Nợ có khả năng mất vốn còn chiếm tỷ trọng cao

Mặc dù đã phần nào kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu, nhất là khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/8, nhưng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) phải trích lập dự phòng 100% của nhiều nhà băng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng nợ xấu.  

Nợ xấu được kiểm soát

Ngân hàng Bắc Á (BacA Bank) cho biết, tính đến cuối tháng 9/2017, ngân hàng này có tổng số nợ xấu là 356 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,68% trên tổng dư nợ, giảm so với mức 0,8% tại thời điểm đầu năm 2017.

BacA Bank được xem là ngân hàng duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.

Nợ có khả năng mất vốn còn chiếm tỷ trọng cao ảnh 1

 Nghị quyết 42 đi vào thực tế đã tạo điều kiện cho ngân hàng trong việc “siết” nợ và bán tài sản đảm bảo. 

Vietcombank cũng cho hay, tính đến cuối quý III/2017, vay khách hàng đạt 536.000 tỷ đồng, dư nợ tăng 16%. Trong khi, tổng nợ xấu của Ngân hàng là 6.182 tỷ đồng, giảm 10,8% so với thời điểm cuối năm trước.

Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank được kiểm soát ở mức 1,15% tính đến hết tháng 9/2017. Tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank cũng được kiểm soát ở mức thấp 0,86% tính đến cuối tháng 9/2017...

Sở dĩ nợ xấu tại nhiều ngân hàng được kiểm soát ở mức thấp hơn so với 2 quý trước, theo lãnh đạo các nhà băng, một phần do bất động sản ấm lên, tạo thanh khoản tốt cho thị trường, nên việc phát mãi tài sản cũng được cải thiện.

Mặt khác, Nghị quyết 42 đi vào thực tế đã tạo điều kiện cho ngân hàng trong việc “siết” nợ và bán tài sản đảm bảo.  

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM cho biết, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực đã tạo điều kiện tích cực cho các ngân hàng xử lý nợ xấu, nhất là ở những nhà băng có nợ xấu cao, qua đó cho phép dần hình thành thị trường mua - bán nợ theo cơ chế thị trường.

Nợ nhóm 5 khó giảm

Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp trong 3 quý đầu năm nay.

Đơn cử, tại Ngân hàng ABBank, tính đến hết quý III/2017, cho vay khách hàng đạt 44.200 tỷ đồng, tăng 11,3%, nhưng tổng nợ xấu của ABBank tính đến thời điểm trên là 1.307 tỷ đồng, tăng 28% so với thời điểm đầu năm.

Quá trình xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu của ngân hàng thời gian qua quá gian nan, phải thông qua tòa án kéo dài đến gần chục năm, nhưng chưa hẳn đã xử lý xong.   

- Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm 71% với 927 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,95%, tăng so với mức 2,56% đầu năm 2017.

Tại Ngân hàng Saigonbank, tính đến cuối tháng 9/2017, cho vay đạt 13.400 tỷ đồng, tăng 7,2%, nhưng tổng nợ xấu của Saigonbank tính đến cuối tháng 9/2017 đạt 368 tỷ đồng, chiếm 2,74% tổng dư nợ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, quá trình xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu của ngân hàng thời gian qua quá gian nan, phải thông qua tòa án kéo dài đến gần chục năm, nhưng chưa hẳn đã xử lý xong.

Đó cũng là một trong những lý do khiến nợ có khả năng mất vốn tăng, vì khi khoản vay rơi vào nợ xấu, ngân hàng không thể xử lý.

Mặc dù vậy, kể từ khi Nghị quyết 42 được ban hành, ngân hàng đã có sự chủ động hơn trong việc phát mãi, thu hồi nợ xấu.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục