NIM ngân hàng tiếp tục thu hẹp

(ĐTCK)  Báo cáo tài chính quý III/2024 của các ngân hàng cho biết, lợi nhuận toàn ngành suy giảm so với quý liền trước chủ yếu do biên lãi ròng (NIM) thu hẹp, giảm 17 điểm cơ bản so với quý trước khi chi phí vốn bắt đầu phản ánh sự nhích lên của lãi suất huy động thời gian qua trong khi lãi suất cho vay chỉ đi ngang.
Tỷ lệ NIM của ACB trong quý III/2024 giảm xuống mức 3,52%

Xu hướng giảm là chủ đạo

Báo cáo tài chính của MB cho biết, thu nhập lãi thuần quý III/2024 của nhà băng này đạt 10.400 tỷ đồng (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái), thấp hơn kỳ vọng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của MB chỉ tương đương 70% dự báo của giới phân tích. Đáng chú ý, trong quý vừa qua, chi phí vốn của MB nhích nhẹ (tăng 20 điểm cơ bản so với quý trước đó), trong khi lãi suất cho vay đi ngang, khiến cho NIM hợp nhất giảm nhẹ về 4,7% (giảm 19 điểm cơ bản so với quý trước đó).

Xét riêng quý III/2024, NIM của Techcombank đạt 4% (giảm 55 điểm cơ bản so với quý II/2024) chủ yếu do lợi suất đầu ra giảm 52 điểm cơ bản so với quý trước đó, với nguyên nhân chính là Ngân hàng tiếp tục áp dụng chính sách “lãi suất linh hoạt” cho các khách hàng doanh nghiệp lớn và việc cạnh tranh lãi suất vẫn tiếp diễn trong ngành.

Cùng xu hướng, tỷ lệ NIM của ACB trong quý III/2024 tiếp tục giảm xuống 3,52% (giảm 35 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 25 điểm cơ bản so với quý II/2024, thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia phân tích). Nguyên nhân NIM của ACB sụt giảm được nhận định là do lợi suất gộp đi ngang, trong khi chi phí huy động tăng 29 điểm cơ bản so với quý trước đó và hệ số LDR (tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng vốn huy động) giảm nhẹ xuống 92,1%.

Tại TPBank, NIM quý III/2024 ghi nhận mức giảm 20 điểm cơ bản so với quý trước đó, xuống gần 4%. Mặc dù chi phí huy động của nhà băng này vẫn tiếp tục giảm, nhưng tỷ lệ NIM quý III sụt giảm chủ yếu do dư nợ tín dụng tăng mạnh nhưng thu nhập lãi đem lại không khả quan.

Dù báo cáo tài chính của một số ngân hàng cho thấy NIM đi ngang hoặc cải thiện trong quý vừa qua, song theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), NIM của ngành ngân hàng có xu hướng giảm trong quý III/2024 so với 2 quý đầu năm và lũy kế 9 tháng đầu năm đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.

“Theo khảo sát của chúng tôi, có 12/24 ngân hàng ghi nhận NIM giảm trong 9 tháng đầu năm. Điều này chủ yếu do chi phí vốn giảm, khi lượng tiền gửi với lãi suất cao trong giai đoạn đầu năm 2023 đã dần đáo hạn, song lãi suất cho vay đầu ra cũng có xu hướng giảm mạnh hơn”, bà Hiền cho biết.

Cũng theo bà Hiền, hàng loạt nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu năm nhằm hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, bao gồm ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác nhằm tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm vốn tín dụng; yêu cầu các ngân hàng thương mại công bố lãi suất các khoản vay mới… Các động thái này làm tăng sự cạnh tranh của thị trường tín dụng, dẫn đến việc lãi suất cho vay hạ nhiệt.

“Trong bối cảnh hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) vẫn còn khó khăn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa khởi sắc, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng thương mại nói chung chỉ chiếm khoảng 20% tổng thu nhập, thu hẹp đáng kể so với con số xấp xỉ 25% trong giai đoạn 2020 - 2022. Vì vậy, việc cải thiện biên lãi ròng (NIM) đóng vai trò hết sức quan trọng đối với các ngân hàng trong những tháng cuối năm nhằm nâng cao các chỉ số hiệu quả sinh lời”, bà Hiền nói.

Số liệu được ông Lê Hoài Ân, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp đưa ra, tổng thu nhập hoạt động ngành ngân hàng trong quý III/2024 tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước nhưng lại suy giảm so với quý II/2024; trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 17,92% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận từ hoạt động khác tăng mạnh gần 132%, bù đắp cho việc suy giảm từ các hoạt động còn lại của ngân hàng.

“Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết đã cải thiện tích cực từ mức 2,11% trong quý I/2024 lên 11,53% trong quý III/2024. Tuy nhiên, đánh đổi cho mức tăng trưởng này là NIM suy giảm trong các quý gần đây, trong bối cảnh lãi suất cho vay được giữ ở mức thấp và kích cầu các gói tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Ân cho biết.

Cải thiện NIM: Nhiệm vụ khó khăn

NIM chỉ có thể cải thiện khi tín dụng khu vực tiêu dùng bắt đầu được cải thiện

Ông Lê Hoài Ân, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng

Theo đánh giá của Ban lãnh đạo ACB, chi phí vốn dần tăng khi lãi suất huy động tăng trong thời gian tới, trong khi cạnh tranh về lãi suất cho vay vẫn đang rất gay gắt, do đó, triển vọng cải thiện NIM trong thời gian tới là chưa thực sự rõ ràng.

Dự báo NIM năm 2025 về cơ bản sẽ đi ngang so với năm nay, lãnh đạo Techcombank cũng thừa nhận rằng, đây vẫn là một dấu hỏi đối với Ngân hàng khi chưa cảm thấy chắc chắn về việc thu hồi lãi từ chính sách “lãi suất linh hoạt”.

Trong khi đó, với TPBank, các nhà phân tích dự báo, trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại, nhiều khả năng nhà băng này sẽ vẫn còn gặp khó khăn trong việc cải thiện NIM. Ngoài ra, cũng không loại trừ rủi ro tiềm ẩn có thể tới từ khoản liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của TPBank.

Còn đối với MB, Ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng đầu trong ngành, khi tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 13,3% trong 9 tháng đầu năm và huy động vốn gia tăng chính ở nguồn giấy tờ có giá và huy động liên ngân hàng trong quý III/2024. Dù vậy, việc tiền gửi thị trường 1 chỉ tăng nhẹ trong quý vừa qua khiến cho LDR thuần của MB tiếp tục được neo ở mức 94%, cao nhất trong 7 năm qua.

“Điều này ảnh hưởng đến dư địa mở rộng NIM của MB trong các quý sau”, các chuyên gia phân tích nhận định.

Bà Hiền cho rằng, NIM chung của ngành ngân hàng tiếp tục thu hẹp trong thời gian tới, điều này xuất phát từ một số nguyên nhân:

Thứ nhất, lãi suất huy động đã hoàn thành chu kỳ giảm và sẽ tạo đáy trong nửa sau năm 2024. Thực tế, từ tháng 4/2024, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất huy động, điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1 - 0,7%. Thậm chí, lãi suất ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn.

“Điều này đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường. Mặc dù xu hướng tăng lãi suất huy động đang chậm lại đáng kể từ tháng 8 cho đến nay, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã khởi động chu trình cắt giảm lãi suất, song nhìn chung, chi phí vốn trung bình của ngân hàng trong năm 2024 sẽ cao hơn 2023”, bà Hiền nói.

Thứ hai, lãi suất đầu vào tăng, song lãi suất cho vay sẽ chưa bắt nhịp với đà tăng mà vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại, trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Nhận định được ông Lê Hoài Ân đưa ra, cho vay bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn trước bối cảnh tiêu dùng yếu và động lực tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tới nay chủ yếu đến từ mảng cho vay doanh nghiệp. Tuy nhiên, những khó khăn trong đầu ra khiến cho các doanh nghiệp vẫn rất thận trọng việc đầu tư; đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Phần lớn hoạt động đầu tư và sản xuất gia tăng chủ yếu đến từ các ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm không thiên về tiêu dùng. Sự chuyển dịch trong cơ cấu tín dụng khiến NIM chịu áp lực giảm mạnh và NIM chỉ có thể cải thiện khi tín dụng khu vực tín dụng tiêu dùng bắt đầu được cải thiện.

“Với mức độ phân hóa ở các nhóm ngân hàng và các ngân hàng trong mỗi nhóm chiến lược, dựa trên mức biến động CASA của các ngân hàng, cho thấy vẫn nhiều điều cần phải tiếp tục theo dõi NIM trong thời gian sắp tới”, ông Ân nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục