Biến động theo lãi suất
NIM là phần chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng. Nói cách khác, NIM là phần chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động vốn (lãi tiền gửi) và hoạt động đầu tư (lãi vay), cũng là một trong những chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lời của ngân hàng.
Nhà đầu tư thường quan tâm đến NIM như là một trong những chỉ tiêu quan trọng để ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, cũng như đánh giá tiềm năng phát triển của cổ phiếu đó. Một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến NIM là lãi suất, xét trên cả lãi suất đầu vào và đầu ra. Hệ số NIM cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách lãi suất, nhất là trong thời gian lãi suất biến động mạnh vừa qua.
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước có 2 lần tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, kéo theo lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tăng liên tục, trong khi vẫn yêu cầu kiểm soát lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Khi lãi suất cho vay ra chưa theo kịp đà tăng sốc của lãi suất huy động, chắc chắn sẽ gây áp lực co hẹp lên NIM. Nửa cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi liên tục tăng, có thời điểm lên trên 10%/năm, đã kích thích nhu cầu gửi tiết kiệm của khách hàng nhiều hơn là vay vốn, qua đó khiến hệ số NIM sụt giảm.
TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, ngân hàng là ngành độc quyền nên sẽ cố gắng duy trì mức NIM tương đối cao để có lợi nhuận tốt. Điều này được chứng minh trong năm 2022, nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng NIM của ngân hàng không giảm.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhưng vì NIM không giảm nên các ngân hàng đều báo lãi kỷ lục so với năm trước. Tuy nhiên, ông Huân dự báo, NIM ngân hàng có xu hướng giảm trong thời gian tới vì áp lực phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, song tỷ trọng giảm không nhiều, nên sẽ có sự phân hóa NIM giữa các ngân hàng.
Theo đó, NIM của ngân hàng quy mô lớn sẽ nhỏ hơn NIM ngân hàng quy mô nhỏ. Dẫu vậy, theo ông Huân, ngân hàng lớn dù có NIM nhỏ nhưng tổng lợi nhuận vẫn cao so với ngân hàng nhỏ, vì những khoản cho vay của ngân hàng này có quy mô khá lớn và có nguồn vốn dồi dào nên chấp nhận mức NIM nhỏ và đạt được lợi thế kinh tế về quy mô. Cách làm này cũng tối ưu hóa được chi phí hoạt động.
Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ chưa đạt được lợi thế kinh tế về quy mô nên chi phí hoạt động cao, dẫn đến việc NIM cao nhưng lợi nhuận chưa cao tương ứng. Sự dịch chuyển sang mảng ngân hàng bán lẻ cũng góp phần cải thiện NIM nhưng sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu. Đơn cử như mảng cho vay bán lẻ, cho vay khách hàng cá nhân có rủi ro nợ xấu cao hơn cho vay khách hàng doanh nghiệp và khó thu hồi nợ hơn.
Giới phân tích tài chính nhận định, xu hướng tăng cho vay khách hàng doanh nghiệp và huy động từ khách hàng cá nhân sẽ duy trì tới khi lãi suất hạ nhiệt rõ rệt và nền kinh tế có sự phục hồi (ít nhất đến quý I/2024). Vì vậy, trong năm 2023, NIM của các ngân hàng cho vay khách hàng doanh nghiệp và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng, đồng thời huy động chỉ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng, sẽ giảm mạnh hơn toàn ngành.
Ngược lại, nhóm ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ và có nguồn huy động đa dạng (từ liên ngân hàng, khách hàng cá nhân, CASA - tiền gửi không kỳ hạn cao…) sẽ hạn chế được rủi ro NIM thu hẹp. Riêng với Sacombank, NIM sẽ cải thiện đáng kể nhờ không còn áp lực lãi dự thu như trước.
Dự báo giảm trong năm 2023
Các chuyên gia phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, năm 2023, tổng tín dụng toàn ngành dự báo tăng trưởng khoảng 12% do yếu tố chu kỳ vĩ mô, NIM suy giảm phân hóa theo từng nhóm ngân hàng.
Trong nửa đầu năm, khả năng cao NIM vẫn suy giảm do, nhưng nửa cuối năm có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.
Động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi giảm, dẫn đến tổng thu nhập hoạt động tăng thấp hơn so với trước. VDSC cho rằng, năm nay, chi phí vốn tăng nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3 - 6 tháng, dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong một, hai quý tới. Trong nửa đầu năm, NIM khả năng cao vẫn suy giảm do những yếu tố trên, nhưng nửa cuối năm có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.
Trong đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân bởi nhiệm vụ “hỗ trợ nền kinh tế” trong những giai đoạn khó khăn. VDSC kỳ vọng dự thảo sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho phép được tính một phần tiền gửi Kho bạc Nhà nước vào cấu phần tiền gửi trong cách tính LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động) sẽ sớm được thông qua.
Trong trường hợp này, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có thể tối ưu được lượng tiền gửi Kho bạc Nhà nước, bù đắp một phần cho sự chia sẻ gánh nặng chi phí lãi vay với nền kinh tế, còn khối ngân hàng cổ phần tư nhân khó tránh NIM giảm.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho hay, Ngân hàng sẽ tiếp tục ổn định NIM, hài hòa lợi ích của Ngân hàng và người gửi tiền, đưa ra mức lãi suất huy động phù hợp để giảm lãi suất cho vay. Vừa qua, ACB đã giảm lãi vay 3%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo ông Phát, ACB cố gắng tiết giảm chi phí, ổn định NIM, đạt mục tiêu lợi nhuận hơn 20.000 tỷ đồng năm 2023.
Tính đến cuối quý I/2023, tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ tăng 2,1% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức 5 - 6% của các quý trước đó. Các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành gồm
Techcombank, HDBank, VPBank, TPBank, MSB… Ngược lại, tín dụng tại các ngân hàng đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân như ACB, VIB, Sacombank... ghi nhận giảm hoặc tăng chậm. Kinh tế khó khăn đã tác động tới thu nhập cũng như khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân, từ đó làm giảm nhu cầu vay và các ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi giải ngân cho nhóm khách hàng này.
Ngược lại, với khách hàng doanh nghiệp, cụ thể là doanh nghiệp bất động sản, đang rất cần vốn để đảo nợ hoặc tài trợ hoạt động kinh doanh, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 6,5% so với đầu năm.
NIM trung bình của 25 ngân hàng niêm yết giảm 18 điểm cơ bản trong quý I/2023 do phải hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Hơn nữa, NIM của một số ngân hàng như Techcombank,
VPBank, TPBank, MBBank… giảm đáng kể do trái phiếu doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng - hai lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản vay thông thường đang gặp khó khăn.
Bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Phân tích định chế tài chính, FiinGroup cho rằng, chất lượng tín dụng đang đi xuống ở nhiều ngành, nợ xấu dần lộ diện kể từ khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực và dừng gia hạn từ cuối tháng 6/2022. Cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành ngân hàng đã tăng lên 1,92% và tỷ lệ nợ xấu gộp ở mức 4,5%.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng dự báo tăng lên đáng kể và tác động trực tiếp đến triển vọng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023 do nhiều khoản cho vay lĩnh vực bất động sản (bao gồm cho vay các nhà phát triển bất động sản, cho vay người mua nhà và trái phiếu bất động sản) có thể trở thành nợ xấu nếu tín dụng lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt.
Cũng theo bà Oanh, mặc dù chi phí vốn tăng cao khiến NIM có thể thu hẹp trong nửa đầu năm 2023 và chỉ có thể cải thiện trong nửa cuối năm khi áp lực thanh khoản dịu đi, nhưng thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán và bancassurance sẽ trở thành nguồn thu nhập ổn định nhờ nỗ lực số hóa của ngân hàng và dư địa bán chéo lớn từ tệp khách hàng ngày càng mở rộng.