Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao tổ chức khai thác, xử lý tài sản công thu đúng, thu đủ số tiền từ khai thác, xử lý tài sản công và nộp kịp thời số tiền này vào tài khoản tạm giữ do Sở Tài chính làm chủ tài khoản theo quy định.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao tổ chức khai thác, xử lý tài sản công không được giữ lại số tiền thu từ khai thác, xử lý tài sản công để sử dụng.
Trường hợp tổ chức, cá nhân mua, thuê, nhận chuyển nhượng tài sản, quyền khai thác tài sản không thanh toán đầy đủ tiền theo thời hạn quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao tổ chức khai thác, xử lý tài sản có văn bản kèm hồ sơ có liên quan gửi cơ quan thuế để xử lý theo quy định.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Ninh Thuận giao Sở Tài chính, cơ quan được giao làm chủ tài khoản tạm giữ để quản lý các khoản thu từ xử lý, khai thác tài sản công đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao tổ chức xử lý, khai thác tài sản công nộp tiền xử lý, khai thác tài sản công vào tài khoản tạm giữ theo đúng quy định; quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích số tiền đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị nộp vào tài khoản tạm giữ; chi trả kịp thời, đúng quy định các khoản chi phí liên quan đến việc xử lý, khai thác tài sản công.
Ngoài việc chi trả các khoản chi phí liên quan đến việc khai thác, xử lý tài sản công, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác (kể cả ứng/tạm ứng).
Sở Tài chính có trách nhiệm đôn đốc nộp ngân sách nhà nước đúng thời hạn số tiền còn lại sau khi trừ đi các chi phí (nếu có) và những khoản thu đã quá thời hạn đề nghị thanh toán chi phí mà đơn vị không gửi hồ sơ đề nghị thanh toán; thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài khoản tạm giữ từ ngày 1/8/2018 đến 31/8/2022, gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý Công sản) theo đúng thời gian yêu cầu; tổng hợp các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.