Niềm tin kinh doanh tươi sáng hơn

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp châu Âu có những đánh giá tích cực hơn đối với môi trường kinh doanh Việt Nam sau một năm đầy biến động.
Niềm tin kinh doanh tươi sáng hơn

Lạc quan chiếm ưu thế

Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý III/2023 vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố cho thấy, BCI quý này của Việt Nam đã tăng lên 45,1 điểm, từ mức 43,5 điểm của quý trước. Mặc dù con số vẫn ở mức dưới 50 điểm trong 4 quý liên tiếp, nhưng mức tăng nhỏ này là dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế, đem tới hy vọng mới cho môi trường kinh doanh của Việt Nam sau một năm đầy biến động.

Báo cáo BCI cho thấy, tâm lý kinh doanh dường như đang thay đổi. Trong quý II và III/2023, mức độ bi quan về tình hình hiện tại đã giảm 3%, trong khi quan điểm tích cực và trung lập tăng lần lượt là 6% và 4%. Thêm vào đó, so với kết quả thu thập được từ quý II/2023, số doanh nghiệp kỳ vọng vào sự ổn định và sự tăng trưởng kinh tế trong quý tới đã tăng lên 11%, những doanh nghiệp dự báo xu hướng tiêu cực đã giảm đi 5%.

“Đã rất rõ ràng, nhóm châu Âu tin tưởng vào Việt Nam”, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham khẳng định về các số liệu khảo sát trong Báo cáo BCI.

Theo ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc Decision Lab, dấu hiệu phục hồi của Việt Nam thể hiện rõ nét, cụ thể là bán lẻ và du lịch đã tăng trưởng mạnh mẽ, giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài cũng mang lại sự lạc quan, củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh toàn cầu.

Ông Thue Quist Thomasen lưu ý, mặc dù xuất khẩu và bất động sản còn phải đối mặt với những trở ngại, nhưng sự lạc quan vẫn chiếm ưu thế. Tâm lý này báo hiệu một sự thay đổi có thể xảy ra trong nền kinh tế của đất nước.

Theo đánh giá của EuroCham, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến đầu tư hàng đầu. Đáng chú ý hơn, 31% xếp Việt Nam vào top 3, trong đó con số ấn tượng là 16% ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu. Hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát dự định tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khi năm 2023 gần kết thúc.

“Xu hướng tích cực” cũng là nhận định của ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam và TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) khi dự báo về kinh tế Việt Nam thời gian tới, tại một cuộc tọa đàm gần đây. “Niềm tin đã tăng lên rất mạnh mẽ, cả bên ngoài và trong nội bộ. Các địa phương cũng như doanh nghiệp lớn mà tôi làm việc đều có tâm thế mới sẵn sàng cho tương lai”, TS. Vũ Minh Khương nói.

Vẫn tồn tại khó khăn về hành chính

Có thể nói, kết quả khảo sát của EuroCham không chỉ cho thấy niềm tin vào môi trường kinh doanh Việt Nam, mà điều lớn hơn là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào sự điều hành của Chính phủ Việt Nam.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 644/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp rất mạnh mẽ để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

“Không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính, Chính phủ còn chỉ đạo cắt giảm cả chi phí tuân thủ pháp luật, thậm chí Chính phủ chỉ đạo không ban hành các quy định trong thời gian khó khăn nếu quy định đó tạo ra những khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm trước mắt. Báo cáo của EuroCham cho thấy, vẫn còn tồn tại những trở ngại. Cụ thể, 59% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, những khó khăn về hành chính là thách thức chính khi hoạt động tại Việt Nam. Những trở ngại khác như sự không chắc chắn trong các quy tắc và quy định, rào cản trong việc xin giấy phép và các yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực và giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài cũng là những điểm nổi bật.

Để cải thiện thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, 58% số người được khảo sát cho rằng, việc tinh giản bộ máy cồng kềnh là yếu tố quan trọng nhất, 48% ủng hộ việc tăng cường môi trường pháp lý, 1/3 kêu gọi nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và 22% nhấn mạnh việc nới lỏng các yêu cầu về thị thực và giấy phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài.

Riêng với các doanh nghiệp châu Âu, sau hơn hai năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hơn 60% doanh nghiệp cho rằng, thoả thuận này có lợi, trong đó lợi ích hàng đầu là cắt giảm thuế, tiếp theo là khả năng cạnh tranh được cải thiện ở Việt Nam, giảm rào cản thương mại, mở rộng quan hệ đối tác với công ty địa phương và tăng khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, sự khác biệt trong định giá hải quan đối với hàng nhập khẩu, thủ tục thông quan không rõ ràng và kéo dài, những trở ngại kỹ thuật đối với thương mại và sự không chắc chắn, thiếu rõ ràng liên quan đến hiệp định là những rào cản mà các doanh nghiệp cho rằng đang làm hạn chế hiệu quả đầy đủ của EVFTA.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục