Thưa ông, số vốn mà VNH vừa huy động thêm là 15,5 triệu USD trên tổng tài sản ròng 108 triệu USD của Quỹ không phải số tiền quá lớn, nhưng VNH gần như là quỹ đóng duy nhất huy động thêm vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong hơn 2 năm qua. Vậy theo ông, đâu là lý do thuyết phục nhà đầu tư và ý nghĩa của khoản vốn mới này?
Trong tháng 5/2012, Quỹ VNH muốn tri ân các cổ đông đã gắn bó lâu dài và ủng hộ Quỹ ngay cả khi thị trường khó khăn kể từ khi Quỹ được thành lập từ năm 2006, nên đã quyết định phát hành quyền mua cho các cổ đông theo nguyên tắc tỷ lệ sở hữu 3 cổ phiếu được 1 quyền mua.
Giá thực hiện của quyền mua được xác định theo giá trị tài sản ròng (NAV) tại thời điểm ngày 29/2/2012 là 1,196 USD/cổ phiếu. Ban điều hành Quỹ giả định, vào thời điểm quyền mua được thực hiện, giá trị tài sản ròng trên mỗi cổ phiếu tăng lên, sẽ tạo ra lợi nhuận cho những người nắm giữ quyền mua.
Giữa tháng 5/2012 đến 25/9/2013, thời điểm thực hiện quyền mua, niềm tin đối với thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài đã được cải thiện đáng kể.
Điều đó là nhờ việc thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ tại Việt Nam, sự cải cách trong khu vực ngân hàng, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước cũng như những chuyển biến tích cực trong cán cân thương mại và thanh toán, gia tăng dự trữ ngoại hối.
Ngoài ra, các cuộc tranh luận chính trị cởi mở diễn ra trong khoảng thời gian trên với các vấn đề ưu tiên giải quyết là cải cách doanh nghiệp nhà nước, chống tham nhũng đã khiến nhiều nhà quan sát tin rằng "Chính phủ Việt Nam đang thực sự hành động, không chỉ đơn thuần là nói".
Vậy ông nhìn nhận như thế nào về các cơ hội đầu tư ở thị trường Việt Nam?
Nếu so sánh với TTCK các nước trong khu vực, TTCK Việt Nam khá hấp dẫn về giá. Nhiều công ty niêm yết vẫn đang hoạt động tốt.
Với tiềm năng phát triển của thị trường nội địa cũng như xuất khẩu thông qua Hiệp định TPP hay các hiệp định khu vực khác, nhà đầu tư trung hạn sẽ tìm thấy cơ hội đầu tư rất hấp dẫn ở Việt Nam, nếu họ có thể chọn được các công ty tốt.
Kể từ khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, VNH luôn áp dụng nguyên tắc đầu tư giá trị. Hơn nữa, Quỹ cũng đề cao các tiêu chí môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp trong việc lựa chọn và đánh giá các công ty.
Chúng tôi tin rằng, bên cạnh việc mang lại sự ảnh hưởng tích cực cho đất nước nói chung, phương pháp này hiệu quả trong lựa chọn các công ty được quản trị tốt, có định hướng chiến lược rõ ràng. Điều này giải thích lý do tại sao VNH đã vượt trội so với quỹ khác về hiệu quả đầu tư.
Theo ông, Chính phủ Việt Nam cần làm gì để cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài?
Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu triển khai có hiệu quả một số cải cách cần thiết mà thị trường đã nhận ra cách đây một thời gian dài.
Các bước triển khai mặc dù khiêm tốn nhưng rất quan trọng để hướng tới một nền kinh tế hiệu quả hơn, minh bạch hơn đã nhận được phản hồi tích cực từ thị trường với sự quan tâm và cam kết nhiều hơn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục cải cách kinh tế một cách sâu hơn và nhanh hơn. Chúng tôi tin rằng, những thành công sẽ được tiếp nối bằng những thành công lớn hơn.
Ông có thể chia sẻ về một vài cổ phiếu trong danh mục đầu tư của VNH?
Có lẽ không cần nói nhiều về Vinamilk, một trong những công ty tốt nhất Việt Nam và là một cổ phiếu được hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng.
Tôi muốn đề cập đến những công ty ít được biết đến và có quy mô nhỏ hơn, nhưng theo VNH là điển hình cho sự năng động và tiềm năng của các công ty Việt Nam.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến lương thực, một trong những trọng tâm đầu tư của chúng tôi, CTCP Hùng Vương (HVG) là một câu chuyện thành công điển hình.
Trong lĩnh vực đầu tư trọng tâm khác của VNH là tiêu dùng, chúng tôi đánh giá cao hai công ty dược phẩm, CTCP Dược Hậu Giang (DHG) và CTCP Traphaco (TRA), không chỉ về mặt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, mà còn vì những thành tựu của họ trong việc quản trị doanh nghiệp, nhận thức xã hội và môi trường.
Ở quy mô nhỏ hơn, CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG) là đại diện tiêu biểu cho các ngành hàng tiêu dùng, hoạt động hiệu quả cả trong nước và quốc tế với một chiến lược xuất khẩu bài bản, từ hoạch định đến thực hiện.
>> Quỹ VDeF B “lội ngược dòng” như thế nào?