Nhượng quyền thương mại có giúp doanh nghiệp gia đình giành thế thượng phong?

Nhượng quyền thương mại (franchise) được xem là cách giúp giảm gánh nặng chi phí mở cửa hàng và giúp thương hiệu phát triển nhanh hơn, nhưng đi kèm nó là bài toán quản trị. Các thương hiệu Việt, nhất là với mô hình doanh nghiệp gia đình, có nên áp dụng cách làm này?
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư PMAX là người chơi ở vị trí CEO.

“Wrap&Roll đã sẵn sàng nhượng quyền thương mại ở tất cả các quốc gia và một số thành phố lớn tại Việt Nam”. Đó là lời tuyên bố mạnh mẽ trên trang web của thương hiệu Wrap&Roll - chuỗi nhà hàng kinh doanh các món cuốn truyền thống Việt Nam.

Để “dám” tự tin với lời tuyên bố đó, trong suốt 11 năm phát thương hiệu, Wrap&Roll đã xây dựng được một thực đơn độc đáo trên 40 món cuốn Việt truyền thống, hòa quyện với gần 20 loại nước chấm đặc trưng, chinh phục được nhiều khách hàng tinh tế và yêu ẩm thực Việt Nam.

Mặc dù mô hình phát triển chuỗi tự thân hoặc franchise hiện đã phổ biến tại Việt Nam và đã có nhiều doanh nghiệp đã gặt hái thành công và phát triển bền vững, nhưng câu chuyện thành công không phải dành cho tất cả.

Đơn cử, năm 2011, một thương hiệu Việt đình đám là Phở 24 bị bán lại cho chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Jolibee của Philippines đã khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, nhưng quan trọng nhất là mô hình franchise khiến chất lượng Phở 24 không đồng đều ở tất cả các quán.

Từ thực tế đó, việc có nên mở rộng nhà hàng bằng phương thức franchise hay không cũng là vấn đề mà một doanh nghiệp đang được HĐQT đưa lên bàn cân.

Đây là một doanh nghiệp gia đình đã có trên 20 năm kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng. Nhờ có vị trí đắc địa cùng một số công thức chế biến món ăn bí truyền, nhà hàng của doanh nghiệp này đã phát triển tốt, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để mạnh dạn đầu tư sang lĩnh vực bất động sản.

Nhờ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp thạc sỹ kinh doanh nhà hàng, khách sạn ở nước ngoài, người con lớn của gia đình đã được tin tưởng giao trọng trách làm CEO của doanh nghiệp, trong khi bậc cha chú “lui về” với vai trò thành viên HĐQT.

Sau một thời gian điều hành, CEO nhận thấy, mặc dù nhà hàng đã có danh tiếng và uy tín lâu đời, nhưng việc xây dựng, quy chuẩn thương hiệu và đăng ký thương hiệu lại hoàn chưa được thực hiện.

Với mong muốn phát triển sản nghiệp gia đình trên thế mạnh nhà hàng, CEO đã nghiên cứu và đề xuất một kế hoạch táo bạo với HĐQT về việc xây dựng, quy chuẩn hóa và đăng ký bản quyền hệ thống thương hiệu cùng mô hình kinh doanh của nhà hàng. Tiếp đó, sẽ mở rộng kinh doanh theo 2 hướng: tìm thêm vị trí đắc địa để mở thêm nhà hàng mới; bán quyền khai thác mô hình kinh doanh và khai thác thương hiệu.

Tuy nhiên, kế hoạch của CEO đã vấp phải sự phản đối của HĐQT. Các thành viên HĐQT cho rằng, phương án của CEO quá táo bạo và nhiều rủi ro, bởi thời gian vừa qua, nhiều vụ franchise đã gặp thất bại do mở rộng hệ thống quá nhanh và quá nhiều dẫn đến không kiểm soát được.

Các thành viên HĐQT đánh giá, nhà hàng hiện nay thành công là nhờ có địa điểm, nên có nguồn khách phù hợp với thực đơn và cách thức kinh doanh của gia đình. Nếu mở rộng đầu tư, ngoài việc tốn một khoản vốn lớn thì không dễ tìm được vị trí tốt với các yếu tố đồng bộ như vậy.

Để bảo vệ phương án của mình, CEO lập luận, nếu không phát triển, nhà hàng sẽ sớm bị cạnh tranh và thất bại. “Vấn đề là cần thuê tư vấn chuyên nghiệp và phát triển có hoạch định thì sẽ giảm thiểu rủi ro”, CEO quả quyết.

CEO sẽ phải làm thế nào để thuyết phục HĐQT để đưa doanh nghiệp phát triển theo mô hình hiện đại? Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư PMAX, sẽ là người chơi ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Duy trì hay nhân rộng?” để xử lý tình huống nói trên. Ông Nguyễn Văn Dũng cũng là vị CEO xuất hiện trong chuyên mục Gương mặt doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục