và 12 dự án thua lỗ cũng “góp phần” kéo theo thâm hụt cân đối thu - chi để lại gánh nặng cho nền kinh tế.

Thu không đủ chi khiến ngành thuế áp dụng nhiều biện pháp để tăng thu. Nhưng người dân và doanh nghiệp Việt Nam đang chịu gánh nặng thuế, phí quá lớn.

- Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh)   

Chuyện ngân sách đang phải gồng gánh cho chi thường xuyên quá lớn cũng đã được đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhấn mạnh.

Chi thường xuyên lớn khiến bội chi ngân sách tăng cao, trong khi đầu tư cơ bản thì hiệu quả chưa thật cao. Do vậy, theo các đại biểu Quốc hội, cần phải khống chế bội chi, tiết giảm chi phí, nhất là chi thường xuyên.

Trong khi đó, đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) bày tỏ mối lo ngại trước thực trạng nợ công tăng cao, thâm hụt ngân sách vẫn còn lớn, trong khi thu ngân sách chưa đạt kỳ vọng. “Thu không đủ chi khiến ngành thuế áp dụng nhiều biện pháp để tăng thu. Nhưng người dân và doanh nghiệp Việt Nam đang chịu gánh nặng thuế, phí quá lớn.

Bởi thế, nên chăng xem xét lại để chuyển hướng sang thực hiện các giải pháp dưỡng thu, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tăng thu”, đại biểu Lê Minh Chuẩn nói.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục