Niềm tin vào thị trường Việt Nam ngày càng tăng

0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp những thách thức liên quan đến lạm phát, sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu và tác động ngày càng tăng lên chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài dự đoán, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan trong trung hạn.

Bất chấp những thách thức liên quan đến lạm phát, sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu và tác động ngày càng tăng lên chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài dự đoán, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan trong trung hạn.

Nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm thị trường Việt Nam

Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM

Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM

Số lượng khách đến Văn phòng JETRO TP.HCM tìm hiểu cơ hội đầu tư tiếp tục ở mức cao, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản đến thị trường Việt Nam vẫn rất lớn.

Theo khảo sát do JETRO thực hiện vào tháng 8/2023, có 56,7% doanh nghiệp cho biết, họ có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Con số này cao hơn mức trung bình của ASEAN là 47,5%.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp có 47,1% nhà sản xuất trả lời sẽ mở rộng kinh doanh; 80% doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm, 75% trong ngành vận tải, 70,8% trong ngành hóa chất và dược phẩm trả lời là họ đang sẵn sàng mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Mặc dù phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu và mức độ mất giá của đồng yên, nhưng dự kiến, đầu tư từ Nhật Bản trong năm 2024 sẽ tập trung vào phục vụ nhu cầu nội địa tại Việt Nam.

Thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa hai bên

Ông Fred Burke, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam (HKBAV)

Ông Fred Burke, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam (HKBAV)

Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đặc khu hành chính Hồng Kông đã phát triển mạnh mẽ. Hồng Kông có nhiều nỗ lực tạo tiền đề cải thiện quan hệ thương mại, bao gồm cả việc cử nhiều phái đoàn cấp cao sang làm việc tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa hai bên.

Các chuyến thăm này củng cố liên hệ giữa các đối tác thương mại và đầu tư hiện có, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác mới. Các bên đang tích cực tìm kiếm đối tác kinh doanh tiềm năng, thiết lập các kênh phân phối, xây dựng cơ sở sản xuất và gia công cho các dự án công nghệ thông tin, cũng như các dịch vụ liên quan về hậu cần, tài chính, xây dựng...

Sự cải thiện rõ ràng và hứa hẹn nhất trong quan hệ đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Hồng Kông chính là việc nới lỏng thị thực gần đây cho công dân Việt Nam học tập và làm việc tại Hồng Kông. Tóm lại, những bước phát triển này thực sự rất đáng khích lệ.

Đầu tư của Đức vào Việt Nam có dấu hiệu tích cực

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện AHK Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện AHK Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào

Năm 2023, tình hình đầu tư nước ngoài từ Đức vào Việt Nam có những dấu hiệu tích cực, phản ánh niềm tin ngày càng tăng của các doanh nghiệp Đức vào thị trường Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 20/11/2023, Đức đã đầu tư tổng cộng 410 triệu USD vốn đăng ký, trong đó phần lớn tập trung vào ngành xây dựng/vật liệu xây dựng. Lũy kế cho đến nay, các nhà đầu tư Đức đã đầu tư vào Việt Nam 460 dự án, vốn đăng ký 2,66 tỷ USD.

Khoảng 91% công ty Đức được khảo sát bày tỏ ý định tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, khoảng 40% công ty đang có kế hoạch tăng lực lượng lao động.

Bất chấp thách thức liên quan đến lạm phát, sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng lên chuỗi cung ứng, Việt Nam được dự đoán sẽ trải qua sự hồi sinh về tăng trưởng kinh tế trong trung hạn. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như các hiệp định thương mại tự do (FTA), nổi bật là FTA Việt Nam - EU (EVFTA), mở ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp Đức tiếp cận thị trường Việt Nam.

Chính phủ đã nỗ lực xúc tiến du lịch

Ông Steve Wolstenholme, Chủ tịch, kiêm CEO Hoiana Resort & Golf

Ông Steve Wolstenholme, Chủ tịch, kiêm CEO Hoiana Resort & Golf

Du lịch Việt Nam đã vượt mục tiêu đề ra đầu năm 2023. Lượng khách du lịch quốc tế năm 2023 đạt trên 12 triệu lượt, tương đương 70% mức trước Covid-19. Kết quả này đạt được là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan địa phương trong công tác quản lý và xúc tiến du lịch.

Một trong những chính sách nổi bật được triển khai trong năm 2023 là chính sách thị thực mới. Đối với những khu nghỉ dưỡng phức hợp hướng đến khách quốc tế như Hoiana, chính sách nhập cảnh linh hoạt cho du khách nước ngoài mang đến nhiều lợi ích.

Năm 2023, chúng tôi cũng có cơ hội tham gia và đồng hành trong nhiều hoạt động xúc tiến du lịch do Quảng Nam chủ trì và hỗ trợ như chương trình khuyến mãi kích cầu mùa hè, các chuyến quảng bá du lịch đến các thị trường lớn.

Trong năm 2024, chúng tôi dự kiến mở thêm nhiều hạng mục F&B. Sự đa dạng về sản phẩm là điều quan trọng để thu hút du khách lưu trú lâu hơn.

Tăng trưởng của Việt Nam cao hơn mức trung bình của ASEAN

Ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)

Ông Paulo Medas, Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)

Thành tích kinh tế của Việt Nam tương đối tốt trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu dự kiến vẫn ở mức thấp. Ngay cả ở châu Á, nơi chiếm phần lớn tăng trưởng của thế giới, hiệu quả hoạt động của kinh tế Việt Nam cũng rất tích cực. Mức tăng trưởng của Việt Nam vào năm 2023 cao hơn một chút so với mức tăng trưởng trung bình của các quốc gia ASEAN khác.

Chúng tôi kỳ vọng, tăng trưởng của Việt Nam sẽ cao hơn mức trung bình của khu vực ASEAN trong năm 2024. Dù vậy, vẫn có những rủi ro đáng kể trong bối cảnh môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức. Nếu tăng trưởng toàn cầu không như mong muốn, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi còn tương đối yếu của xuất khẩu Việt Nam. Điều quan trọng nữa là phải giải quyết các rủi ro trong nước, chẳng hạn trên thị trường bất động sản; giảm chi phí kinh doanh và đầu tư.

Chúng tôi lạc quan về năm 2024

Ông Martin Koerner, Giám đốc thương mại, Tập đoàn khách sạn The Anam

Ông Martin Koerner, Giám đốc thương mại, Tập đoàn khách sạn The Anam

Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ cho ngành du lịch. Điều này đã thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt từ châu Âu. Năm 2023, khách sạn The Anam Cam Ranh của chúng tôi đã có năm thành công nhất trong lịch sử, với tỷ lệ lấp đầy cao và phản hồi tích cực từ khách hàng.

Chúng tôi lạc quan về năm 2024 và tin rằng, còn nhiều dấu hiệu tươi sáng hơn cho một năm nở rộ của ngành du lịch - khách sạn.

Việc gia hạn miễn thị thực lên 45 ngày được coi là một động thái tích cực để thúc đẩy du lịch, nhưng số lượng quốc gia được miễn thị thực vẫn còn ít, cần bổ sung thêm, bao gồm tất cả châu Âu, Australia và Bắc Mỹ.

Một vấn đề khác cần chú ý là sự hiện diện của Việt Nam tại các triển lãm thương mại quốc tế như WTM, ITB Berlin, ITB Singapore, ILTM Thượng Hải và các triển lãm khác. Đây là nền tảng quan trọng để giới thiệu các sản phẩm và tài nguyên du lịch, cũng như kết nối với các đối tác và khách hàng tiềm năng. So với các nước ASEAN khác, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm và cần đầu tư nhiều hơn vào tiếp thị và xây dựng thương hiệu du lịch, đồng thời phát triển chiến lược mạch lạc và nhất quán để quảng bá các điểm tham quan độc đáo và đa dạng, như vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa và ẩm thực hấp dẫn. Việt Nam cũng nên hợp tác với các đối tác trong khu vực để quảng bá du lịch trên thị trường toàn cầu, tạo ra sự phối hợp và bổ sung với các điểm đến khác.

Vấn đề nữa cần được quan tâm là thành lập các văn phòng tiếp thị du lịch ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là những thị trường được coi là trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Australia. Các văn phòng này sẽ cung cấp thông tin và hỗ trợ kịp thời, chính xác cho khách du lịch.

Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn

Ông Suh Dong Soo, CEO LOTTE Hotel Saigon

Ông Suh Dong Soo, CEO LOTTE Hotel Saigon

Năm 2023, du lịch phục hồi với nhiều chính sách đáng khích lệ từ Chính phủ như giảm thuế VAT xuống 8%. Với chính sách này, giá phòng và dịch vụ sẽ cạnh tranh với các nước trong khu vực nhằm thu hút du khách chọn Việt Nam làm điểm đến, đồng thời khuyến khích họ chi tiêu nhiều hơn và tăng nhu cầu mua sắm, di chuyển, sử dụng dịch vụ…

Việc mở đường bay quốc tế tới các thị trường Trung Đông, Trung Á, Đông Bắc Á... sẽ thúc đẩy đáng kể lượng khách du lịch đến Việt Nam và là cơ hội lớn cho ngành du lịch, dịch vụ.

Việc đảm bảo an toàn, an ninh của Việt Nam cũng được đánh giá cao. Theo Báo cáo Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2023, Việt Nam đứng thứ 41. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, Việt Nam đã trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với du khách quốc tế.

Giữ chính sách giảm thuế VAT 8% đến hết năm 2024 sẽ giúp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục