Ninh Thuận, thị trường mới nổi hút nhà đầu tư

(ĐTCK) Là "vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á" cùng với nhiều lợi thế như sở hữu quỹ đất sạch lớn, du lịch phát triển và thị trường còn sơ khai, Ninh Thuận đang được đánh giá là thị trường mới nổi có nhiều tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.
Với nhiều lợi thế sẵn có, Ninh Thuận đang là điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư

Đánh thức tiềm năng

Ninh Thuận không chỉ là vùng đất của nắng, của gió với nhiều đặc sản nổi tiếng mang đậm tính chất địa phương, mà vùng đất này còn được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” đang dần được đánh thức nhờ sở hữu nhiều ưu ái từ thiên nhiên.

Nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, Ninh Thuận sở hữu bờ biển dài 105 km với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Ninh Chữ - Bình Sơn, Cà Ná, Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy, Vườn quốc gia Núi Chúa, Phước Bình... Dọc bờ biển từ An Hải đến Mũi Dinh có rất nhiều đồi cát rộng, đẹp sát biển, nổi bật là đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh có quy mô lớn.

Ngoài ra, Ninh Thuận còn sở hữu nhiều công trình cổ như Tháp Po Klong Grai - tháp Chăm với kiến trúc độc đáo duy nhất còn sót lại ở Việt Nam, nhiều làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm và làm đồ gốm. Chính vì vậy, nhờ sở hữu nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp không khói, Ninh Thuận được nhiều nhà đầu tư đánh giá là “mỏ vàng” trong phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, cùng với phát triển năng lượng sạch, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong nhiều năm tới. Với mục tiêu này, Ninh Thuận đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ngoài ra, Ninh Thuận còn có chính sách ưu tiên kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế… theo hướng xanh và bền vững.

Nhiều dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có “mặt tiền biển” đã được triển khai
“Việc phát triển du lịch theo định hướng giữ gìn nét mộc mạc và hoang sơ của Ninh Thuận là cơ sở để chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư”, ông Vĩnh nhấn mạnh.

Bên cạnh những lợi thế sẵn có và những chính sách ưu đãi nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng kết nối vùng và các tỉnh, thành phố trong khu vực của Ninh Thuận cơ bản đã hoàn thiện. Đơn cử, tháng 12/2009, sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đã chính thức trở thành cảng hàng không quốc tế. Nắm bắt cơ hội, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai dự án đường ven biển dài 116 km từ Bình Tiên đến Cà Ná. Ngoài ra, dự án nâng cấp đường quốc lộ 1 kết nối từ Sân bay Cam Ranh đến TP. Phan Rang - Tháp Chàm cũng đang được triển khai.

Chưa kể, về lâu dài khi tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ TP.HCM đi Nha Trang hoàn thành, giúp Ninh Thuận kết nối tốt hơn với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Trung.

Nhưng không ít thách thức

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, từ năm 2000 đến nay, Ninh Thuận đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho lượng lớn doanh nghiệp triển khai các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn. Có thể kể đến dự án Resort Spa nho; dự án du lịch Bãi Thùng; dự án khu du lịch Bình Tiên; dự án Khu du lịch sinh thái Resort Ganesa Ninh Thuận - Khu biệt thự nhà vườn và dự án khu đô thị mới Đông Bắc với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hàng chục dự án triển khai không bảo đảm tiến độ so với cam kết, một số dự án vẫn còn nằm trên giấy. Đặc biệt, Dự án Khu du lịch Bình Tiên do Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Tiên làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 8/2005 với tổng vốn đầu tư 2.579 tỷ đồng, tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đang bất động.

Mặc dù cơ quan quản lý của tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại và tích cực tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, nhưng kết quả không như mong muốn.

Anh Phước, giám đốc của một sàn môi giới tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm cho rằng, sở dĩ thời gian qua Ninh Thuận chưa hấp dẫn nhiều nhà đầu tư bởi chưa có những “con sếu lớn” về đây tạo cú huých phát triển vùng đất này.

Dù là địa phương nằm chính giữa của “tam giác du lịch”, nhưng địa phương này cũng đang gặp phải một thách thức không nhỏ, đó là cơ sở hạ tầng còn ít, cơ sở lưu trú chưa đủ cao cấp để giữ chân khách du lịch ở lại với những điểm đến nổi tiếng.

“Chưa có các nhà đầu tư lớn đứng chân nên nhiều chủ đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cỡ vừa cũng thiếu mặn mà dốc vốn liếng, tiềm lực vào các dự án đã đăng ký đầu tư”, anh Phước nhận xét.

Trở lại cuộc chơi

Mặc dù gặp không ít thách thức, nhưng thực tế cho thấy, quy luật phát triển bất động sản nghỉ dưỡng vẫn nghiêng về địa phương có “mặt tiền ven biển”. Chưa kể, tương lai Ninh Thuận sẽ liền kề với đô thị loại I là TP. Phan Thiết (Bình Thuận) - “thủ đô resort” của Việt Nam. Xu hướng kết nối đô thị, hạ tầng liên vùng hoàn thiện và sự sẵn sàng của các nhà đầu tư lớn  hội tụ những lợi thế giúp cho Ninh Thuận sớm trở lại cuộc chơi vốn đã được manh nha từ nhiều năm trước.

Mới đây, Ninh Thuận đã thu hút và triển khai thành công nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng. Giới phân tích cho rằng, đây là sự phát triển tất yếu của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh lượng khách đến với Ninh Thuận ngày càng đông, kéo theo nhu cầu nhà ở và nghỉ dưỡng ngày một tăng, cộng với quỹ đất phát triển dự án của những địa phương lân cận như Bình Thuận, Đà Lạt hay Khánh Hòa dần khan hiếm đã khiến Ninh Thuận trở thành địa chỉ lý tưởng cho nhà đầu tư đổ về săn đất.

Đặc biệt, trong quý I/2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án du lịch nghỉ dưỡng, tổ hợp khách sạn, căn hộ du lịch với tổng vốn hơn 5.550 tỷ đồng.

Đó là Dự án Tổ hợp khách sạn khu thương mại, căn hộ du lịch Dubai Tower tại phường Mỹ Hải (TP.Phan Rang - Tháp Chàm) do Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Dubai làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.009 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận của Công ty TNHH Đầu tư - Phát triển Royal Ninh Thuận tại xã Phước Diên (huyện Thuận Nam) với vốn đăng ký đầu tư là 2.000 tỷ đồng; Dự án Khu resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế 5 sao kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực do Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký đầu tư 550 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ninh Thuận cũng đang triển khai 2 dự án trọng điểm phát triển hạ tầng đô thị song song với phát triển kinh tế gồm Khu đô thị mới Đông Bắc (Khu K1) và Khu đô thị biển Bình Sơn Ninh Chữ. Những dự án này khá đa dạng, bao gồm nhiều sản phẩm bất động sản từ đất nền đô thị, khu phức hợp văn phòng, khách sạn, khu thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng.

Sự xuất hiện của các ông lớn bất động sản đổ bộ vào Ninh Thuận cũng thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân.

Theo một số sàn môi giới, thanh khoản thị trường địa ốc Ninh Thuận trong thời gian gần đây diễn ra khá sôi động. Khách hàng chủ yếu quan tâm đến phân khúc đất nền dự án ven biển. Giá đất cũng tăng mạnh, dao động trung bình ở mức 20 - 25 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

“Tại TP. Cam Ranh, Nha Trang hay Phan Thiết, quỹ đất đã hạn hẹp, giá cũng khá cao nên các nhà đầu tư có xu hướng tìm về Ninh Thuận để săn đất. Dọc bờ biển, một số doanh nghiệp địa ốc đã bắt đầu xây dựng resort, condotel, chung cư cao tầng... kéo theo giá đất ven biển tăng lên và dòng tiền bắt đầu đổ về”, anh Phước nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Tín
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục