Niềm tin vào “cơ hội lãi lớn” với giao dịch hàng hóa kỳ hạn

(ĐTCK) Gắn với các loại tài sản cơ bản là các loại hàng hóa nguyên liệu cùng việc không hạn chế trong các phương thức giao dịch như với các loại phái sinh chứng khoán, giao dịch hàng hóa kỳ hạn đang ngày càng trở thành “miền đất hứa” cho những nhà đầu tư nhỏ hay các định chế tài chính.
Niềm tin vào “cơ hội lãi lớn” với giao dịch hàng hóa kỳ hạn

Nhà đầu tư ngày càng quan tâm

So với các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản, mức độ nhà đầu tư tại Việt Nam tham gia vào giao dịch kỳ hạn hiện nay khá tốt, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, phần vì đây vẫn là một thị trường khá mới và thuật ngữ giao dịch hàng hóa kỳ hạn vẫn chưa được các nhà đầu tư thực sự “thẩm thấu” như phái sinh chứng khoán, phần vì hạn chế của các khuôn khổ pháp lý trước đây khiến nhà đầu tư khó tham gia hơn.

Thuộc vào nhóm sản phẩm đầu tư tài chính với hình thức như phái sinh chứng khoán, nhưng việc phái sinh dựa trên tài sản có thật là các loại hàng hóa nguyên liệu với đa dạng sản phẩm từ nông sản, kim loại, nguyên liệu,.. nên mức độ đa dạng trong giao dịch hàng hóa kỳ hạn không kém và cũng là kênh đầu tư có mức độ hấp dẫn không kém cạnh so với phái sinh chứng khoán trên thế giới.

Niềm tin vào “cơ hội lãi lớn” với giao dịch hàng hóa kỳ hạn ảnh 1

Phụ thuộc vào kỳ vọng của của nhà đầu tư và diễn biến vận động của thị trường hàng hóa vật chất như nông sản, kim loại, nguyên liệu, cơ chế mở vị thế mua (long) và bán (short) với các hợp đồng kỳ hạn hàng hóa tương tự như phái sinh chứng khoán khiến giao dịch hàng hóa qua sàn trở thành công cụ quan trọng cho việc bảo hiểm giá cho các nhà xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, giao dịch hàng hóa kỳ hạn cũng trở thành công cụ đầu tư hấp dẫn cho những nhà đầu tư với số vốn thấp nhưng tỷ lệ giao dịch ký quỹ lại có thể đạt ở mức cao. Trong khi đó, biên lợi nhuận lại không bị giới hạn do giá cả hàng hóa biến động phụ thuộc theo xu hướng chung của thị trường giao dịch hàng hóa đang diễn ra thực tế trên thế giới.

Việc cho phép giao dịch liên thông với các sàn giao dịch hàng hóa hàng đầu trên thế giới như CME, ICE hay TOCOM kể từ khi Nghị định 51/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2018, giao dịch hàng hóa kỳ hạn trở nên hấp dẫn hơn khi giá cả của hàng hóa luôn minh bạch và không nhà đầu tư nào, kể cả tổ chức có thể thao túng được giá cả.

Chưa kể, với việc hàng hóa thật gần như không có sự tương quan lớn với các sản phẩm đầu tư tài chính khác như chứng khoán hay bất động sản nên là lí do giúp đa dạng danh mục đầu tư và tối ưu thêm khả năng sinh lời cho nhà đầu tư. 

Theo từng giai đoạn phát triển của chính trị và kinh tế thế giới, giá cả của các loại hàng hóa cũng biến động không ngừng đặc biệt là dầu thô, kim loại nên được các nhà đầu tư ngày càng quan tâm. Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu, cạnh tranh trong thương mại quốc tế cũng tác động lớn đến các mặt hàng như nông sản, là một lí do để đầu tư.

Theo Cơ quan quản lý thị trường tương lai của Mỹ (FIA), khối lượng giao dịch năng lượng và kim loại trong hơn 10 năm qua gia tăng đáng kể. Trong đó, con số năm 2017 đã gấp hơn 3 lần thời điểm năm 2010, chiếm tỷ trọng 38,1% tổng các loại hàng hóa phái sinh được giao dịch trong năm, cho thấy được xu hướng ưu tiên của các nhà đầu tư ngày nay.

Đổi lại, nông nghiệp vẫn duy trì khối lượng giao dịch ưu thế theo thời gian vì là mặt hàng xuất nhập khẩu lớn nhưng tỷ trọng vào năm 2017 chỉ chiếm 22,9%. Nông sản chủ yếu được các nhà đầu tư cá nhân giao dịch mạnh là các sản phẩm đậu tương và ngô, năng lượng có đại diện là dầu thô, còn kim loại thì sắt, thép đang là chủ lực.

Hướng “miền giá trị” cho các nhà đầu tư

Theo số liệu của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, tuy mức độ nhà đầu tư tham gia thị trường hàng hóa hiện còn thấp so với các kênh đầu tư khác, nhưng đáng có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt, tính từ giữa năm 2019 đến nay, trung bình mỗi tháng số lượng tài khoản giao dịch mở mới qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam tăng 20 - 30%, có tháng tăng 200%.  

Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, điểm hấp dẫn của giao dịch hàng hóa kỳ hạn là tính rõ ràng, minh bạch và có thể giúp nhà đầu tư đa dạng chiến lược khi có thể tham gia cùng lúc nhiều mặt hàng, nhiều loại giao dịch kỳ hạn khác nhau, từ đơn giản như Futures đến các loại hình phức tạp hơn như Options, Calender spreads, Options on Futures. Do đó, đây là nền tảng cơ bản để hấp dẫn các nhà đầu tư trong tương lai.

“Trong quá khứ, chỉ có những người có nhiều vốn cũng như có đủ thời gian và trình độ chuyên môn mới có thể đầu tư vào hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp cận thị trường hàng hóa cũng mở ra với những người không phải là chuyên gia, cho phép các nhà giao dịch trực tuyến tận dụng cả biến động giá ngắn hạn cũng như dài hạn”, ông Dũng nhấn mạnh và cho biết, sàn giao dịch hàng hóa ra đời nhằm tạo ra một môi trường giao dịch lành mạnh, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giao thương giữa các bên có liên quan trong sản xuất và thương mại, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước phát triển.

Hiện nay, với hệ thống thanh toán bù trừ đã được Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế và kết nối trực tiếp với thị trường thế giới qua hệ thống Ngân hàng quốc doanh được Nhà nước bảo hộ, các giao dịch hàng hóa kỳ hạn luôn đảm bảo tính an toàn và bảo mật tới từng nhà đầu tư cũng các hoạt động giao dịch trực tiếp.

Linh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục