“Nín thở” chờ kết quả quý I của công ty chứng khoán

(ĐTCK) Khó khăn bủa vây thị trường chứng khoán do chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng kết quả kinh doanh quý I/2020 của các công ty chứng khoán dự kiến không quá tệ.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

“Vẫn sống được”. Ðó là lời của tổng giám đốc một công ty chứng khoán (CTCK) đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM khi chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường chứng khoán đang phải hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS) thì chia sẻ, chịu tác động của đại dịch, nhưng MBS vẫn duy trì hoạt động ổn định. Quý I/2020, Công ty vẫn có lãi, nhưng con số thấp hơn so với cùng kỳ.

Theo Tổng cục Thống kế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011 - 2020. Ðối với thị trường chứng khoán, tính đến cuối tháng 3/2020, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 662 điểm, giảm 25% so với cuối tháng 2 và giảm 31% so với cuối năm 2019.

Hiện chưa CTCK nào chia sẻ con số về kết quả quý I, nhưng theo lãnh đạo một số công ty, có 4 yếu tố giúp lợi nhuận trong quý I/2020 của khối doanh nghiệp này sẽ không quá tệ so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 3, giá trị giao dịch trên thị trường cơ sở và phái sinh tăng 24% và 28%.   

Thứ nhất, chỉ số chứng khoán giảm mạnh, nhưng thanh khoản trên thị trường cơ sở lẫn thị trường phái sinh vẫn khả quan. Trong tháng 3, giá trị giao dịch bình đạt 5.608 tỷ đồng/phiên trên thị trường cơ sở và 168.829 hợp đồng/phiên trên thị trường phái sinh, lần lượt tăng 24% và 28% so với tháng 2, giúp doanh thu môi giới quý đầu năm không giảm nhiều.

Thứ hai, như thông lệ hàng năm, quý I/2020 là thời gian nghỉ Tết kéo dài, cộng với tâm lý nghỉ ngơi của nhà đầu tư, nên vốn dĩ lợi nhuận quý này thường thấp hơn so với các quý khác.

Thứ ba, tỷ lệ vốn phân bổ cho hoạt động tự doanh của các CTCK nhìn chung giảm mạnh so với trước, thay vào đó là tập trung nhiều hơn vào các mảng cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Ðiều này giúp cho doanh thu và lợi nhuận của các CTCK ít bị ảnh hưởng lớn khi thị trường rơi vào tình cảnh suy giảm mạnh.

Thứ tư, cách thức quản lý cho vay giao dịch ký quỹ (margin) - yếu tố tác động lớn đến doanh thu và lợi nhuận của các CTCK hiện nay có sự thay đổi theo hướng chặt chẽ và ít rủi ro hơn. Ðiều này, theo phó chủ tịch hội đồng quản trị một CTCK, cho phép các công ty có khả năng thu hồi vốn cao hơn, chứ không còn đối mặt với rủi ro mất vốn như trước.

“Hiện tại, các mảng hoạt động của công ty về cơ bản được duy trì, ngoại trừ doanh số cho vay margin giảm mạnh. Margin giảm trong chừng mực nào đó là mừng, vì đó là hành động cần thiết của nhà đầu tư để bảo vệ chính họ trong lúc thị trường biến động khó lường. Nhà đầu tư có an toàn thì CTCK mới ổn”, tổng giám đốc một CTCK chia sẻ.

Nguồn tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ toàn thị trường chứng khoán giảm dần đều từ đầu năm đến nay, giảm khoảng 6.800 tỷ đồng so với cuối năm 2019.

Cùng với đó, dư nợ ngân hàng thương mại cho vay giao dịch ký quỹ qua CTCK cũng giảm dần đều, giảm khoảng 535 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Giá trị bán giải chấp trên thị trường chứng khoán gần đây chưa lớn, nhưng nếu thị trường chứng khoán tiếp tục giảm sâu, thì áp lực giải chấp sẽ tăng theo, tạo hiệu ứng kép cho đà giảm.

Dự báo về quý II, trong những năm trước, ngoài đón “sóng” đại hội đồng cổ đông với những tin về kế hoạch lợi nhuận, chia cổ tức, các dự án mới triển khai…, thị trường chứng khoán thường được hỗ trợ bởi thông tin kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp lãi cao công bố sớm.

Tuy nhiên, năm nay, do tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, nên thị trường không nhận được sự hỗ trợ bởi cả hai yếu tố này.

Thực tế cho thấy, đến nay, lượng doanh nghiệp niêm yết, CTCK tổ chức đại hội rất ít. Nhiều doanh nghiệp xin gia hạn tổ chức đại hội đồng cổ đông vào cuối quý II/2020.

Bối cảnh kinh doanh khó khăn khiến những ngành vốn “hái ra tiền” trong những năm gần đây như hàng không, du lịch, bất động sản… đang gánh chịu những thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh.

Nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát hiệu quả cả trên phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ ở Việt Nam, thì với đặc thù nguồn lực tài chính hạn chế, tâm lý nhà đầu tư “nghỉ chơi” vì sợ rủi ro, đồng thời thanh khoản của thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, quý II/2020, khó khăn có thể ngấm sâu hơn quý I.

Ngày 31/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán là dịch vụ thiết yếu, phải được đảm bảo tổ chức giao dịch an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục