Ninh Thuận yêu cầu kiểm tra phản ánh của Báo Đầu tư về điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu kiểm tra phản ánh của Báo Đầu tư về các dự án điện mặt trời trong vùng bán ngập hồ thủy lợi.
Dự án Nhà máy thủy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ của Công ty Trường Thành. Ảnh: Linh Đan Dự án Nhà máy thủy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ của Công ty Trường Thành. Ảnh: Linh Đan

Ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ký văn bản số 4186, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận (chủ hồ thủy lợi) và các đơn vị liên quan kiểm tra nội dung phản ánh của Báo Đầu tư về đầu tư điện mặt trời trên vùng bán ngập hồ thủy lợi. Kết quả báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 23/8/2021.

UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo kiểm tra phản ánh của Báo Đầu tư về các dự án điện năng lượng mặt trời trong vùng bán ngập hồ thủy lợi. Ảnh: Nhiệt Băng chụp lại
UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo kiểm tra phản ánh của Báo Đầu tư về các dự án điện năng lượng mặt trời trong vùng bán ngập hồ thủy lợi. Ảnh: Nhiệt Băng chụp lại

Trước đó, trả lời phóng viên Báo Đầu tư vào ngày 11/8, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án điện mặt trời hồ Bầu Zôn và Bầu Ngứ thực hiện các biện pháp xử lý, nâng cao trình tấm pin theo đúng quy định.

“UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn chủ đầu tư các thủ tục để hoàn thiện việc cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định; đồng thời chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư các dự án lập quy chế phối hợp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi”, UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (chủ các hồ thủy lợi Bầu Zôn, Bầu Ngứ…), đến nay, các chủ đầu tư và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã hoàn thiện, ký kết quy chế phối hợp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi để có cơ sở thực hiện nhằm đảm bảo an toàn, vận hành cho công trình.

Đối với các vấn đề tồn tại về cao trình tấm pin, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Chủ đầu tư dự án điện mặt trời Bầu Ngứ đã thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành để tổ chức đánh giá và đề xuất các giải pháp để xử lý các vấn đề tồn tại về cao trình tấm pin. Ngày 29/6/2021, chủ đầu tư điện mặt trời hồ Bầu Ngứ có văn bản gửi các đơn vị liên quan để lấy ý kiến về giải pháp khắc phục cao trình lắp đặt tấm pin. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra các giải pháp theo quy định, các điều kiện đảm bảo an toàn, vận hành công trình và thống nhất giải pháp khắc phục, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương tổ chức thực hiện việc khắc phục hoàn thành trước tháng 9/2021”.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, việc thực hiện có phần chậm do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 và thực hiện việc giãn cách xã hội. Riêng đối với điện mặt trời trong lòng hồ Bầu Zôn, cao trình lắp đặt tấm pin đã đảm bảo theo quy định. “Hiện nay, các chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện trình hồ sơ cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, đảm bảo chặt chẽ, an toàn đối với việc quản lý vận hành, công trình thủy lợi”, UBND tỉnh Ninh Thuận phản hồi đến phóng viên Báo Đầu tư.

Trước đó, Báo Đầu tư ngày 11/8 đăng bài “Cơn lốc” điện mặt trời quét qua, quy hoạch đất đai bị phá nát - Bài 2: “Xẻ thịt” hồ thủy lợi", phản ánh về việc, sau khi dự án Nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ (do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành làm chủ đầu tư) “ngoi” lên, thì người dân các xã Phước Nam và Phước Dinh (huyện Thuận Nam) ta thán cảnh gia súc (bò, dê, cừu) bị “chặn đường” xuống hồ uống nước.

Đặc biệt, bài báo phản ánh, việc cấp phép hoạt động dự án khi “đụng” đến hồ chứa nước Bầu Ngứ đã ngốn không ít “giấy mực” hướng dẫn từ Tổng cục Thủy lợi. Theo cơ quan này, trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, các hoạt động phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 44, Luật Thủy lợi và Nghị định số 67.

Theo Tổng cục Thủy lợi, hoạt động xây dựng dự án điện mặt trời trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi là hoạt động phải có giấy phép theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 44, Luật Thủy lợi và khoản 1, Điều 13, Nghị định số 67.

“Hoạt động vận hành nhà máy phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình thủy lợi, bảo vệ chất lượng nước hồ. Trong quá trình vận hành nhà máy mà có các hoạt động phải có giấy phép theo quy định tại Điều 44 Luật Thủy lợi thì đơn vị vận hành nhà máy điện mặt trời phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép trước khi tiến hành hoạt động (ví dụ: hoạt động của phương tiện thủy nội địa, phương tiện cơ giới, trừ xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện thủy nội địa thô sơ)…”, Tổng cục Thủy lợi hướng dẫn.

Ngoài ra, đất có mặt nước chuyên dùng là hồ chứa thủy lợi được sử dụng kết hợp cho các mục đích khác, nhưng không được san lấp, tôn nền, thay đổi mục đích sử dụng đất trong lòng hồ làm ảnh hưởng đến các đặc trưng kỹ thuật, làm thay đổi quy mô, nhiệm vụ thiết kế của hồ chứa thủy lợi.

Sau nhiều lần được Tổng cục Thủy lợi ra các văn bản khác nhau, các cơ quan quản lý, chủ hồ chứa Bầu Ngứ mới “mạnh dạn” chỉ rõ vi phạm của doanh nghiệp. Theo chủ hồ chứa nước Bầu Ngứ tại văn bản số 496 (ngày 30/11/2020), gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận thì các dự án điện năng lượng mặt trời đã xây dựng trong phạm vi diện tích lòng hồ gồm hồ Bầu Zôn (huyện Ninh Phước), hồ Bầu Ngứ (huyện Thuận Nam)…

Đến nay (tháng 11/2020), các chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện thủ tục cấp phép theo Nghị định số 67 (ngày 14/5/2018) và thực hiện đúng Công văn số 1118 (ngày 30/6/2020) của Tổng cục Thủy lợi về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng và khai thác dự án điện mặt trời trong phạm vi bảo vệ hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Công ty Trường Thành xây dựng tường rào, théo gai "quây bao" vùng bán ngập lòng hồ thủy lợi Bầu Ngứ, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Ảnh: Linh Đan
Công ty Trường Thành xây dựng tường rào, théo gai "quây bao" vùng bán ngập lòng hồ thủy lợi Bầu Ngứ, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Ảnh: Linh Đan

Chủ hồ chứa nước Bầu Ngứ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến để UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo cho công tác vận hành an toàn các hồ chứa.

Thực tế này cho thấy, ngay từ đầu, các chủ đầu tư đã phớt lờ các quy định của pháp luật về thủy lợi. Trong khi dự án Nhà máy điện mặt trời Bầu Ngứ khởi công xây dựng từ tháng 3/2018.

Ngày 25/2/2021, chủ hồ chứa nước Bầu Ngứ tiếp tục ban hành văn bản số 54, yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành rà soát, kiểm tra hiện trạng cao trình lắp đặt tấm pin chưa được yêu cầu theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy lợi tại văn bản số 1188 (ngày 30/6/2020).

Theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy lợi thì cao trình lắp đặt tấm pin phải cao hơn mực nước lũ kiểm tra lớn nhất của hồ chứa (đối với hồ Bầu Ngứ là +53,33m) và thêm độ vượt cao an toàn có tính đến tác động của sóng leo theo QCVN 04-05:2012/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia - Công trình thủy lợi - Các quy định chủ yếu về thiết kế. Trong khi trước đó, cao trình lắp đặt tấm pin mặt trời mà Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành thực hiện trước đó chỉ + 52,00m.

“Trên cơ sở rà soát, kiểm tra có các biện pháp gia cố, nâng cao cao trình tấm pin để đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa, tiêu thoát lũ”, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận yêu cầu.

Đến ngày 16/3/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đề nghị chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ thuê đơn vị tư vấn có chuyên ngành phù hợp thực hiện công tác khảo sát, đánh giá lại hiện trạng ngập và cao trình tấm pin hiện hữu. Trên cơ sở đánh giá, chủ đầu tư có đề xuất giải pháp phù hợp (như nâng cao trình tấm pin, tháo dỡ, di dời một số tấm pin để đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa, tiêu thoát lũ và các vấn đề an toàn điện, cháy nổ…).

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nay, Công ty Trường Thành vẫn đang khắc phục các tồn tại theo hướng dẫn.

“Chúng tôi đã nhận được hồ sơ thuyết minh do công ty này gửi lên. Họ thuê tư vấn để làm, đánh giá xem trong phạm vi lòng hồ chiếm bao nhiêu tấm pin, chiếm diện tích bao nhiêu, để đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã thẩm định hồ sơ thuyết minh, còn kết quả thực hiện bao giờ xong thì chưa kiểm tra, cập nhật”, ông Cương cho hay.

Nhiệt Băng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục