Niềm vui nối dài với các nhà đầu tư

(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục tăng trong phiên giao dịch thứ Tư  (5/6) khi nhà đầu tư đặt cược vào khả năng giảm lãi suất trong năm nay, cũng như kỳ vọng vào việc Mỹ và Mexico sẽ đạt được thỏa thuận tránh đánh thuế của Mỹ.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Sau tín hiệu phát đi của ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed hôm thứ Ba, thêm tín hiệu để nhà đầu tư đặt cược mạnh hơn vào khả năng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay đó là bảng lương trong lĩnh vực tư nhân (ADP) được công bố thấp hơn dự báo.

Theo đó, các nhà tuyển dụng tư nhân Mỹ đã tuyển mới 27.000 việc làm, tốc độ thấp nhất trong hơn 9 năm trong tháng 5 và thấp hơn nhiều mức dự báo 173.000 việc làm. Lý do theo các nhà phân tích, là do chiến tranh thương mại. Thứ Sáu, bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 của Mỹ sẽ được công bố. Con số việc làm tạo mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp của tháng 5 được dự báo là 180.000 việc làm.

Trong một diễn biến khác, các quan chức Mỹ và Mexico đã gặp nhau để đàm phán nhằm tránh việc đánh thuế của Mỹ vào hàng hóa của Mexico như Tổng thống Trump tuyên bố. Các bên hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận và việc đánh thuế như tuyên bố của Tổng thống Trump sẽ không xảy ra.

Những thông tin trên giúp phố Wall tiếp tục duy trì đà trong phiên giao dịch thứ Tư, nhưng đà tăng không còn mạnh như phiên trước do lực cản của nhóm cổ phiếu năng lượng khi nhóm này giảm 1,1% theo giá dầu thô. Đây là nhóm ngành giảm duy nhất trong 11 nhóm ngày của phố Wall trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 5/6, chỉ số Dow Jones tăng 207,39 điểm (+0,82%), lên 25.539,57 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,88 điểm (+0,82%), lên 2.826,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 48,36 điểm (+0,64%), lên 7.575,48 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng tăng mạnh khi bước vào phiên thứ Tư nhờ các thông tin tích cực bên kia bờ Đại Tây Dương và sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu quốc phòng. Tuy nhiên, các chỉ số bị đẩy lùi trở lại và chỉ còn giữ mức tăng khiêm tốn do nhà đầu tư thận trọng trước căng thẳng leo thang giữa Ý và Liên minh châu Âu (EU) về tình trạng nợ nần của quốc gia này.

Kết thúc phiên 5/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,93 điểm (+0,08%), lên 7.220,22 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 9,64 điểm (+0,08%), lên 11.980,81 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 23,74 điểm (+0,45%), lên 5.292,00 điểm.

Phiên khởi sắc của phố Wall tối hôm trước giúp chứng khoán châu Á tăng mạnh khi mở cửa phiên thứ Tư. Tuy nhiên, chỉ có chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng mạnh đến khi chốt phiên, còn chứng khoán Hồng Kông hạ nhiệt dần về gần tham chiếu trước khi bật lại vào cuối phiên. Thậm chí, chứng khoán Trung Quốc đại lục còn quay đầu giảm điểm do nhóm cổ phiếu y tế lao dốc sau khi có thông tin Bắc Kinh sẽ kiểm toán các công ty ngành y tế.

Kết thúc phiên 5/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 367,56 điểm (+1,80%), lên 20.776,10 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,86 điểm (-0,03%), xuống 2.861,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 133,92 điểm (+0,50%), lên 26.895,44 điểm.

Sau phiên lình xình hôm thứ Ba, giá vàng đã lấy lại đà tăng trong phiên thứ Tư, vọt lên mức cao nhất 3,5 tháng, nhưng sau đó hạ nhiệt dần về cuối phiên và chỉ còn giữ được đà tăng nhẹ khi đồng USD tăng mạnh.

Kết thúc phiên 5/6, giá vàng giao ngay tăng 4,7 USD (+0,35%), lên 1.329,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 4,9 USD (+0,37%), lên 1.333,6 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, sau khi hồi nhẹ theo đà khởi sắc của chứng khoán trong phiên thứ Ba, giá dầu thô đã quay đầu lao dốc trở lại trong phiên thứ Tư khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ tăng mạnh.

Kết thúc phiên 5/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,80 USD (-3,37%), xuống 51,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,34 USD (-2,16%), xuống 60,63 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục