Ninh Thuận có 60 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực

Đến cuối tháng 9/2024, Ninh Thuận hiện có 34 mỏ khoáng sản đang khai thác; còn lại có đến 10 mỏ tạm dừng khai thác, 9 mỏ chưa khai thác…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 30/9/2024, tỉnh có 60 giấy phép khai thác khoáng sản còn có hiệu lực, bao gồm 7 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

Tuy nhiên, số lượng mỏ khoáng sản đang khai thác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 34 mỏ, bao gồm 15 mỏ đá xây dựng (trên tổng số 28 mỏ), 7 mỏ cát xây dựng (tổng số 7 mỏ). Còn lại, 10 mỏ đang tạm dừng khai thác; 9 mỏ chưa khai thác; 4 mỏ dừng khai thác; 2 mỏ đang thu hồi; 1 mỏ đang xây dựng cơ bản.

Đối với mỏ khoáng sản là vật liệu san lấp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận thông tin, địa phương hiện có 3 mỏ không bị giới hạn về địa chỉ tiêu thụ khoáng sản (tiêu thụ trong và ngoài tỉnh) đang khai thác, 1 mỏ chưa khai thác.

Nhiều dự án, công trình tại Ninh Thuận đang có nhu cầu vật liệu san lấp với khối lượng lớn. Ảnh minh họa.

Nhiều dự án, công trình tại Ninh Thuận đang có nhu cầu vật liệu san lấp với khối lượng lớn. Ảnh minh họa.

Các mỏ đang khai thác gồm mỏ đất san lấp Nam núi Mavieck của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Sớm (công suất khai thác 27.600 m3/ năm); mỏ đất san lấp Núi Nai của Công ty cổ phần Gia Việt (công suất khai thác 400.000 m3/ năm); mỏ trong diện tích mặt bằng thuộc Dự án Đầu tư khai thác mỏ đá granite ốp lát tại khu vực Tây Bắc núi Mavieck của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng khai thác khoáng sản Ninh Thuận (công suất khai thác 84.000 m3/ năm).

Đối với các mỏ bị giới hạn địa chỉ tiêu thụ (phục vụ các dự án, công trình đầu tư công), Ninh Thuận hiện có 3 mỏ đang khai thác với tổng công suất 292.000 m3/ năm; trong khi đó 4 mỏ còn lại chưa khai thác, tạm dừng khai thác có tổng công suất lên đến 1.350.000 m3/năm (như mỏ đất san lấp Sô Ngang 1 của Công ty TNHH MTV Khai thác và Xây dựng 737 đang dừng khai thác có công suất 400.000 m3/ năm, mỏ đất san lấp Hoài Trung của Công ty TNHH ĐT-TM-DV Đại Phú Thịnh Ninh Thuận chưa khai thác có công suất 650.000 m3/ năm).

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận đề cập, có 2 giấy phép khoáng sản UBND tỉnh cấp cho doanh nghiệp đăng ký thu hồi từ dự án nạo vét luồng lạch đang thu hồi gồm Dự án Nạo vét và gia cố hai bên bờ sông tại khu vực Sông Cái của Công ty cổ phần khai thác khoáng sản Sông Cái (cát xây dựng) và Dự án nạo vét cảng cá Đông Hải của Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng Phương Thảo Nguyên (cát nhiễm mặn, đất bùn dùng để san lấp).

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết, một số mỏ doanh nghiệp chưa khai thác là do đang vướng các thủ tục pháp lý, trong đó có liên quan đến thỏa thuận về đất đai với người dân; một số mỏ tạm dừng khai thác vì doanh nghiệp không có đầu ra sản phẩm…

Đối với mỏ titan tạm dừng khai thác (như mỏ sa khoáng titan của Công ty cổ phần khoáng sản Sài Gòn - Ninh Thuận có trữ lượng 3.929.464 tấn KVN), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận đề cập do liên quan đến chủ trương của tỉnh theo Nghị quyết số 105 về dừng chuyển đổi loại hình.

Do vậy, doanh nghiệp muốn tổ chức khai thác trở lại phải xin ý kiến của Tỉnh ủy. Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có báo cáo, đang chờ chủ trương của Tỉnh ủy; khi có chủ trương thì các doanh nghiệp có thể khai thác trở lại.

Đối với phản ánh của các doanh nghiệp liên quan đến vật liệu san lấp phục vụ cho các dự án (như tại Dự án Khu đô thị mới Bờ Sông Dinh), đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận thông tin, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đang rà soát, tổng hợp lại các khu vực đấu giá mỏ khoáng sản để đưa ra đấu giá nhằm cung cấp vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh.

“Sở đang lấy ý kiến của sở, ngành liên quan đến khoảng 11 đến 12 mỏ, do các mỏ này đang chồng lấn quy hoạch các ngành khác (chưa rõ số lượng) trước khi đưa ra đấu giá”, đại diện Sở này cho hay.

Nguyễn Toàn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục