Kỳ V: Không để thêm những Vinashin-SBIC
Nếu không nhận diện chính xác nguyên nhân đẩy hàng loạt dự án do doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu tư rơi vào vòng xoáy thua lỗ, từ đó có cơ chế hữu hiệu bịt “lỗ rò” tham nhũng, lãng phí… thì nguy cơ phát sinh thêm những tội đồ tàn phá nền kinh tế, gây tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước là không thể loại trừ, đồng thời khiến các DNNN khó có thể giữ vững vị trí then chốt, là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nước nhà.
Mệnh lệnh sống còn
Cho đến thời điểm này, chỉ còn đúng 18 tháng nữa để các bộ, ngành liên quan hoàn tất việc xử lý các khối “di căn” của Vinashin-SBIC và 12 đại dự án “đắp chiếu” ngành Công thương theo yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 12/NQ - TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW Đảng khóa XII về tiếp tục tái cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết số 12).
Cụ thể, một trong ba mục tiêu được đề cập tại Nghị quyết số 12 là đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Cần phải nói thêm rằng, việc Nghị quyết số 12 cho phép áp dụng biện pháp phá sản theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng thua lỗ mà không có phương án phục hồi khả thi, đồng thời cho phép chuyển nhượng dự án đầu tư kém hiệu quả cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình xử lý những hậu quả nặng nề từ các đợt đầu tư phóng tay của Vinashin.
Đến năm 2018, 91 tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước (bao gồm cả công ty mẹ - công ty con) chiếm 92% tổng tài sản, khoảng 90% về vốn chủ sở hữu. Số lượng tập đoàn, tổng công ty có lỗ lũy kế năm 2011 là 13/91 tập đoàn, tổng công ty (48,9 nghìn tỷ đồng), năm 2012 là 25/127 tập đoàn, tổng công ty , năm 2013 là 20/133 tập đoàn, tổng công ty, năm 2014 là 19/119 tập đoàn, tổng công ty, năm 2015 là 14/103 tập đoàn, tổng công ty, năm 2016 là 17/91 tập đoàn, tổng công ty, năm 2017 là 10/83 tập đoàn, tổng công ty.
Tuy nhiên, với những khối di căn kéo dài 10 năm mang tên Điện - Thép Cái Lân, Vinashinlines… cùng gần 100 đầu mối doanh nghiệp nằm trong diện phá sản, nhưng vẫn đang chờ hướng xử lý, mục tiêu này đang dần tuột khỏi tầm với của SBIC và các bộ, ngành liên quan, trong đó trực tiếp là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Khối lượng công việc còn lại là quá nhiều, trong khi việc thẩm định giá các dự án thua lỗ vừa mất thời gian, vừa tốn kinh phí.
“Quan trọng hơn, để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu Vinashin-SBIC cần một quyết tâm chính trị rất cao, bởi nếu đánh giá đúng, ngay cả công ty mẹ - SBIC cũng đã hội đủ các điều kiện phá sản”, một chuyên gia thuộc Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết.
Không chỉ trường hợp Vinashin-SBIC, tính đến tháng 4/2019, trong số 12 đại dự án thua lỗ do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngành công thương đầu tư với tổng mức đầu tư lên tới 63.160 tỷ đồng, mới chỉ có 2 dự án khôi phục được kinh doanh, có lãi. Việc tái cơ cấu các dự án còn lại đều đang gặp rất nhiều trở ngại.
Theo các chuyên gia, lộ trình thực hiện để việc xử lý các khối di căn này đáp ứng được yêu cầu tại Nghị quyết số 12 là cần sớm sàng lọc, phân loại trong đống hổ lốn hàng trăm đầu mối doanh nghiệp, dự án đang nằm đắp chiếu.
Đối với những doanh nghiệp còn có thể xem xét phương án tái cơ cấu để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán, chuyển nhượng… thời gian thực hiện tùy theo sức khỏe từng đơn vị, nhưng không quá 2 năm. Nếu không thành công, thì phải cho phá sản và nếu lựa chọn phương án này, cần thực hiện sớm để tránh phát sinh thêm thiệt hại cho Nhà nước.
Trong Dự thảo Báo cáo về kinh tế nhà nước và cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2011 - 2020 phục vụ xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch 2021 - 2025, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thời gian vừa qua, phần lớn dự án thua lỗ của DNNN tuy đã được xử lý theo nguyên tắc thị trường, nhưng tiến độ xử lý chậm, nhiều dự án chưa có dấu hiệu tốt hồi phục. Đối với các dự án, doanh nghiệp thua lỗ khó có thể phục hồi như của Vinashin/SBIC và một số dự án “đắp chiếu” ngành công thương, nếu tiếp tục níu kéo sẽ trở thành gánh nặng cho Nhà nước.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, các DNNN hiện nay vẫn có lợi thế về vốn, đất đai, tài sản… thì hãy để họ tự cạnh tranh, phát triển. DNNN nào quá yếu kém, Nhà nước đã hỗ trợ cả thuế, giãn nợ mà vẫn không khá lên được, thì phải cho phá sản, giải phóng nguồn lực để các doanh nghiệp khác phát triển.
“Đây cần phải coi là mệnh lệnh sống còn, bởi nếu trước đây, nếu Nhà nước cho phá sản Vinashin và một số doanh nghiệp khác, tình hình bây giờ có thể đã khác”, ông Cung nêu kinh nghiệm.
Minh bạch để tăng cường giám sát
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Thành Đồng, quyền Tổng giám đốc SBIC cho biết, Tổng công ty đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn tất Báo cáo kết quả tái cơ cấu SBIC sau 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 6/6/2013 của Bộ Chính trị và phương hướng, giải pháp cơ cấu lại SBIC giai đoạn 2018 - 2020 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, cũng như mọi văn bản liên quan đến tái cơ cấu Vinashin-SBIC, dự thảo đề án này thuộc diện mật, chưa thể công bố.
Ngay trong những ngày Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhà nước” tại Vinashin/SBIC, thì Công ty TNHH MTV Mua bán nợ (DATC) đã công bố Báo cáo tài chính năm 2018. Báo cáo này cho thấy, trong số các doanh nghiệp mà DATC tái cơ cấu, đến nay SBIC là con nợ lớn nhất, với tổng các khoản phải thu là 20.500 tỷ đồng (khoảng 931 triệu USD). Điều đáng nói trên trang web chính thức của SBIC (www.sbic.com.vn) không hề có bất cứ một bản công bố thông tin nào theo quy định của Chính phủ về việc công bố thông tin đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối.
Do thiếu công cụ thông tin hiện đại, nên chức năng cảnh báo hầu như không được thực hiện cho đến khi các DNNN nhà nước đã tiến sát bờ vực phá sản, việc xử lý trở nên hết sức khó khăn, tốn kém.
Vụ việc lãnh đạo SBIC bị đem ra xét xử với tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và các khoản nợ đang ghi sổ của SBIC tại DATC cho thấy, rất có thể còn những lỗ rò lớn hơn nếu như quá trình tái cơ cấu ông lớn ngành đóng tàu nói riêng, các DNNN nói chung không sớm được công khai, minh bạch.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, Đề án Tái cơ cấu Vinashin-SBIC trong thời gian tới cần phải được công khai để có thêm sự giám sát, đặc biệt từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 12/NQ - TW.
Theo đánh giá của CIEM, cơ chế giao nhiệm vụ và giám sát thực hiện nhiệm vụ của DNNN đang rất bất cập. Hiện không cơ quan nào có thể nhanh chóng biết được chính xác hiệu quả, giá trị sổ sách, giá thị trường của khu vực DNNN, từng doanh nghiệp cũng như dòng vốn nhà nước đang vận hành trong nền kinh tế. Do thiếu công cụ thông tin hiện đại, nên chức năng cảnh báo hầu như không được thực hiện cho đến khi các DNNN nhà nước đã tiến sát bờ vực phá sản, việc xử lý trở nên hết sức khó khăn, tốn kém.
Điều rất đáng lo ngại là khu vực kinh tế nhà nước hiện vẫn chiếm khoảng hơn 1/3 tổng đầu tư xã hội. Tuyệt đại bộ phận tài nguyên, khoáng sản đang khai thác được giao cho các DNNN nắm giữ, quản lý và khai thác; phần lớn tín dụng đầu tư đang được phân bổ cho các DNNN. Báo cáo Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi Quốc hội vào tháng 10/2018 cho thấy, tổng tài sản của 526 DNNN đến hết năm tài chính 2017 đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó, các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con gần 2,8 triệu tỷ đồng; còn lại trên 239.000 tỷ đồng thuộc về số công ty TNHH MTV. Tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty cũng đã lên tới 1,53 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với 2016 và chiếm hơn một nửa tổng tài sản số đơn vị này.
Nếu không sớm xây dựng mô hình quản trị DNNN theo chuẩn mực quốc tế và có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch… nguy cơ xảy ra một Vinashin/SBIC thứ hai là không thể loại trừ.
Trên thực tế, kinh nghiệm từ các dự án thua lỗ phải “đắp chiếu” kéo dài cho thấy, phần lớn các dự án đó được lãnh đạo các DNNN và một số cơ quan chủ quản thẩm định một chiều, vẽ ra bức tranh rất sáng nhưng thiếu khả thi, phi thực tế. Lâu nay, việc đầu tư dự án theo cơ chế xin - cho, mọi trách nhiệm đều dồn cho tập thể một cách chung chung. Người quyết định đầu tư quyền hạn lớn, nhưng trách nhiệm không tương xứng, “vung tay quá trán” đối với đồng vốn nhà nước. Khi sự cố xảy ra, người chịu trách nhiệm đã… “lặn không sủi tăm”! Kết quả là, sự việc dần chìm xuồng theo kiểu hòa cả làng, gây bức xúc trong xã hội và làm giảm uy tín của kinh tế nhà nước.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Hội trường Quốc hội sáng ngày 30/5/2019, ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau cho rằng, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhiều công trình hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn đầu tư, thì các vụ án kinh tế, tham nhũng vừa được phanh phui với số tiền thất thoát hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng là nỗi đau lớn.
"Ngoài chế tài nặng, thì nội dung thu hồi tài sản thất thoát, tham nhũng cũng rất quan trọng và có tính răn đe cao. Với người quyết định đầu tư, phải có trách nhiệm đến cùng với dự án, với chế tài đủ mạnh và nghiêm minh để làm gương và tạo tính răn đe, tránh tình trạng hy sinh đời bố, củng cố đời con, trục lợi trong quá trình tái cơ cơ cấu DNNN”, ông Hận đề xuất.
Bên cạnh đó đã đến lúc cần tổng rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học việc thực hiện cơ cấu lại khu vực DNNN, qua đó xác định được một cách chính xác vai trò của kinh tế nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, phục vụ xây dựng Chiến lược kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030. Quan trọng hơn, những thất bại cần được mổ xẻ nghiêm túc để những “sai lầm chết người” gây mất uy tín của Đảng, Nhà nước, thậm chí, có thể kéo lùi sự phát triển đất nước như các vụ việc của Vinashin-SBIC hay 12 đại dự án “đắp chiếu” ngành công thương sẽ không bao giờ tái hiện.